Làm ôsin xứ người - Bài 5: Không có công lý cho người nghèo

29/03/2014 - 17:25

PNO - PN - Ngày 9/1/2013, một người giúp việc Sri Lanka tên Rizana Nafeek bị hành quyết ở Ả rập Saudi vì bị cáo buộc giết con chủ để trả thù, dù Rizana luôn cho là mình bị oan. Đáng nói là tại thời điểm xảy ra vụ án Rizana mới 17 tuổi,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Rizana Nafeek sinh ngày 2/2/1988 là con gái đầu lòng của một gia đình rất nghèo, có đến sáu miệng ăn ở làng biển Saafi Nagar, nơi hứng chịu trận sóng thần kinh khiếp năm 2004, cách thủ đô Colombo của Sri Lanka 330km về phía Đông. Rizana là một trong những học sinh xuất sắc nhất làng, từng mơ ước được học cao hơn để có thể kiếm được nhiều tiền giúp gia đình thoát nghèo.

Nhưng, cuộc đời không như mong đợi. Năm em học hết lớp 9, có một gã nhân viên công ty xuất khẩu lao động tên Bajurdeen đến nhà bà nội của Rizana đề nghị cho em sang Ả rập Saudi làm nghề giúp việc gia đình. Dù lúc đó Rizana mới 17 tuổi, trong khi luật pháp Ả rập Saudi quy định chỉ được mướn lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở lên, nhưng gã cò bảo đảm công ty có thể làm hộ chiếu lao động với số tuổi hợp pháp. Cụ thể, năm sinh của Rizana được sửa lại thành 1982 thay vì 1988.

Bà nội của Rizana bảo Mohamed Nafeek - cha của Rizana - cho con gái đi làm ở Ả rập Saudi. Là một người con hiếu thảo, ông Mohamed vâng lời mẹ. Hơn nữa, đối với người nghèo Sri Lanka, Ả rập Saudi giống như miền viễn Tây nước Mỹ, nơi có thể kiếm tiền giúp gia đình thoát nghèo bằng con đường ngắn nhất: làm Ôsin. Theo số liệu thống kê năm 2013, có 375.000 phụ nữ Sri Lanka làm nghề này ở Ả rập Saudi.

Lam osin xu nguoi - Bai 5: Khong co cong ly cho nguoi ngheo

Biểu tình phản đối xử tử Rizana ở Colombo - Ảnh: Independent

Bé sặc sữa thành tội giết người

Ngày 1/5/2005, Rizana Nafeek đến Riyadh, thủ đô Ả rập Saudi, lòng tràn trề hy vọng. Ba ngày sau, em được ông bà Naif Jiziyan Khalaf ở Naif al-Quthaibi, thị trấn Dawadami, cách Riyadh 200km, mướn với một hợp đồng 18 tháng. Công việc của Rizana bao gồm nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và giữ một bé trai bốn tháng tuổi.

Đối với một cô gái nhà nghèo như Rizana, công việc được giao không có gì khó khăn, trừ chuyện chăm sóc em bé mà em chẳng có chút kinh nghiệm. Chỉ có điều, chủ nhà bắt em làm việc quá nhiều, từ mờ sáng đến khuya. Được hơn hai tuần thì xảy ra chuyện.

Lúc đó là vào khoảng 12g30 ngày 22/5/2005. Đang cho em bé bú bình thì Rizana thấy sữa ộc ra từ miệng và mũi em bé. Hoảng hốt, Rizana cố gắng vuốt họng, cổ và mặt thằng bé. Thấy mắt thằng bé nhắm nghiền, em la lên cầu cứu nhưng trong nhà không có người lớn, chỉ có vài em nhỏ đang chơi. Một tiếng sau, mẹ em bé mới về nhà. Thấy con nằm bất động, bà nổi điên đánh em đến hộc máu mũi rồi ẵm con đi bác sĩ.

Cảnh sát đã bắt Rizana ngay trong ngày về tội giết người. Theo lời khai của chủ nhà, trước đó mấy ngày Rizana có gây gổ với bà chủ. Bà ta quả quyết, con bà chết là do Rizana giết để trả thù. Tại đồn cảnh sát, Rizana bị tra tấn bằng dây nịt, bị buộc phải nhận tội bóp cổ thằng bé, nếu không sẽ bị chích điện đến chết. Cảnh sát đã bỏ qua một việc hết sức quan trọng: giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân cái chết của đứa bé. Đơn giản vì bị cáo chỉ là một người làm thuê đến từ một đất nước nghèo khó.

Rồi người ta đưa Rizana đến một nơi khác để thẩm vấn. Rizana chỉ nói được tiếng mẹ đẻ Tamil, không biết tiếng Ả rập. Không có luật sư và người phiên dịch trong các buổi lấy cung đều sử dụng tiếng Ả rập. Người ta đưa cho em một tờ khai thú tội giết người viết sẵn bằng tiếng Ả rập. Trong tâm trạng hoảng loạn, Rizana ký tên bằng điểm chỉ (lăn tay).

Xuất hiện lần đầu tiên tại tòa sơ thẩm ngày 3/2/2007, Rizana Nafeek “được” cảnh sát dặn dò “phải khai y như trong tờ thú tội giết người đã ký”. Tất nhiên, bị cáo không dám cãi. Tuy nhiên, khi gặp người phiên dịch của lãnh sự quán Sri Lanka, bị cáo kể lại sự thật. Bị cáo nói, do bị tra tấn và ép cung, bị cáo không chịu nổi phải nhận tội. Sự thật đó là một tai nạn, em bé bị sặc sữa, không phải bị cáo bóp cổ chết. Bị cáo không có kinh nghiệm xử lý nên để xảy ra chuyện đáng tiếc. Bất hạnh cho Rizana, người phiên dịch không có trình độ, mọi hy vọng của em bị dập tắt.

Theo luật Ả rập Saudi, có hai trường hợp bị cáo được ân xá. Một, theo lệnh ân xá của nhà vua. Hai, gia đình nạn nhân bằng lòng tha thứ và đổi lại bị cáo phải trả một khoản tiền bồi thường gọi là “tiền máu”. Ông chủ ở Naif al-Quthaibi có vẻ muốn tha thứ nhưng bà chủ bác lời thỉnh cầu của Rizana, yêu cầu “nợ máu phải trả bằng máu”.

Dựa vào kết quả điều tra phiến diện của cảnh sát và bản thú tội đầy nghi vấn của bị cáo, ngày 16/6/2007, tòa thượng thẩm Dawadami tuyên án chém đầu Rizana.

Lam osin xu nguoi - Bai 5: Khong co cong ly cho nguoi ngheo

Hộ chiếu của Rizana - Ảnh: Amnesty International
 

Kháng án bất thành

Rizana Nafeek kháng án, cung cấp giấy khai sinh cho thấy bị cáo mới 17 tuổi lúc bi kịch xảy ra, xin hưởng quyền trẻ em quy định bởi Công ước Quyền trẻ em mà Ả rập Saudi đã ký, theo đó bị cáo dưới 18 tuổi được miễn tội tử hình.

Thế nhưng, theo nguồn tin từ Tổ chức Ân xá quốc tế, các thẩm phán Ả rập Saudi không quan tâm đến giấy tờ này. Trong thời gian Rizana bị giam trong phòng tử tù ở nhà lao Dawadami chờ thi hành án, Tổng thống Sri Lanka - ông Mahinda Rajapaksa - hai lần đích thân viết thư khẩn cầu Quốc vương Ả rập Saudi khoan hồng cho Rizana. Thái tử nước Anh Charles cũng kêu gọi chính phủ Riyadh tha mạng cho bị cáo. Ngoài ra, hàng chục tổ chức nhân quyền, trong đó có Ân xá quốc tế và Theo dõi nhân quyền, cũng đã tổ chức biểu tình yêu cầu trả lại sự công bằng cho Rizana, đấu tranh đòi trả tự do cho bị cáo. Những nỗ lực trên đều không có kết quả. Tháng 10/2010, tòa án tối cao Ả rập Saudi bác đơn kháng án, xử y án tử hình. Bộ Nội vụ sau đó phê chuẩn bản án.

Trong tám năm bị giam ở nhà lao Dawadami - từ 2005 đến 2013 - Rizana không nhận được thông tin từ bên ngoài. Cô không hề biết đơn kháng án đã bị tòa án tối cao bác bỏ. Cô cũng không biết mình có thể bị hành quyết bất cứ lúc nào.

Hệ thống pháp lý Ả rập nổi tiếng rất khắt khe đối với người lao động nước ngoài. Mọi sự can thiệp cấp ngoại giao thường không có hiệu quả. Án phí kháng án cũng rất cao khiến gia đình nạn nhân bất lực, chính quyền Sri Lanka khó đáp ứng vì nhiều lý do, trong đó có quy định lãnh sự quán “không được hỗ trợ pháp lý” cho di dân, theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền.

Cuộc hành quyết diễn ra lúc 11g40 ngày 9/1/2013 gây sốc toàn thế giới. Những người đứng đầu Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp châu Âu đều lên tiếng chỉ trích chính quyền Ả rập Saudi sau khi nhiều lần yêu cầu nước này hủy bản án không được. Trong một lá thư gửi Cao ủy Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Nhân quyền châu Á gọi việc xử chém Rizana Nafeek “chẳng khác nào một vụ giết người”. Dư luận Sri Lanka tất nhiên càng phẫn uất hơn.

Báo chí Sri Lanka cho biết, bà Saiyadu Farina, mẹ của Rizana, đã từ chối nhận tiền hỗ trợ (khoảng 16.000 USD) của chính quyền và các tổ chức xã hội Ả rập Saudi mà bà cho là thủ phạm sát hại Rizana. Ngay cả việc xin xác con đưa về nước chôn cất của gia đình bà cũng bị chính quyền Riyadh bác bỏ.

Người mẹ đau khổ này đã kêu gọi các bà mẹ Sri Lanka khác đừng bao giờ đưa con gái đến Ả rập Saudi hay các nước Trung Đông tìm việc, vì ở đó công lý không đứng về phía người nghèo.

 TRỌNG NGHĨA

Bài cuối: bụt chùa nhà không thiêng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI