Làm nông không rác thải và phép thử ở châu Phi

11/07/2020 - 09:00

PNO - Năm 1985, Godfrey Nzamujo bắt đầu gầy dựng nông trại Songhai ở Tây Phi Benin. Ông biến ý tưởng làm nông thân thiện môi trường thành hiện thực ở châu Phi.

35 năm trước, chỉ với vỏn vẹn một héc-ta đất, nhúm hạt giống vừa đủ lòng bàn tay cùng niềm tin cứ đi rồi sẽ đến, nhà khoa học sinh ra ở Nigeria khi ấy cũng đang là linh mục Godfrey Nzamujo quyết tâm hành động để thay đổi, mở ra cánh cửa hy vọng cho vùng đất châu Phi cằn cỗi. 

Chuyến về nguồn và nỗ lực hồi sinh quê hương

Thập niên 1980, thế giới chứng kiến nạn đói hoành hành ở châu Phi. Bủa vây người dân châu lục này là hàng loạt tin tức khô hạn, cạn kiệt lương thực. Khi ấy, Godfrey Nzamujo với địa vị một linh mục vô cùng đau xót trước thực tại. Ông không chịu nổi khi nhìn thấy người dân châu Phi đang chết dần vì đói. Với vốn kiến thức quý giá của một giáo sư thuộc Đại học California Irvine chuyên nghiên cứu các vấn đề công cộng, giáo sư Godfrey Nzamujo tiến hành một chuyến tìm về nguồn cội. Ông trở về châu Phi để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, đồng thời ấp ủ một giải pháp phù hợp. 

Nông trại Songhai nhìn từ trên cao
Nông trại Songhai nhìn từ trên cao

Nếu bề nổi trên các trang tin, kênh truyền thông nhắc về một châu Phi khô cằn là nguyên nhân dẫn đến nạn đói thì Godfrey thấy nhiều điều dưới góc nhìn của một nhà khoa học. Với tiềm lực của một châu lục phong phú và giàu có về hệ sinh thái, việc tạo ra lương thực không phải là ngõ cụt nếu chỉ vì khô hạn. Nghĩa là khô hạn kéo dài không phải nguyên nhân duy nhất. Ông nhìn thấy châu lục này đã bỏ qua sự cân bằng bền vững, một khái niệm bắt đầu quen thuộc ở thời đại chúng ta khi nhận thức về biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt nhưng lại quá mới mẻ trong khoảng thập niên 1980. Godfrey Nzamujo nhìn thấy một nghịch lý là mô hình làm nông không rác thải mang lại lợi ích cho các nước phát triển nhưng lại không được ứng dụng nhiều ở các quốc gia nghèo lẽ ra cần phát triển bền vững hơn bất kỳ nơi nào.  

Năm 1985, Godfrey Nzamujo bắt đầu gầy dựng nông trại Songhai ở quốc gia Tây Phi Benin. Ông biến ý tưởng làm nông thân thiện môi trường, không rác thải từ các quốc gia giàu có thành mô hình ứng dụng được trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như các điều kiện hạ tầng khác của châu Phi. Vị giáo sư này bắt tay thiết lập hệ thống nông nghiệp “không rác thải” với mục đích không chỉ tăng cường an ninh lương thực mà còn cải thiện môi trường, tạo việc làm cho người dân bản địa. Cốt lõi của ý tưởng trên là thiết kế những nông trại có thể bắt chước cách vận hành của hệ thống sinh thái tự nhiên, giúp tiết kiệm nguồn lực. Đặc biệt, ông hạn chế việc đưa những nguyên liệu bên ngoài như hóa chất độc hại hay năng lượng hóa thạch vào các nông trại. Những nguyên liệu này nếu được sử dụng sẽ tạo ra các hệ quả tiêu cực ảnh hưởng đến hệ thống lương thực và môi trường xung quanh. Trong chuỗi hoạt động đó, chất thải “đầu ra” của một nơi, ví dụ như khu gia cầm, sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hoặc phân bón cho cây trồng, hạn chế tối đa rác thải. Vì thế, mô hình còn được biết đến với tên gọi ngắn gọn là làm nông không rác thải. 

Mọi thứ đều có thể chuyển hóa

Godfrey Nzamujo với kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, sinh học và vi điện tử đã thuyết phục thành công chính phủ Benin để họ cắt một mảnh đất cho ông. Thời điểm đó, nhiệm vụ của nông trại Songhai là cung cấp lương thực hữu cơ trong cộng đồng địa phương. Nông trại này giờ đây mang lại công việc cho gần 400 lao động nhưng ở thời điểm bắt đầu, chỉ có Godfrey Nzamujo cùng một số cộng sự vất vả làm tất cả để chứng minh rằng họ biết cách mang đến màu sắc tươi mới hơn cho nông nghiệp châu Phi. 

Songhai trở thành điểm đến thu hút nhiều người làm nông từ khắp nơi về tham quan, học hỏi
Songhai trở thành điểm đến thu hút nhiều người làm nông từ khắp nơi về tham quan, học hỏi

Công việc của các nông dân ở Songhai giờ đây là thu hoạch, chăm sóc vật nuôi, theo dõi quá trình ủ phân, quản lý năng lượng sinh khối (chẳng hạn như chuyển đổi phân vật nuôi thành nguồn năng lượng cung cấp trở lại cho hoạt động nông trại)… Godfrey Nzamujo sống hẳn trong nông trại này, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, vận dụng kiến thức có được cho Songhai. Nơi đây không chỉ là một nông trại mà còn được biết đến với tên gọi Trung tâm Songhai bởi nó chào đón những đoàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về để học hỏi phương pháp của Godfrey Nzamujo. Songhai có rất nhiều chương trình phát triển kiến thức sinh thái, có cả những khóa học kéo dài 18 tháng hoặc ngắn hạn hơn dành cho những nhà quản lý nông trại hoặc những người kinh doanh nông nghiệp ở những nơi chưa có điều kiện tiếp cận mô hình mới mẻ này. Đến nay, đã có 30.000 lượt người tham gia các khóa học ở Songhai. Năm 1993, giáo sư Godfrey Nzamujo nhận được giải thưởng Lãnh đạo châu Phi của dự án Chống lại nạn đói bởi những đóng góp của ông cho nông trại Songhai.

Đích thân giáo sư Godfrey Nzamujo đến Uganda chia sẻ với Tổng thống Yoweri về mô hình Songhai
Đích thân giáo sư Godfrey Nzamujo đến Uganda chia sẻ với Tổng thống Yoweri về mô hình Songhai

Nông trại Songhai giờ đã mở rộng đến 24ha. Sứ mệnh của Songhai cũng chính là thông điệp mà Godfrey Nzamujo muốn gửi đến những người làm nông: “Không thứ gì bị đối xử một cách phung phí mà mọi thứ đều có thể chuyển hóa được”. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực nông nghiệp mà đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày nay, đây chính là triết lý cần được áp dụng trong mọi lĩnh vực.

Niềm cảm hứng cho phần còn lại của châu Phi

Tại nông trại Songhai, nông dân thu hoạch cây trái, rau củ quả và cả gạo. Ngoài ra, nông trại còn nuôi cá, gia cầm và gia súc. 30 năm trước, vào thời điểm áp dụng mô hình làm nông mới, ở Songhai chỉ có duy nhất một mùa vụ thu hoạch với 1 tấn/năm. Giờ đây, mỗi năm, nông trại có 3 mùa vụ với lượng thu hoạch 7 tấn/ha mỗi mùa vụ, tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Mô hình nông trại Songhai chính là niềm cảm hứng cho phần còn lại của châu Phi, giúp họ nhìn thấy ý tưởng giải quyết 3 vấn đề lớn nhất ở châu lục: nạn đói, môi trường và việc làm. Những nông trại đi theo mô hình Songhai xuất hiện rải rác ở một số quốc gia châu Phi như Nigeria, Liberia, Sierra Leone, Uganda... 

Năm 2018, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni chính thức khởi động mô hình Songhai với mục tiêu tạo điều kiện cho giới trẻ trong nước tiếp cận kỹ thuật làm nông hướng đến sự phát triển bền vững. Tổng thống Yoweri Museveni tuyên bố chương trình đúng vào ngày Quốc tế Thanh thiếu niên (12/8) với thông điệp “Giữ lấy không gian an toàn cho giới trẻ”. Đích thân giáo sư Godfrey Nzamujo đến Uganda chia sẻ với Tổng thống Yoweri về mô hình Songhai. 

Theo ước tính của Liên hiệp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 820 triệu người đang đối mặt với nạn đói và tình hình được cho là ngày càng tồi tệ trong bối cảnh dân số ngày một tăng, biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác hại đến môi trường. Theo nhận định từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), nếu toàn cầu sớm có bước chuyển hướng đến thực hành nông nghiệp bền vững, số người đói trên thế giới sẽ giảm đáng kể.

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI