Chưa bao giờ cụm từ “start-up” lại trở nên quen thuộc và hấp dẫn đến thế với các bạn trẻ. Tuy nhiên, hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong cộng đồng start-up Việt ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, du lịch… Trong bối cảnh này, ý tưởng khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp đang được đề cập vì ít cạnh tranh, mới mẻ và đầy tiềm năng.
|
Nông nghiệp công nghệ cao là cánh cửa tương lai của nông nghiệp sạch |
Khác biệt
Thật lạ là chàng thanh niên Phạm Minh Công (22 tuổi, Đà Nẵng) lại có niềm đam mê đặc biệt với cái… máng heo. Công luôn nghĩ về hậu quả nếu chú heo đang nuôi ăn quá nhiều hoặc quá ít. Làm sao để bảo đảm cung cấp đủ, đúng lượng thức ăn cần thiết cho heo phát triển tốt? Nếu như có một chiếc máng ăn thông minh, tự cân đong thức ăn cho heo, cung cấp đúng bữa, phù hợp với nhu cầu của từng loại heo, chắc chắn heo sẽ phát triển tốt, hạn chế được bệnh tật và người chăn nuôi cũng giảm được chi phí thức ăn.
Vậy là S&E - Máng ăn cho heo tự động đã ra đời. Công tâm sự: “Mình muốn chia sẻ dự án này đến những bạn có cùng ý tưởng để được nghe góp ý. Mình cũng muốn tìm cơ hội được hợp tác, dẫn dắt từ những người đi trước”. Hiện chiếc máng ăn thông minh vẫn đang được nhóm của Công điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp hơn với thực tế. Cho heo ăn bằng hệ thống máy đã được lập trình, chỉ cần một cái “bấm nút” là khởi động, giảm bớt vất vả cho người nông dân là mục tiêu nhóm nghiên cứu hướng tới.
|
Chàng trai trẻ Phạm Minh Công với dự án máng heo “có một không hai” |
Hiện nay, không ít nông dân rất muốn sản xuất thực phẩm sạch, an toàn nhưng vướng phải chi phí đầu tư quá cao. Một hệ thống nhà kính, màng lưới lên đến hàng tỷ đồng/1.000m2 - khoản tiền không phải người nông dân nào cũng có khả năng đáp ứng.
Trong thực tế, các hộ nông dân chủ yếu canh tác trên đất ruộng, nếu được hướng dẫn chọn giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì vẫn có được nông sản sạch, an toàn. Từ suy nghĩ này, ý tưởng trồng dưa lưới sạch trên đất ruộng đã được các bạn trẻ nhóm Thế hệ ưu tú (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) dần hiện thực hóa.
Trưởng nhóm Lê Minh Vương chia sẻ: “Đối với chúng tôi, sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra lương thực, thực phẩm mà còn mang nhiều giá trị khác. Chúng tôi muốn tạo ra giá trị thương hiệu cho nông dân, giá trị gia công nông sản, giá trị của tổ chức. Việc áp dụng canh tác tiến bộ cần phù hợp với đa số nông dân ngoài đồng ruộng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững hơn”. Được biết, tháng 10 tới nhóm sẽ triển khai thử nghiệm thực tế tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
|
Bột rau má của Công ty Thiên Nhiên Việt |
Trước giờ, xơ mướp chỉ có công dụng duy nhất là dùng làm miếng rửa chén, nhưng anh Mạc Như Nhân - chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm (Q.12) lại đang “hái” ra tiền từ sản phẩm này. Các mặt hàng thời trang như túi, ví, giày dép, kẹp tóc… đến cả đồ trang trí nội thất đều được chủ nhân tạo hình một cách khéo léo và… không đụng hàng từ xơ mướp. Anh Nhân cho biết, anh phải lặn lội đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… để thu mua xơ mướp về giặt sạch, ép, nhuộm và lên khuôn thiết kế.
|
Công nghệ ướp sen tươi thành quà tặng độc đáo |
Do là sản phẩm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Tất cả các sản phẩm của Nhân đều không dùng hóa chất, rất an toàn cho người sử dụng. Với thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng từ kinh doanh xơ mướp, Nhân đang có động lực và vốn liếng để tính đến chuyện xây dựng một thương hiệu riêng.
Làm nông không lo “ế”
Trong những cuộc thi khởi nghiệp gần đây, số lượng bạn trẻ gửi đề tài liên quan đến nông nghiệp tham gia đã tăng đột biến. Đơn cử cuộc thi Dự án khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), có đến 90% đề tài là có liên quan đến nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao bày tỏ sự ngạc nhiên: “Mấy năm trước, khi làm sự kiện về nông nghiệp, chỉ thấy lác đác vài bạn trẻ tham gia. Giờ các bạn trẻ đến đông thế này, chúng tôi rất mừng”. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamit cũng tỏ ra bất ngờ: “Ngày trước khi tôi còn trẻ, cứ nghe hoạt động gì liên quan đến nông nghiệp là mọi người biến mất ngay, thanh niên bỏ đồng ruộng ra thành thị hết. Giờ thì đã ngược lại!”.
Hơn lúc nào hết, thực phẩm sạch, tiêu dùng an toàn… đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Dù Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp. Vì thế, lúc này những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp an toàn vẫn đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cộng đồng.
Đó là chưa kể cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới - một sân chơi đầy tiềm năng. Nhu cầu thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới rất lớn, đang mở ra cơ hội xuất khẩu rất tốt cho các công ty trong nước - ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt nhận xét.
5 năm trở lại đây, lĩnh vực nông nghiệp đang nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, thu hút được các nhà đầu tư. Nhờ đó, nguồn vốn ngoại, nhất là từ Nhật Bản, đổ vào lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Hiện nhiều doanh nghiệp Nhật đang có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, mang đến cơ hội cho nhiều start-up và doanh nghiệp Việt.
Theo tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng chuỗi giá trị, qua đó xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng dưới dạng vốn vay ODA cho nông nghiệp Việt Nam.
|
Xơ mướp không bỏ đi |
Ông Trần Tấn Quý - Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nhận xét, khởi nghiệp nông nghiệp tại TP.HCM đang rất thuận lợi. Ngành nông nghiệp TP chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân; đồng thời người muốn làm nông nghiệp tại TP.HCM cũng rất dễ tiếp cận các công nghệ mới, vì TP có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như trung tâm công nghệ sinh học, khu nông nghiệp công nghệ cao… “Nền nông nghiệp TP đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng lên cao.
Với mục tiêu tăng thêm 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp, TP.HCM đang có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút người khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này và đây chính là cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ” - ông Quý nhận định.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ý tưởng sáng tạo thiết thực, các bạn trẻ còn phải biết ứng dụng khoa học công nghệ, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Phải thực sự đam mê và có định hướng theo đuổi lâu dài.
Sản phẩm nông nghiệp không như sản phẩm công nghiệp, chỉ cần đưa vào máy là ra thành phẩm; mà phải trải qua một quá trình chăm sóc, theo dõi lâu dài. Bên cạnh đó, khởi nghiệp nông nghiệp sạch phải thật sự có tâm và biết đặt lòng mình vào đó để có được sản phẩm thật sự tốt và an toàn cho cộng đồng.
Phúc Hưng