Làm nghệ thuật kiểu…nhẫn tâm

02/06/2015 - 08:22

PNO - PN - Trong các sách ảnh về thế giới muôn loài dành cho trẻ em, các tác giả đều khuyên người đọc nên trân quý những sinh vật bằng cách tránh động chạm, gây ảnh hưởng đến môi trường khi quan sát chúng. Vậy mà chỉ vì một mục...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Những ngày qua, cùng với câu chuyện của Bphone, trên các diễn đàn nhiếp ảnh và mạng xã hội dậy lên làn sóng tranh cãi việc nên hay không nên set up (sắp đặt) khi chụp ảnh động vật. Nếu chiếc Bphone nhận nhiều “gạch đá” của những “người anh em” chỉ vì nhà sản xuất lỡ “nổ”, thì chuyện set up ảnh động vật để chụp hình nghệ thuật lại khiến dư luận bức xúc về sự nhẫn tâm của con người đối với loài vật.

Chuyện là, mới đây, một nhóm nhiếp ảnh đã bắt tổ chim rẽ quạt từ trên cây trong khu giải trí Kỳ Hòa (Q.10, TP.HCM) xuống để sắp đặt, phơi chim non ra ngoài nắng nóng để chụp ảnh. Việc này gây sự bức xúc cho những ai vô tình chứng kiến.

Tổ chim này đã được nhóm nhiếp ảnh “canh me” từ khi chim mẹ còn đang ấp trứng, đến khi chim non vừa nở thì tổ chim chính thức được… lôi vào cuộc chơi. Khoảnh khắc chim mẹ tuy hoảng sợ nhưng vẫn cố gắng mớm mồi cho hai chú chim non đang đói, bị lôi tổ đi từ cành cây này đến nhánh cây khác được các “nhà nhiếp ảnh nghiệp dư” liên tục “bắn tỉa” nhằm tìm ra những bức hình đẹp nhất.

Tiếp theo, nhóm người này lại bắt chim non chưa đủ lông đủ cánh… tập bay dưới cái nóng hừng hực gần 400C với nhiều tư thế, kiểu sắp đặt… để sáng tác. Sau đó ít lâu, những bức ảnh ca ngợi tình mẫu tử này được tung lên mạng và nhận không ít lời khen ngợi về ánh sáng, bố cục... Mọi chuyện vỡ lở khi cuộc sắp đặt tàn nhẫn này được một nhóm khác quay phim, chụp hình lại và trưng ra để bày tỏ phản ứng.

Lam nghe thuat kieu…nhan tam

Ảnh: VnPhoto.net

Câu chuyện về tổ chim được đẩy lên cao trào khi hai nhóm nhiếp ảnh thuộc hai trường phái khác nhau (một sắp đặt, một chụp tự nhiên) tranh cãi, đổ tội và thậm chí là… bôi bác nhau trên các diễn đàn.

Hãy khoan bàn về cách tạo ra bức ảnh, việc xâm phạm môi trường sống của động vật là đáng lên án. Nhiếp ảnh gia Thái Phiên (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) nói: “Câu chuyện trên gây ra cái nhìn không tốt về nhiếp ảnh động vật. Tuy nhiên, theo tôi, đôi khi sự việc không đến nỗi như vậy, chỉ là dưới con mắt một số người nó trở thành… trầm trọng. Những người làm nghệ thuật không tàn nhẫn như vậy đâu. Khả năng là có một số người đang tập tành chụp hình, chưa cảm nhận được tính nhân bản trong nhiếp ảnh. Đã làm nghệ thuật thì không được làm những gì trái quy luật tạo hóa và người làm nghệ thuật chân chính không nên làm như vậy”.

Cùng quan điểm trên, họa sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh Đỗ Duy Ngọc chia sẻ: “Nhiếp ảnh thì phải có sắp đặt, yếu tố này không đáng để lên án trong nghệ thuật. Nhưng chuyện xâm phạm môi trường sống của sinh vật là không nên, huống chi bắt chim con, di dời tổ… Thật ra cốt lõi của vấn đề này là hai nhóm tranh đua nhau về tác phẩm và hiệu ứng sắp đặt hơn là mục đích bảo vệ môi trường. Một bức ảnh được set up sẽ đẹp hơn, nổi bật hơn về chủ đề cũng như ý tưởng, dễ dàng hơn so với chụp tự nhiên.Chụp tự nhiên rất khó khăn mà bức ảnh nhiều khi không như mong đợi.

Chúng tôi cũng đang bàn nhiều về vấn đề này. Tôi chỉ muốn nói là sáng tạo, dàn dựng nhưng không được xâm hại đến môi trường sống của sinh vật. Đó là chưa nói đến việc chim bố mẹ rất bực dọc khi chim con có “mùi” người như vậy. Thêm nữa, chim con bị hành hạ sẽ không sống nổi…”.

Từ lâu, chuyện hành xử như thế nào trong việc chế biến gia súc, gia cầm… đã được nhiều người phân tích. Ngay như trong một tập của chương trình Vua đầu bếp, Mỹ, các thí sinh đều được dặn dò phải “nấu chín” hải sản một cách nhanh nhất, nhân đạo nhất, không được kéo dài thời gian đau đớn của động vật.

Trong các chương trình Thế giới động vật, các nhà làm phim, nhà khoa học đều nói rõ họ phải gắn thiết bị theo dõi từ xa hay giữ một khoảng cách nhất định nhằm tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng đến môi trường sống, tập tính của sinh vật… Trong các sách ảnh về thế giới muôn loài dành cho trẻ em, các tác giả đều khuyên người đọc nên trân quý các sinh vật bằng cách tránh động chạm, gây ảnh hưởng đến môi trường khi quan sát chúng. Vậy mà chỉ vì một mục đích nào đó, những người lớn lại mang tổ chim non ra để… sáng tác nghệ thuật.

KHÁNH NGUYỄN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI