Lâm Ngọc Hoa: 'Thích được nhìn nụ cười của ba mẹ'

13/06/2015 - 09:20

PNO - PN - Đoạt giải Chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ truyền hình năm 2013 khi mới 19 tuổi, bảng thành tích của Lâm Ngọc Hoa liên tục nối dài với hàng loạt giải thưởng khác: Huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang 2014; Huy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời gian có thể làm “dày” thêm thành tích của cô diễn viên trẻ, nhưng dường như chưa thể chạm và làm đổi thay bản chất hồn nhiên, mộc mạc của cô gái nhỏ có tiếng cười trong veo lớn lên từ đồng ruộng, từ giọng hò mộc mạc của người dân miền quê Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Lam Ngoc Hoa: 'Thich duoc nhin nu cuoi cua ba me'

Hỏi “cảm xúc của Lâm Ngọc Hoa ra sao khi hễ cứ “ra trận” là chiến thắng?”, cô hồn nhiên trả lời: “Vui nhất là nhờ các giải thưởng mà tôi có cơ hội giúp ba mẹ xây sửa nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ba mẹ không còn phải cực nhọc, vất vả với chuyện mưu sinh”.

Mười sáu tuổi, lần đầu tiên Lâm Ngọc Hoa mang về cho ba mẹ hai mươi triệu đồng, số tiền mà cho đến lúc đó, ba mẹ cô không bao giờ dám mơ có ngày cầm nó trong tay. Đó là khoản tiền Lâm Ngọc Hoa được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu bảo lãnh để vay ngân hàng theo chủ trương hỗ trợ những nghệ sĩ, diễn viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm nghề.

“Số tiền ấy giúp ba mẹ sửa nhà, lần đầu tiên sau 16 năm sinh ra và lớn lên, tôi được ở trong một ngôi nhà mưa không cần chạy, nắng không cần trốn và đêm có thể ngủ ngon vì không bị phân tâm đếm xem đang có bao nhiêu ngôi sao trên bầu trời!”, Lâm Ngọc Hoa dí dỏm.

Lam Ngoc Hoa: 'Thich duoc nhin nu cuoi cua ba me'

Lâm Ngọc Hoa cùng ba mẹ

Khi ký ức tuổi thơ của bạn bè đồng trang lứa là những năm tháng được cắp sách đến trường, thì với Lâm Ngọc Hoa, đó lại là những tháng ngày một mình với đàn vịt trên cánh đồng rộng mênh mông và nỗi nhọc nhằn của ba mẹ.

“Suốt cuộc đời này, tôi không bao giờ quên hình ảnh của ba mẹ vừa đẩy xuồng vừa lưới cá. Sau một đêm nhọc nhằn trên sông, ba mẹ lại mang chỗ cá ra chợ bán lấy vài chục ngàn mua gạo nuôi mấy chị em tôi. Có những ngày bán không hết, ba mẹ phải loay hoay chế biến số cá dư làm mắm, để dành bán hoặc ăn dần. Buông việc, chỉ kịp ăn vội bữa cơm, ba mẹ lại phải tiếp tục ra đồng… Không biết bao nhiêu ngày như vậy. Tôi cảm giác hình như ba mẹ không có giấc ngủ ngon”.

Giọng nói thoáng buồn khi kể chuyện ngày xưa chợt chuyển rất nhanh, giọng Lâm Ngọc Hoa lại trong vắt: “Mà cũng thiệt ngộ, ngày xưa tôi không bao giờ buồn tủi rằng sao nhà mình nghèo khổ, thiếu thốn hơn người khác. Bữa cơm đạm bạc nhưng ba mẹ, chị em quây quần bên nhau là tôi thấy vui, thấy hạnh phúc, chẳng biết đòi hỏi gì hơn. Chỉ khi lớn hơn, thỉnh thoảng nghe ba mẹ cắn đắng nhau vì cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau, tôi mới thấy buồn. Những lúc ấy tôi lại ước mơ sau này lớn sẽ kiếm nhiều tiền cho ba mẹ khỏi xích mích”.

Tám tuổi, bé Ngọc Hoa đã biết đi chăn vịt kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Một mình với bầy vịt suốt ngày chỉ biết “cạp cạp”, Ngọc Hoa “giải sầu” bằng cách nghêu ngao ca hát giữa đồng. Phát hiện con gái mê ca cổ và có giọng ca khá ngọt, ba Lâm Ngọc Hoa cho con theo học ca ở một lò đờn ca tài tử. Nghêu ngao ca hát một mình thì thấy thú vị, nhưng khi được cho đi học, Lâm Ngọc Hoa lại “giận ba muốn chết”.

Chiều nào, ba cũng chèo đò chở con gái qua sông rồi để cô bé tự lội bộ qua hai, ba quãng đồng để đến nhà thầy. Những ngày trời mưa, vừa bì bõm lội, Lâm Ngọc Hoa vừa khóc ròng vì giận ba. Nhưng lúc đoạt giải Chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ truyền hình, Lâm Ngọc Hoa nghĩ ngay tới ba, điều cô muốn được nói với ba khi ấy là: “Nếu ngày xưa ba không cương quyết, không cứng rắn thì con đã không có thành công của ngày hôm nay. Con cám ơn ba”.

Lam Ngoc Hoa: 'Thich duoc nhin nu cuoi cua ba me'

... và em gái Kim Cương

Vốn ít nói và thuộc mẫu người sống nội tâm, ngay từ khi còn nhỏ, Lâm Ngọc Hoa rất ít khi chia sẻ cảm xúc với gia đình, người thân. Giờ đây, cá tính ấy vẫn không thay đổi, chỉ có một khác biệt là cô ngày càng muốn được kể cho ba mẹ nghe thật nhiều chuyện vui của bản thân. Lý do thật đơn giản: “Tôi thích được nhìn thấy ba mẹ cười”. Ba mẹ cô là những nông dân chất phác, thật thà, không am hiểu nhiều về nghệ thuật, luôn tự hào với mỗi bước đi thành công của con gái và không bao giờ bỏ sót bất kỳ chương trình truyền hình nào có Lâm Ngọc Hoa tham gia biểu diễn.

Lâm Ngọc Hoa nói, thành công hôm nay của cô có một phần không nhỏ sự “tiếp sức” của ba mẹ. Chỉ cần hình dung cảnh “hai khán giả đặc biệt” ngồi chăm chú trước ti vi xem mình biểu diễn, Lâm Ngọc Hoa như được tiếp thêm động lực và tự nhủ phải cố gắng hết sức mình.

Tại giải Chuông vàng vọng cổ truyền hình 2014, khán giả bắt gặp cô em gái út của Lâm Ngọc Hoa - Lâm Thị Kim Cương cũng đi đến vòng bán kết. Hỏi năm nay có luyện để em thi tiếp, Lâm Ngọc Hoa khẳng định: “Bản thân đã thiệt thòi vì không được đi học đến nơi đến chốn, tôi muốn em gái không đi theo vết xe đổ của mình và ít nhất phải tốt nghiệp THPT trước khi muốn theo nghề hát”.

Lam Ngoc Hoa: 'Thich duoc nhin nu cuoi cua ba me'

Lâm Ngọc Hoa, vai Võ Thị Sáu, giải Trần Hữu Trang 2013

Lâm Ngọc Hoa vẫn vậy, nếu năm 16 tuổi, cô mạnh dạn cầm 20 triệu về đưa cho ba mẹ, thì hai năm trở lại đây, khi đã có cơ hội chạy show và kiếm được khá nhiều tiền, Lâm Ngọc Hoa cũng chỉ nghĩ đến gia đình mà chưa dám mua sắm chưng diện gì cho bản thân. Tiền thưởng từ cuộc thi Solo cùng boléro, sau khi trích một phần mua gạo cho người nghèo, một phần sửa sang lại nhà sau, còn lại, cô đưa hết cho mẹ làm vốn mua bầy heo thịt và heo nái về nuôi. Giọng cô ríu rít kể chuyện về gia đình, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc khi nhắc đến nụ cười của ba mẹ.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI