Làm ơn đừng hỏi tôi "có gì chưa"

10/02/2021 - 17:03

PNO - Những ngày lễ tết tôi thường trốn đi đâu đó, không bao giờ về quê vì không muốn gây sự với mấy bà cô bà thím, nói lại thì mang tiếng hỗn, mà không nói thì ức chế.

Từ năm tôi vào đại học, các bà vừa thấy mặt đã hỏi "có người yêu chưa?". Tôi vừa ra trường thì câu hỏi đổi thành "lấy chồng được rồi đấy".

Tôi đi làm một hai năm mà chưa động tĩnh thì nghe giục: "Lấy chồng nhanh khéo ế". Đâu riêng gì tôi, mấy đôi vừa lấy nhau đã bị dò xét "có gì chưa, bố mẹ mày còn khỏe, đẻ đi ông bà trông con cho".

Ôi trời, tôi biết bà con làng xóm không ác ý nhưng họ đâu biết, họ đang gây áp lực cho những người trẻ. Nhất là thời nay đâu còn như thời xưa, sinh cả chục người con, con gà bế con vịt, họ nghĩ "trời sinh voi sinh cỏ" nên cứ đẻ đi rồi đâu sẽ vào đấy!

Làm ơn đừng hỏi những câu tế nhị - Ảnh minh họa
Làm ơn đừng hỏi những câu tế nhị - Ảnh minh họa

Đâu vào đấy làm sao được, khi mà người mẹ phải nặng nề mệt mỏi suốt 9 tháng trời, ngay từ khi mang thai, người phụ nữ đã bước chân lên con đường hy sinh và chịu đựng nhưng mấy ai có được sự chủ động, chuẩn bị kỹ càng?

Họ sẽ phải nghỉ làm ít nhất nửa năm sau khi sinh con, sau đó một số sẽ nghỉ luôn ở nhà chăm con vì gia đình/chồng yêu cầu vì “tội con còn nhỏ”. Một số khác vẫn đi làm vì kinh tế chưa ổn, họ phải thuê giúp việc, nhờ ông bà nội ngoại trông con, thân ở chỗ làm mà đầu óc cứ đặt bên tô cháo, cái tã của con. Vừa tan sở là sấp ngửa chạy về, chưa kể đi làm nay muộn mai vắng, ngày kia về đưa con đi khám bệnh. 

Từ khi mang thai, người phụ nữ phải sống cho hai người, có thể là ba, bốn vì thứ gọi là... miệng thiên hạ. Lúc có bầu thì thiên hạ nói: "5 tháng sao bầu bé thế, khéo đẻ con suy dinh dưỡng", bầu to thì "ăn vừa thôi mai mốt khó đẻ". Sinh con xong rồi thì nghe "mấy tháng rồi mà trông còi thế/chưa biết ngồi à?"...

Tôi xác định, tôi chưa thể làm được một lúc chừng đó việc.

Tôi chỉ sẵn sàng khi mình cảm thấy mình có thể, cũng như trước khi bước vào một kỳ thi quan trọng với cái đầu rỗng tuếch và thân thể mệt mỏi, áp lực thì làm sao có kết quả tốt?

Nuôi một đứa trẻ không đơn giản. Nguồn ảnh: Internet
Nuôi một đứa trẻ không đơn giản - Nguồn ảnh: Internet

Ba người con trai đã đi lướt qua tôi rất nhanh, vì tôi thẳng thắn nói tôi không muốn sinh con, ít nhất là trong mười năm nữa. Có người nghĩ tôi bị bệnh, yêu thương nhau, về chung một nhà rồi sinh con đẻ cái là chuyện bình thường quá mà. Tôi chỉ mỉm cười, ai cho đó là bình thường nhưng tôi thì không.

Ngày nhỏ, cảnh mẹ ăn cơm mà cứ nhấp nhổm lo cho đám con, đi ăn tiệc thì xác định là ăn sau, ăn đứng vì sợ lũ con chạy đâu mất. Trong nhà có món tiền là mẹ nhăm nhăm tính toán cho đám con trước...

Thôi thì, cứ cho là tôi ích kỷ, tôi muốn sống cho mình thêm một thời gian nữa, chỉ khi nào tôi sẵn sàng cả vật chất lẫn tinh thần thì tôi sẽ sinh. Sinh con là quyền của tôi mà!

Và "vỏ quýt dày" là tôi vừa gặp "móng tay nhọn", anh nói tôi muốn sinh lúc nào cũng được vì nhà anh đông anh em, anh là con giữa nên chẳng có chút áp lực nào.

Anh cũng ngán ngẩm khi nghĩ đến viễn cảnh nửa đêm bị dựng đầu dậy vì một đứa trẻ bị sốt cần đi viện. Ngoài bố mẹ nó còn kéo thêm gần chục người khác cả già lẫn trẻ, náo loạn nhưng chẳng giúp được gì. Những lúc như vậy, đến ngáp anh cũng không dám, cứ phải giả bộ lo lắng...

Suy nghĩ của anh khá giống tôi, chúng tôi không đi ngược đám đông, chỉ là muốn chuẩn bị kỹ càng hơn trước khi làm bố mẹ, cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần và kiến thức làm cha mẹ.

Số ít không thể chống lại số đông, nhưng ít ra, khi bị nói này nói kia, tôi đã không còn cô đơn một mình chống đỡ.

Quỳnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI