Làm một người đi đường thông minh ở Sài Gòn

23/08/2019 - 06:30

PNO - Thành phố dạo này đã nhiều người biết dừng lại một nhịp trước khi ra đường, mở điện thoại ra tra một cái ứng dụng…

Ở Sài Gòn, hình như người ta không biết sợ… thời tiết. Trong cốp xe thường “thủ” sẵn tấm áo mưa, khẩu trang trong túi, có việc là ào đi, mặc kệ nắng mưa. Cùng lắm, cảm thấy trời sắp mưa, người ta sẽ cất xe máy, gọi một chiếc taxi cho “chắc ăn", chứ xứ này, “nắng đó rồi lại mưa đó, chỗ này mưa mà chỗ kia lại nắng, biết đâu mà lần”.
Mà chuyện đó, giờ cũng… cũ rồi. Thành phố dạo này đã nhiều người biết dừng lại một nhịp trước khi ra đường, mở điện thoại ra tra một cái ứng dụng…

Đường xa không ướt mưa

Đó chính là ứng dụng TTGT (thông tin giao thông) TP.HCM - một “bửu bối" mà các bạn đồng nghiệp của chị Thu Trang (công ty ADBRO) đang rủ nhau tải về điện thoại.

Nhà ở gần khu công nghiệp Tân Bình, nhưng làm việc ở Q.1, mỗi ngày, chị Thu Trang thường phải đi hai lượt từ hai đầu thành phố để đến công sở và về nhà. Đoạn đường “trần ai” ấy khiến chị muốn… bỏ về quê để thoát cảnh phải nhích từng chút một trên đường Cộng Hòa giờ cao điểm. Sau này, khi công ty không gò bó giờ giấc, chị tránh đi làm vào giờ cao điểm. Nhưng đoạn đường từ khu công nghiệp Tân Bình, theo Trường Chinh ra ngã tư Bảy Hiền để đến Q.1 dường như… không có giờ cao điểm. Càng về sau, đường càng đông đúc, bất chấp giờ giấc. Hôm chị tránh đường Trường Chinh mà đi sang Cộng Hòa thì con đường to như đại lộ này cũng ùn ứ nghiêm trọng. “Hôm thì có chiếc xe tải chết máy trên cầu vượt, hôm thì có va chạm khiến giao thông tắc nghẽn, chẳng biết đâu mà lường để chọn lộ trình, giờ giấc cho phù hợp”.

Lam mot nguoi di duong thong minh o Sai Gon
Ứng dụng TTGT TP.HCM không chỉ là biểu hiện của trí tuệ thành phố mà còn thúc đẩy sự hình thành của một cộng đồng dân cư tích cực, chủ động cùng tham gia đóng góp, quản lý thành phố

Nỗi khổ của chị Trang chẳng lạ với người Sài Gòn. Trên các hội nhóm “bỉm sữa”, chị em hay than phiền, mỗi sáng ra đường lại phải làm một phép tính rất công phu. Nắng mưa thì phó mặc cho “ông  trời” đã đành. Nhưng kẹt xe đòi hỏi một siêu phép tính giữa số học cộng với… hình học. Nếu phải đưa hai đứa con đến hai trường khác nhau, lại phải ghé chỗ ăn sáng, chỗ mua sữa, rồi quay về chỗ làm sao cho kịp giờ thì “người mẹ can trường” vừa phải tính đường đi ngắn nhất, mà lại tránh được chỗ kẹt xe. Nhưng Sài Gòn mà, tưởng chọn được đường thông thoáng rồi vẫn gặp lúc kẹt không thể nhúc nhích. Theo chị Tuyết Hoa (phụ huynh trường Ngô Tất Tố - Q.Phú Nhuận), chỉ cần có một xe ve chai “vui tính” đi ngược chiều hay một vụ va chạm có cãi vã thì mọi kinh nghiệm tránh kẹt xe đều đổ sông đổ biển.

Theo chị Trang, từ ngày có ứng dụng TTGT TP.HCM, mỗi lần ra đường, chị đều mở ứng dụng để xem đoạn nào đang kẹt xe, lộ trình nào thông thoáng cho cùng một điểm đến. Mục Camera và mục Bản đồ thông tin chi tiết tình trạng giao thông ở từng địa điểm. TTGT TP.HCM cũng giống như mọi bản đồ điện tử với chỉ dẫn chi tiết đường đi, nhưng từng con đường trên mục Bản đồ của TTGT TP.HCM luôn được trình bày bằng nhiều màu sắc, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các tuyến đường. Màu xanh là đường thông thoáng, màu vàng là xe đông và màu đỏ là xe rất đông, khả năng di chuyển chậm.

Với anh Tuấn Vĩ (sinh viên Trường đại học Văn Hiến), thông tin từ mục Camera của ứng dụng TTGT TP.HCM giống như “phép giải đường sá" chưa từng có với người dân TP.HCM. Chỉ cần vào mục này, chọn địa điểm cần tra cứu, ta sẽ thấy hình ảnh cập nhật trung bình 6 giây/lần, thể hiện rõ cả tình trạng giao thông lẫn thời tiết ở đó. “Đứng ở Đại học Văn Hiến, tôi có thể biết ở vòng xoay Dân chủ có đang mưa không. Thậm chí, dù đang ngồi ở nhà, khi trời mưa tầm tã, tôi cũng có thể chỉ cho người bạn biết đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn ngang Bến xe miền Đông, có đang ngập nước hay không”.

“Mở App ra là thấy thành phố rất thân thuộc”

Có lần, một chiếc xe 7 chỗ biển số Bình Thuận rà chầm chậm gần ngã tư Tạ Quang Bửu - Quốc lộ 50 để hỏi “đường này (quốc lộ 50) có qua Q.11 được không”. Đang mua thuốc lá gần đó, anh Đặng Bảy nhanh nhảu chạy ra, chỉ: “Được, mà kẹt dữ lắm. Thôi quay ngược lại, đi Phạm Hùng đi, xa mà thoáng hơn”. Chiếc xe 7 chỗ quay lại, anh Bảy với theo: “Mà có áp (“app”, ứng dụng trên điện thoại - PV) chưa? Đây nè”. Anh đưa sát màn hình điện thoại vừa được mở giao diện ứng dụng TTGT TP.HCM cho người tài xế: “Tải cái áp này về mà đi Sài Gòn. Chỗ nào kẹt xe, mưa nắng gì cũng có trên đây hết. Mở áp ra là thấy thành phố như đường nhà mình thôi”. Anh tài xế có vẻ đang vội, giơ tay kiểu “bấm like" cảm ơn anh Bảy, rồi đi mất.

Lam mot nguoi di duong thong minh o Sai Gon
Thông tin từ ứng dụng TTGT TP.HCM được các “bạn hữu đường xa” chia sẻ và cùng nhau bàn luận

Anh Bảy đứng lại bên đường, rít điếu thuốc. Anh cũng đang cần đến bệnh viện Chợ Rẫy để đón khách. Điểm đến chỉ cách chỗ anh đứng tầm 2km, nhưng “áp báo kẹt dữ lắm, tui gửi xe bên kia đường, đứng đây chờ xíu rồi đi chớ chen vô làm chi cho kẹt xe thêm". Anh vừa nói vừa chỉ vào điện thoại, vẻ rất sành điệu. Thường trú tại An Giang, chừng một năm nay, anh Đặng Bảy trở nên “rành Sài Gòn" nhờ... bén duyên với ứng dụng TTGT TP.HCM. Nhà có xe 16 chỗ, anh thường nhận chở khách quen “đi Sài Gòn”… khám bệnh. Hễ khám xong sớm, khách đòi đi chơi quanh thành phố là anh lại khổ sở tìm đường đi, rồi vật vã với những điểm kẹt xe.

“Người nhà quê đâu chịu nổi cảnh kẹt xe. Lỡ dính kẹt một phát là bị cằn nhằn chết luôn” - anh nói. Nhưng nay khác rồi. Có áp, anh như một thổ địa Sài Gòn thứ thiệt. Cứ vào thành phố là anh mở ứng dụng lên, coi đường nào màu gì, rồi cứ chọn những hướng nhiều màu xanh mà đi. Chưa kể, phần Tiện ích trong mục Bản đồ của ứng dụng còn cho biết vị trí nhà vệ sinh công cộng gần nhất, bệnh viện gần nhất so với vị trí người dùng. Nhờ vậy, anh Bảy có thể chiều khách… tới bến.

Cảm giác “thân thuộc hơn với thành phố” khi dùng ứng dụng này chắc không chỉ có với người mới đến Sài Gòn. Anh Văn Nhân (tài xế GrabCar) từng giúp được một hành khách bị đau bụng cấp tính khi đi xe của anh từ Q.7 về Q.Thủ Đức. Vốn ở H.Hóc Môn, với anh Nhân, Q.Thủ Đức là một địa bàn khá lạ. Hôm đó, khách vừa lên xe đã có dấu hiệu đau bụng. Khi xe vừa vào đường Võ Văn Ngân, chỉ còn cách điểm đến của khách tầm 300m, cơn đau của vị khách trở nặng, nhờ anh Nhân đưa đến bệnh viện gần nhất. Trong lúc khách vội gọi cho người thân, anh Nhân cuống cuồng mở ứng dụng TTGT TP.HCM để tìm bệnh viện gần nhất. Chỉ chốc lát sau, anh đã đưa được khách đến bệnh viện đa khoa Q.Thủ Đức theo chỉ dẫn của ứng dụng. Anh chia sẻ: “Lúc đó đang giờ cao điểm, Q.Thủ Đức rất đông xe, ngay cả việc dừng lại hỏi đường cũng khó. Nếu không có ứng dụng TTGT TP.HCM, chắc chúng tôi cũng bị một phen chới với rồi".

Một bước tiến đến “thành phố thông minh"

Ứng dụng TTGT TP.HCM là sản phẩm do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thực hiện, vận hành bởi Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, nhằm giúp người dân theo dõi tình trạng kẹt xe, ngập nước, thông qua hình ảnh từ 685 camera giao thông lắp đặt trên khắp các tuyến đường tại TP.HCM. Ngoài ra, ứng dụng còn có thông tin vị trí bãi đậu xe trong các tòa nhà, vị trí nhà vệ sinh công cộng, trạm y tế, bệnh viện...

Lam mot nguoi di duong thong minh o Sai Gon
Với ứng dụng TTGT TP.HCM, cư dân đô thị có thêm thông tin để chọn lộ trình di chuyển

Ra đời từ năm 2017, nhưng vì truyền thông chưa mạnh mẽ, đến gần đây ứng dụng TTGT TP.HCM mới dần quen thuộc với người dân thành phố. Ngoài việc giúp giải bài toán hóc búa về giao thông cho người dân, ứng dụng này cũng giải mã phần nào khái niệm “thành phố thông minh" mà cả chính quyền lẫn người dân TP.HCM đang hướng tới. Vào mục Phản ánh, người dùng có thể ghi lại những thông tin liên quan đến giao thông mà họ ghi nhận được. Đơn vị vận hành ứng dụng sẽ tiếp nhận thông tin và chuyển đến cơ quan chức năng để giải quyết. Gần đây, người dùng Thiện Nguyễn để lại phản ánh “Đèn đường không sáng tại số 51 đường số 6, khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân". Một phản ánh khác gửi kèm hình ảnh con đường Nữ Dân Công (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) đầy ổ voi, thông tin “xe 2 bánh thường xuyên bị té trên đường, tình trạng này đã xảy ra từ lâu". Tất cả phản ánh đều được phản hồi trong vòng một giờ.

Chỉ bằng những tương tác điện tử với những thông tin thiết thực, không gian mở trên ứng dụng TTGT TP.HCM đã bộc lộ phần nào chân dung một “cộng đồng cư dân" của thành phố thông minh. Trong định nghĩa cơ bản về “thành phố thông minh” trên thế giới, “cộng đồng cư dân" vốn được miêu tả như một chủ thể chính của thành phố thông minh, có khả năng giám sát, phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố. Theo đó, ứng dụng TTGT TP.HCM không chỉ là một biểu hiện của trí tuệ thành phố, mà còn là một nền tảng tạo ra tâm thế sống, một quán tính đóng góp xứng tầm với kỳ vọng của cộng đồng với thành phố của họ. 

Có thể nói không ngoa rằng, nỗi “bất lực với giao thông" là điều phiền muộn bậc nhất của người dân với thành phố này. Thành phố nổi tiếng “thuần dưỡng" người ta thành những con người chủ động, yêu lao động, mà lại... chịu thua tắc đường, lại cám cảnh giữa đường nắng chang chang lại gặp giông tố. Vậy nên, lúc tải được ứng dụng TTGT TP.HCM, người thành phố như được... vẽ đường.

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI