Làm nhiều nghề để ổn định cuộc sống

15/05/2023 - 17:15

PNO - “Đây là phòng ngủ nè, bếp với nhà vệ sinh cũng rộng rãi, ngoài này còn có ban công nữa, đầy đủ tiện nghi, thích dữ lắm” - cô háo hức giới thiệu căn nhà của mình.

Cô tên đầy đủ là Mây Sâm - 65 tuổi, người dân tộc Chăm. Sinh ra và lớn lên ở An Giang, cô Sâm lên Sài Gòn lập gia đình năm 18 tuổi. Vợ chồng sống trong căn chòi ở bờ kênh Nhiêu Lộc, chồng lái xe, còn cô làm móng, xe lông mặt tại nhà. “Hình như mình có hoa tay nên mình làm người ta thích lắm, làm trong xóm nhỏ, rồi từ từ người ở nơi khác tìm đến nhờ mình làm nữa” - cô nói. Những năm 1990, không ít người tìm đến cô học việc, một người cô lấy một chỉ vàng. Dạy xong hơn 10 người, cô cất được căn nhà mới, nhưng chẳng bao lâu thì khu vực bờ kè bị giải tỏa. Cầm 22 triệu đồng tiền đền bù, gia đình cô chuyển lên một căn chung cư tại phường 17, quận Bình Thạnh. 

Cô Mây Sâm vẫn giữ nghề may vá sau mấy chục năm qua
Cô Mây Sâm vẫn giữ nghề may vá sau mấy chục năm qua

Sinh con thứ hai, cô lao vào kiếm tiền để trang trải cuộc sống và trả tiền nhà. Lúc nào không làm móng, cô tranh thủ đi giặt đồ mướn, giúp việc nhà. Một lần dọn nhà, cô được người ta trả công bằng chiếc máy may cũ giá 200.000 đồng. Thế là cô có phương tiện để làm thêm nghề may vá. Với chút ít hiểu biết về nghề may học ở nhà thờ, cô khởi đầu chuyện may vá khá vất vả. “Chỗ nào không biết thì cô tháo ra, lấy kim cố định lại rồi may, đến khi nào giống y bộ đồ khách đưa làm mẫu thì được” - cô kể. 

Nhận thấy người Chăm theo đạo Hồi Islam (tuyệt đối không ăn thịt heo) rất khó tìm được bữa ăn bên ngoài, thế là cô nhận nấu ăn mang đến trường cho con em đồng bào Chăm hoặc những người từ quê lên thành phố học đạo. 

Khách hàng đông, cô Sâm bắt đầu đi làm móng dạo ở nhiều nơi. Thấy việc đưa đón 2 con mất nhiều thời gian, khiến khách phải chờ đợi lâu, cô liều vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách (do Hội LHPN phường 17 hướng dẫn) để mua xe máy, máy tính cho con. Chủ động được công ăn chuyện làm nên vừa trả dứt số nợ này, cô lại vay thêm khoản khác để mua vải vóc, hạt cườm về làm áo dài. Mỗi bộ áo dài hoàn chỉnh, cô được trả công 50.000 đồng, chưa kể tiền vải, kết cườm, thêu hoa. Ngoài ra, cô còn may khăn trùm đầu cho phụ nữ Chăm hoặc phụ nữ có đạo khác.

“Mình không bỏ việc nào hết, việc nào có tiền là mình làm. Nhiều khi tới nhà làm móng cho khách mà khách còn đang bận, mình ngồi trên salon ngủ ngon lành. Có lúc không kịp ăn, nhưng mình không thấy mệt. Ham tiền nên chồng la cũng không chịu nghỉ” - cô kể lại những ngày tháng đầu tắt mặt tối.

Cuối năm 2022, gia đình cô Sâm hoàn tất việc mua lại căn chung cư với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Cuộc sống đã ổn định nhưng cô vẫn duy trì những công việc lâu nay, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Phụ nữ. Năm vừa qua, cô đã vận động được 10 phần quà cho các hội viên, phụ nữ Chăm và 2 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai; giới thiệu cho 5 chị em tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng chính sách để cải thiện đời sống. Hiện tại, cô đang thực hiện mô hình nuôi heo đất cùng chị em phụ nữ Chăm tại chung cư, hướng đến hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI