Làm nhục con nơi công cộng là tạo ra một đứa trẻ thù oán cha mẹ suốt đời

25/12/2017 - 11:55

PNO - Vết xước trên đồ vật có thể tẩy xóa được nhưng “vết xước” trong tâm hồn thì rất xóa mờ. Để con lớn lên cùng “vết xước” như vậy là điều không ai mong muốn.

Mới đây, một fanpage đã đăng tải một clip ghi lại cảnh một bà mẹ ngồi trên xe máy đánh mắng con ở giữa phố đông người vì tội làm mất đồ. Em bé gái khoảng 5, 6 tuổi run lẩy bẩy, khóc thét lên trước hành động của mẹ. Nhiều người đi đường can ngăn nhưng bà mẹ vẫn tiếp tục mắng con.

Đây không phải lần đầu tiên, hình ảnh những đứa con tội nghiệp bị chính ba mẹ đẻ la mắng ở chốn đông người được đăng tải. Nhiều ông bố bà mẹ vẫn xem đó là cách dạy con nhưng không biết rằng đó chẳng khác gì “làm nhục” con trẻ. Những đứa con sẽ có một nỗi ám ảnh đến suốt cuộc đời. Không ít lần, tôi trực tiếp chứng kiến cảnh bố mẹ dạy dỗ con kiểu như thế.

Cách đây một tuần, khi đứng đợi mua bắp nướng ở ven đường, tôi nghe một người đàn ông ăn mặc lịch lãm lớn giọng quát đứa con trai chừng sáu tuổi: “Mày có biết chiếc xe này bao nhiêu tiền không hả? Đồ phá hoại, chỉ có ăn là giỏi”. Trước đó, cậu bé đứng đợi bố mua bắp, còn mải mê nghịch đồ chơi bên chiếc xe hơi mới cáu.

Có lẽ, nó đã vô ý làm xước sơn xe nên bố mới nổi giận như vậy. Cậu bé đứng cúi gằm mặt, nước mắt lưng tròng trong khi bố vừa mắng vừa xem xét chiếc xe. Sau một hồi, nó lủi thủi lên xe, ông bố vẫn tiếp tục càu nhàu rồi lái xe đi.

Lam nhuc con noi cong cong la tao ra mot dua tre thu oan cha me suot doi
Ảnh minh họa

Tôi nghĩ, cơn giận của người bố chưa dừng lại ở đó và cậu bé chắc hẳn đã rất buồn. Những chuyện như vậy không phải là hiếm trong cuộc sống hàng ngày. Có lần, tôi còn chứng kiến cảnh người mẹ không ngại ngần tát con gái tầm bảy tuổi giữa siêu thị đông người vì con làm vỡ đồ trên kệ.

Có ông bố đá con ngã dúi xuống sàn nhà hàng chỉ vì bé lỡ tay làm rơi chiếc điện thoại đắt tiền. Các bé chỉ phản ứng bằng cách cúi đầu xuống khóc, không dám ngẩng mặt lên khi nhiều ánh mắt đang đổ dồn về mình.

Có lẽ, tâm lý chung của các ông bố bà mẹ trong trường hợp đó đều cảm thấy “xót của” và không kiềm chế được cơn giận nên trút cả vào con. Tuy nhiên việc đánh mắng con chẳng giải quyết được vấn đề vì chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ. Trong các trường hợp đó, ba mẹ cần bình tĩnh, đừng “giận cá chém thớt”, đừng hành động thô bạo với con mình.

Lam nhuc con noi cong cong la tao ra mot dua tre thu oan cha me suot doi
Ảnh minh họa

Bởi như thế, họ vô tình đã tạo nên một “vết xước” trong tâm hồn trong trẻo của con trẻ. Bé nào bị bố mẹ đánh mắng ở chốn đông người đều bị tổn thương tinh thần tùy theo mức độ. Vết xước trên đồ vật có thể tẩy xóa được nhưng “vết xước” trong tâm hồn thì rất xóa mờ. Để con lớn lên cùng “vết xước” như vậy là điều không ai mong muốn.

Ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy “bớt” gắn bó với mẹ hơn khi bà nỡ giằng lấy que kem tôi đang ăn vứt xuống đường trước sự chứng kiến của đám bạn cùng lớp trong cơn nóng giận. Khi ấy, tôi còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, thích lang thang cùng bạn bè đi ăn vặt sau giờ học mà quen mất lời mẹ dặn.

Những lần về trễ của tôi khiến mẹ tức giận bởi không có ai trông em để mẹ đi làm. Lần ấy, mẹ xách roi đi tìm và thấy tôi đang dung dăng mút kem cùng bạn trên đường. Mẹ tức giận, vứt kem và đánh tôi ngay tại chỗ. Nỗi xấu hổ ấy khiến tôi không dám ra đường suốt một thời gian dài.

Lam nhuc con noi cong cong la tao ra mot dua tre thu oan cha me suot doi
Ảnh minh họa

Sau này lớn lên và làm mẹ, tôi mới cảm thông cho mẹ lúc ấy vì tôi đã sai. Nhưng nỗi ám ảnh vẫn không dứt trong ý nghĩ. Thậm chí, đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng thể ăn kem que một cách ngon lành khi nhớ tới chuyện xưa. Bởi thế, tôi không bao giờ to tiếng với con khi chúng làm sai trước mặt người khác hay chốn đông người mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Tôi chỉ dạy dỗ con sau đó khi cả hai đều có thể bình tĩnh để xem xét sự việc.

Đoàn Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI