Làm Ôsin xứ người - Bài cuối: Bụt chùa nhà không thiêng

02/04/2014 - 07:30

PNO - PN - Những tưởng làm thuê cho đồng hương ở nước ngoài sẽ yên tâm, nào ngờ cũng bị lừa gạt, bóc lột như làm cho người nước ngoài. Đó là tình cảnh của Sangeeta Richard, người giúp việc nhà cho một quan chức Tổng lãnh sự quán Ấn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 12/12/2013, một scandal gây căng thẳng về ngoại giao giữa chính phủ Mỹ và Ấn Độ bùng nổ. Đến nay, vụ này vẫn chưa giảm nhiệt do đôi bên cứ đổ lỗi qua lại. Bà Devyani Khobragade (ảnh), 39 tuổi, Phó tổng lãnh sự Ấn Độ ở New York, bị cảnh sát bắt “nóng” ngay trên đường phố. Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tố bà Devyani về tội gian lận hồ sơ xin cấp visa và khai man về tiền lương của người giúp việc nhà.

Nhờ hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao, bà Devyani không phải ra tòa, nhưng phải đóng 250.000 USD tiền bảo lãnh và buộc phải về nước ngày 9/1/2014. Cùng ngày, bồi thẩm đoàn Liên bang Mỹ tiếp tục ra quyết định truy tố bà Devyani về tội lừa dối chính phủ Mỹ để xin visa đưa người giúp việc đến Mỹ, đồng thời trả lương cho người này chỉ 1 USD/giờ, thấp hơn mức lương tối thiểu của Luật Lao động Mỹ.

Ấn Độ đã phản ứng gay gắt vụ bắt người nói trên, mô tả đó là việc làm thô bạo, xúc phạm nhân phẩm, trái với thông lệ ngoại giao, do bà Devyani bị còng tay, khám người, bị nhốt chung với tội phạm hình sự. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ phủ nhận những tình tiết nhạy cảm đó. Nhiều biện pháp trả đũa đã được thực thi. Hàng rào an ninh Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi bị tháo gỡ một phần. Cảnh sát Ấn Độ được lệnh phạt gắt gao nhân viên sứ quán Mỹ say xỉn hoặc vi phạm luật giao thông. Lãnh tụ đảng cầm quyền Ấn Độ từ chối gặp một phái đoàn Mỹ. Khi bà Devyani buộc phải về nước, ông Wayne May, nhân viên Cục An ninh ngoại giao (BDS) làm việc tại Đại sứ quán Mỹ, cũng được lệnh rời khỏi Ấn Độ trong 48 tiếng. Ông Wayne được cho là người giúp gia đình chị Sangeeta (gồm chồng và hai con) sang Mỹ, để giúp việc cho bà Devyani trước khi bà Devyani bị bắt.

Lam Osin xu nguoi - Bai cuói: But chua nha khong thieng

Chị Sangeeta Richard (ảnh: PTI)

Hợp đồng ma

Trung tâm của sự việc là một phụ nữ Ấn Độ tên Sangeeta Richard, 42 tuổi, được bà Devyani đưa sang Mỹ làm giúp việc nhà từ tháng 11/2012. Bà Devyani có ý định này từ tháng 9/2012 khi làm việc tại Tổng lãnh sự quán Ấn Độ ở New York. Bà có hai con gái còn nhỏ, nhà ở bên ngoài Tổng lãnh sự quán nên cần người giữ trẻ và làm việc nhà. Thay vì mướn người tại chỗ, bà thích mướn người đồng hương.

Ngay từ đầu, việc thuê mướn đã có dấu hiệu bất thường. Theo đơn tố cáo của chị Sangeeta và kết quả điều tra của Mỹ, trước khi sang Mỹ, bà Devyani và chị Sangeeta thỏa thuận miệng với nhau rằng lương khởi điểm và làm thêm giờ của chị Sangeeta là 30.000 rupee/tháng (1 rupee Ấn Độ = 344,4 VNĐ), nghĩa là, làm việc ở Mỹ nhưng Sangeeta chỉ được trả 3,31 USD/giờ. Thế nhưng, trong hợp đồng chính thức ký với chị Sangeeta nộp vào hồ sơ xin cấp visa tại đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, bà Devyani ghi lương của chị Sangeeta tại Mỹ là 9,75 USD/giờ. Chị Sangeeta thắc mắc, bà Devyani giải thích, đây là thủ tục cần thiết để xin visa Mỹ. Nếu ghi 3,31 USD/giờ theo hợp đồng miệng sẽ bị từ chối visa vì theo luật Mỹ, lương tối thiểu của người giúp việc là 7,25 USD/giờ.

Bà Devyani còn căn dặn lúc phỏng vấn, chị Sangeeta không được nói gì về lương thỏa thuận riêng giữa hai người, phải xác nhận mức lương “ảo” 9,75 USD/giờ ghi trong hồ sơ. Với mong muốn có việc làm, chị Sangeeta răm rắp làm theo lời dặn của bà chủ. Dựa theo “hợp đồng ma” này, đại sứ quán Mỹ cấp visa không di dân cho chị Sangeeta Richard.

Lam Osin xu nguoi - Bai cuói: But chua nha khong thieng

Bà Devyani Khobragade, nguyên Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ ở New York (ảnh: PTI)

Hai giờ trước khi lên máy bay đi Mỹ với tấm hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao Ấn Độ cấp, chị Sangeeta cho biết, chị bị buộc phải ký với chủ ngay tại sân bay một “hợp đồng phụ”, lần này là giấy trắng mực đen chứ không phải thỏa thuận miệng. Mức lương thật vẫn là 3,31 USD/giờ. Tuy nhiên, không như hợp đồng chính, bản hợp đồng phụ không có điều khoản ghi nhận chị Sangeeta có quyền nghỉ vì lý do đau ốm hay nghỉ hè mà không bị trừ lương. Đây là ý đồ của bà Devyani bắt chẹt người lao động về giờ giấc làm việc mà không sợ bị kiện cáo. Bà Devyani cũng thu giữ trái phép hộ chiếu của chị Sangeeta. Dĩ nhiên, đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ không biết gì về bản hợp đồng phụ này.

Chạy trốn

Vụ việc xuất phát từ đơn trình báo Văn phòng Ngoại vụ (OFM) thuộc Cục An ninh ngoại giao Mỹ và Sở Cảnh sát New York (NYPD) của bà Devyani Khobragade, theo đó, lợi dụng lúc bà vắng nhà ngày 23/6/2013, chị Sangeeta ăn cắp tài sản của chủ và bỏ đi mất. Bà Devyani yêu cầu tìm kiếm Sangeeta và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, sau khi điều tra, NYPD xác định, Sangeeta không mất tích, cũng không trộm cắp tài sản của bà Devyani mà chỉ chạy trốn sự bóc lột lao động của chủ.

Trong thời gian lẩn tránh, chị Sangeeta được nhiều người trong cộng đồng Ấn Độ ở New York hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Chị cũng nhờ Safe Horizon, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ nạn nhân của các đường dây buôn người nước ngoài vào Mỹ, hỗ trợ về mặt pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Lam Osin xu nguoi - Bai cuói: But chua nha khong thieng

Biểu tình đòi quyền của người giúp việc tại Lãnh sự quán Ấn Độ ở New York (ảnh: PTI)

Thông qua tổ chức Safe Horizon, chị Sangeeta bức xúc: “Khi quyết định đến Mỹ, tôi hy vọng sẽ dành dụm được một ít tiền giúp đỡ gia đình. Tôi đâu có ngờ lại gặp chuyện tồi tệ như vậy. Tôi đã yêu cầu bà chủ trả tôi về Ấn Độ nhưng không được. Nhân đây, tôi mong những người giúp việc đang đau khổ như tôi hãy đứng lên đòi quyền lợi của mình, không cho phép bất cứ ai bóc lột mình”.

Thấy vụ việc diễn tiến không thuận lợi, ngày 5/7, bà Devyani làm đơn khiếu kiện với OFM và NYPD rằng bà bị chị Sangeeta và gia đình “tống tiền” (10.000 USD tiền làm ngoài giờ) và “quấy rối nghiêm trọng”. Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ giải quyết gấp đơn khiếu kiện của bà Devyani. Một đơn kiện tương tự cũng được gửi đến tòa án New Delhi, yêu cầu điều tra bắt giữ chồng chị Sangeeta bị nghi ngờ giả danh luật sư để tống tiền bà Devyani qua điện thoại. Trên cơ sở đơn khiếu kiện này, ngày 19/11/2013 tòa án New Delhi yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ bắt giữ chị Sangeeta, trục xuất về nước.

Tại Ấn Độ, ngày 19/7, chồng chị Sangeeta là Philip Richard tiếp sức với vợ bằng cách nộp đơn khiếu nại lên tòa phúc thẩm New Dehli, tố cáo bà Devyani bắt vợ ông lao động “như nô lệ”, mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 11 giờ khuya, kể cả ngày Chủ nhật. Ông Philip khẳng định, chuyện bà Devyani nói vợ ông lãnh mỗi tháng 1.400 USD, được cấp phòng ngủ riêng có ti vi, được chủ mua cho điện thoại và máy tính bảng là dối trá. Ông Philip còn cho biết, cha của bà Devyani là Uttam Khobragade nhiều lần gọi điện tới gia đình ông hăm dọa nếu kiện cáo sẽ gánh lấy hậu quả thảm khốc như “bị bắt cóc” hoặc “bị bắt về tội buôn ma túy”. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm Ấn Độ không nhận đơn của ông Philip với lý do “không có thẩm quyền xét xử một vụ án ở nước ngoài”.

Lo sợ cuộc sống không an toàn, ông Philip Richard nộp đơn xin đi Mỹ cùng với hai con và được cấp visa T, loại cho phép ông và con cái lưu trú tại Mỹ để làm chứng cho vợ, một nạn nhân của tệ buôn người. Vụ án hiện vẫn chưa ngã ngũ vì diễn biến phức tạp.

 TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI