Làm nông nghiệp xanh, nông dân miền Tây thắng lớn

06/12/2023 - 06:03

PNO - Nhiều nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng canh tác theo hướng thân thiện với môi trường.

Họ trồng hoa trên bờ ruộng lúa để hạn chế sâu rầy, dùng thuốc sinh học để bảo vệ cây trồng thay cho thuốc hóa học, không vứt chai lọ bừa bãi… từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Nông sản được giá nhờ trồng hữu cơ

Mấy ngày qua, các xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đồng loạt sạ lúa vụ đông xuân trên 200ha ruộng. Họ gieo giống lúa Đài Thơm 8 và sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn hoặc theo quy trình VietGAP, được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bao tiêu đầu ra, giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg.

Nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” góp phần hạn chế sâu rầy, bảo vệ lúa, giảm chi phí sản xuất, làm đẹp cảnh quan, môi trường - Ảnh: Huỳnh Lợi
Nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang áp dụng mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” góp phần hạn chế sâu rầy, bảo vệ lúa, giảm chi phí sản xuất, làm đẹp cảnh quan, môi trường - Ảnh: Huỳnh Lợi

Ông Huỳnh Văn Dũng - Giám đốc HTX - nói: “Dự kiến, năng suất vụ này hơn 8 tấn/ha. Khi thu hoạch, nếu giá lúa vẫn cao như hiện giờ thì nông dân trúng đậm”. 

Ông kể, từ khi vào HTX, nông dân không còn vứt chai thuốc bừa bãi trên ruộng, trên kênh. Họ cũng không sản xuất manh mún mà xuống giống đồng loạt, cùng loại giống, có sổ ghi nhật ký gieo trồng, hạn chế dùng chất hóa học. HTX còn được ngành nông nghiệp địa phương đầu tư đê bao, hỗ trợ 2 máy bay phun thuốc không người lái, được Tổ chức Phát triển Đức (GIZ) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hướng dẫn cách làm nông thân thiện với môi trường. Nhờ đó, mấy năm qua, lúa của HTX đạt chuẩn để xuất khẩu. Trong năm 2023, lúa được giá, xã viên đạt lợi nhuận 40-45 triệu đồng/ha/vụ. 

Nông dân Ngô Văn Hây (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho hay, nhà ông có 5ha ruộng. Trước đây, bình quân mỗi vụ, ông phun thuốc hóa học khoảng 8 lần để phòng trị sâu bệnh, vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe. Sau khi được ngành nông nghiệp hướng dẫn, ông giảm dùng thuốc hóa học và thay vào đó là trồng các loài hoa hướng dương, trâm ổi, sao nháy trên bờ ruộng để tăng thiên địch, giảm sâu bệnh. Nhờ đó, ông giảm được 2-3 triệu đồng/ha/vụ tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận khoảng 10%.

Ông Phạm Văn Hiểu (bìa phải) - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - khảo sát mô hình trồng nhãn hữu cơ ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ
Ông Phạm Văn Hiểu (bìa phải) - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - khảo sát mô hình trồng nhãn hữu cơ ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ

Năm 2018, HTX nhãn Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) được thành lập, 23ha nhãn trong xã được canh tác theo quy trình VietGAP, giúp giảm chi phí đầu tư, giúp sản phẩm an toàn nên lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/ha/vụ. Mới đây, HTX được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc. Tương tự, từ khi vào HTX Nông nghiệp Vạn Hưng, nông dân xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh bắt đầu trồng dừa hoàn toàn hữu cơ, không còn chăn nuôi trong vườn dừa nên vườn thoáng mát, sạch sẽ, trái dừa được mua với giá cao hơn 5 - 10% so với giá thị trường. 

Nhân rộng những cánh đồng xanh 

Đưa chúng tôi ra thăm vườn xoài, ông Huỳnh Văn Tâm (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trước đây, hễ có sâu bệnh là ông phun thuốc hóa học. Mấy năm nay, ông phòng trừ bệnh cho cây bằng các chế phẩm sinh học, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để theo dõi môi trường nước, độ ẩm, độ pH. Nhờ đó, cây trong vườn vừa có năng suất cao, vừa an toàn nên khách du lịch rất thích.

Thương lái ở tỉnh An Giang đưa ghe thu mua lúa trong dân phục vụ xuất khẩu
Thương lái ở tỉnh An Giang đưa ghe thu mua lúa trong dân phục vụ xuất khẩu

Ông Lê Văn Thiệt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, việc canh tác bằng phương pháp thuần hữu cơ hoặc theo quy trình VietGAP giúp chất lượng hạt gạo được nâng cao và thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Đến nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 40.000ha lúa được canh tác theo hướng này và được doanh nghiệp xuất khẩu gạo bao tiêu đầu ra. Ông nói: “Số diện tích như trên là chưa lớn, cần tiếp tục mở rộng”. 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải carbon nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh là định hướng của bộ về phát triển nông nghiệp bền vững. 

Theo ông, định hướng của bộ là từ nay đến năm 2030, giữ tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm sử dụng hóa chất, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chuyển đổi 300.000ha đất lúa sang trồng các loại cây khác có hiệu quả về kinh tế và môi trường cao hơn; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% trên tổng sản phẩm chăn nuôi… 

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và sử dụng tài nguyên theo lối sống xanh, bền vững; thực hiện nghiêm khâu truy xuất nguồn gốc nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng nguyên liệu xanh; gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; xây dựng thương hiệu nông sản Việt chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường. 

Giá nông sản hữu cơ còn thấp

Theo nông dân Nguyễn Thanh Thế - ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, xã viên HTX Nông nghiệp Vạn Hưng - nhờ trồng dừa xanh theo hướng hoàn toàn hữu cơ, nông dân giảm tiếp xúc trực tiếp với chất hóa học, vườn thoáng, sạch, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nên dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, canh tác theo phương pháp hữu cơ tốn công chăm sóc hơn, năng suất thấp hơn lối canh tác lâu nay nhưng giá nông sản lại không cao hơn bao nhiêu. Đây là lý do khiến nhiều nông dân vẫn chọn làm theo lối cũ. 

Hậu Giang tổ chức festival “Gạo xanh, sống lành”

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, từ ngày 11 - 14/12, sẽ tổ chức “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam tỉnh Hậu Giang năm 2023” với chủ đề “Gạo xanh, sống lành”. Sự kiện này nhằm thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện đã có 200 chuyên gia quốc tế thuộc 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham dự festival. Trong festival này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức công bố đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. 

Xu hướng tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong 3 năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu vào Việt Nam tăng dần, từ 16,67% vào năm 2020 tăng lên 18,49% vào năm 2022. Lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật có xu hướng giảm dần, từ 3,81kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19kg/ha năm 2022. Phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%, số thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tăng lên trên 30%. Việc ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vừa an toàn cho nông dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, vừa ngăn tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản, giúp sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Phê duyệt đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa 

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các địa phương, các hiệp hội thực hiện hiệu quả đề án.

Theo đề án, đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành vùng chuyên canh 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Trong giai đoạn 2024-2025, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tập trung củng cố khoảng 180.000ha đã có từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các HTX, đầu tư công trình thủy lợi; trong giai đoạn 2026-2030, sẽ phát triển 820.000ha, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và xuất khẩu gạo; đến năm 2030, hoàn thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Khi đó, 100% diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp có sự liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hơn 70% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% rơm rạ được thu gom, chế biến và tái sử dụng; giảm trên 10% lượng khí nhà kính phát thải so với canh tác lúa truyền thống; tỉ suất lợi nhuận cho người trồng lúa đạt trên 50%… 

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 600 triệu USD, gồm khoảng 100 triệu USD từ ngân sách nhà nước, 350-400 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới, 40-50 triệu USD từ các quỹ tín chỉ carbon, quỹ biến đổi khí hậu, nguồn hỗ trợ không hoàn lại, từ sự đầu tư của các doanh nghiệp, hiệp hội… 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI