Làm người thứ 3...

05/04/2015 - 06:44

PNO - PN - Trong đám cưới đồng nghiệp, tôi gặp chị lần đầu, ngồi cùng bàn, đối diện nhau. Chị đi với cô em chồng và đứa con trai nhỏ. Chồng chị, kiêm nhân tình của tôi, đang công tác xa, có vẻ cố tình tránh cảnh khó xử, dù cô dâu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lam nguoi thu 3...

Nhiều năm qua, tôi đã âm thầm tìm hiểu về chị, nhưng bất ngờ thấy chị ở cự ly gần thế này, tôi vẫn không khỏi tò mò. Chị trông khá tẻ nhạt, lạnh lùng. Chị mặc kiểu váy văn phòng, thêm chiếc áo khoác giả vét, sang trọng thì có, nhưng “hàn lâm” và cứng nhắc, trách sao anh chẳng chán! Con bé đồng nghiệp ngồi kế bên thì thầm rằng, nhìn sếp bà khinh người nhỉ, nghe nói “có số có má” nên chẳng xem ai ra gì…

Điều này thì tôi dư biết. Chị có chỗ đứng khá cao bên một đơn vị xuất nhập khẩu. Việc làm ăn của công ty chúng tôi cũng phải “lụy” ở chị đôi phần mới suôn sẻ. Tôi tự xét thấy mình ở vị thế hơn hẳn. Chồng chị, dù là sếp của cả đám nhân viên lớn nhỏ trong tiệc cưới này, vẫn răm rắp nghe lời tôi, cô gái luôn tự tin chỉ cần tuổi trẻ thôi thì đã là nhan sắc. Huống gì, tôi có bề ngoài dễ coi, lại thông minh nhanh nhẹn…

Thế nhưng, ngay lúc này, nhìn thái độ dửng dưng không thèm đếm xỉa tới ai của “sếp bà”, tôi lại cảm thấy khó chịu. Chị có gì để tự hào về bản thân mà chảnh chọe đến mức này kia chứ! Ở độ tuổi… hết thời, chị đã là quá vãng, thậm chí ghen tuông chị còn chẳng biết, thì nói gì đến giữ chồng! Nếu là chị, tôi sẽ nhân dịp này dòm ngó xem lũ nhân viên khác phái của chồng đẹp xấu ra sao, thái độ nghiêm túc hay lẳng lơ, có đứa nào biểu hiện khả nghi hay không để còn đề phòng, có đâu lại chủ quan như thế nhỉ? Đàn bà mà lơ là như thế, chẳng khác gì tự dâng chồng cho thiên hạ!

Công việc buộc tôi gặp lại chị nhiều dịp sau nữa. Thế nhưng, choáng váng nhất là một lần, chị buột miệng kêu tôi bằng cái danh từ chung rằng: “Em gì ơi, em nhân viên của chồng chị ơi!”. Khỏi phải nói, tôi tức giận vì sự thản nhiên xem thường của chị biết chừng nào, đến tên tôi mà chị còn không nhớ. Tôi vài lần cố tình “tỏ vẻ” trước chị bằng cách nhắc tới anh với thái độ ỡm ờ nhất. Cứ đợi đấy, xem “em nhân viên của chồng chị” lợi hại thế nào!

Thường trực trong tôi là câu hỏi, chị chẳng cần phải lo giữ, hay không hề sợ mất chồng? Hoặc giả, chị yên tâm vào chính mình, vào mối quan hệ hôn nhân nhiều đến vậy? Đàn bà, phải sở hữu những gì thì mới đủ tầm để tin vào bản thân, biết rõ mình đang có đến đâu, những thứ đó buộc phải theo mình, chứ không bao giờ dám buông bỏ, như chị? Lẽ nào chị không chút bận tâm lo lắng? Có lần khi tôi hỏi, vợ anh có sợ mất chồng hay không, anh buột miệng: “Anh sợ vợ bỏ thì có!”. Một người đàn bà hai con, tuổi đã trung niên, không còn nhan sắc, thái độ thờ ơ cứng nhắc như thế, có gì mà anh phải lo giữ? Hay bởi cái vị trí xã hội của chị ta, mà anh phải nhún nhường như vậy?

Anh có tham gia một trang mạng xã hội. Thi thoảng, khi anh đưa hình gia đình lên đó, tôi thường giận dỗi phản đối, rằng hạnh phúc quá phải không, nên phải giăng lên để người khác đau lòng. Anh miễn cưỡng gỡ xuống, dù lâu lâu vẫn quên, khoe này khoe nọ. Anh bảo, sợ em quá đi, sao giờ em khác với hồi trước nhiều vậy, cái gì cũng yêu sách. Tôi tức giận, dọa sẽ “quậy tưng” lên, tới đâu thì tới.

Đương nhiên, anh vội vàng dỗ dành, có lúc xa gần chuyện bù đắp cho tôi, để tôi buông anh ra, rồi kết hôn hoặc quen người khác. Tôi đã ngây thơ cho rằng, do yêu thương tôi nhiều, anh mới như thế. Giờ nghĩ xa hơn, tôi mới hiểu ra, vì anh sợ tôi làm ảnh hưởng đến gia đình, sợ vợ biết chuyện anh lén lút, phản bội. Lòng tôi đau bởi ý nghĩ, anh sẵn sàng xuống nước với bồ nhí là để giữ lấy mái nhà mình, chứ tôi chẳng nghĩa lý gì đâu…

Nắm được điểm yếu của anh, tôi chẳng tội gì mà không tỏ ra… nguy hiểm. Đàn ông thật lạ, thay vì thật tâm tử tế với người khác thì lại không muốn, cứ loanh quanh đối phó. Đâu phải cứ muốn rũ bỏ là làm. Tôi chứng minh cho anh cái chân lý mà nhiều người đàn ông vốn không tin khi dấn thân vào cuộc vui ngoại tình, rằng bước vô thì dễ, chứ rút chân ra khó lắm, chẳng đùa với “mèo con dễ thương” được đâu!

Lam nguoi thu 3...

Khi viết những dòng này, tôi đang trong những ngày chờ ra tòa. Tôi chẳng quá bất ngờ khi bị anh “hất chân”, trong vụ việc vỡ lở của công ty, mọi chứng cứ giấy tờ đều phản lại tôi. Sự cẩn trọng của anh khi luôn dặn tôi “chùi mép” đã làm tôi chẳng còn lá bài nào cho mình. Dù vậy, không thể nói là tôi không đau đớn khi người đàn ông của mình sẵn sàng hy sinh người tình như quăng một cái áo cũ.

Tôi cũng cay đắng nghiệm ra, hóa ra, đàn bà thường hay ảo tưởng là mình hay, mình giỏi, mình sâu sắc, thậm chí mình lắm chiêu, cuối cùng thì vẫn hệt cái cơi đựng trầu, nhẹ dạ đặt tin yêu hy vọng lên người sẵn sàng thí mạng mình.

Đời thật trớ trêu. Khi xảy ra chuyện, có một người đàn bà đã ra mặt giúp đỡ tôi. Tôi được tại ngoại vì người đó mang uy tín ra bảo lãnh. Chị chỉ nói vắn tắt rằng, không nỡ thấy tôi thành con tốt bị thí, tôi còn quá trẻ, vẫn còn có thể làm lại từ đầu. Nhờ sự thông hiểu luật pháp và tận tình của người đó, hy vọng tôi chỉ phải bồi thường cho bên bị hại, mất hết tài sản bấy lâu ky cóp, chịu mức án treo cho vi phạm của mình.

Người đàn bà ấy chính là vợ anh. Chị nói: “Tôi giúp cô, không phải vì rảnh rỗi hay đợi trả ơn. Đơn giản, tuổi trẻ hay háo thắng, chưa biết mình biết người, mà tôi thì chẳng nỡ thấy nhân viên của chồng sa cơ tới mức này”. Vậy thôi. Chẳng biết là anh có phản đối, không rõ chị có “đánh hơi” được những uẩn khúc trong mối quan hệ của chúng tôi, hay ý kiến của anh chẳng là gì trước một người đàn bà tự lập như chị?

Tôi cay đắng nhìn lại. Tôi chẳng còn gì ngoài cảm giác ghê sợ, chẳng bao giờ còn tin vào yêu đương và trĩu nặng một món nợ nần với người phụ nữ từ lâu tôi đã âm thầm vay mượn người đàn ông của chị. Đời đổi thay, như một bộ phim nhiều kịch tính, không biết đâu mà lần…

LƯU LY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI