Chùa Từ Hiếu ở Huế là một danh lam, một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của kiến trúc chùa Huế, được xây dựng năm 1848, hiện đang được trùng tu. Dù chưa được xếp hạng di tích, chùa nằm trong danh mục 153 công trình, địa điểm đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo vệ, theo quyết định số 1046/QĐ-UBND, từ năm 1993. Việc trùng tu chùa Từ Hiếu khiến dư luận hết sức âu lo, vì không được thẩm định, giám sát kỹ lưỡng, có thể trở thành tiền lệ cho những công trình khác - sửa chữa theo kiểu làm mới hoàn toàn.
Xóa sổ!
Từ ngày được xây dựng đến nay, chùa Từ Hiếu đã trải qua 3 lần trùng tu, vào các năm 1885, 1894 và 1962. Sự tàn phá của thời gian đã khiến phần chánh điện chùa gồm bê tông, ngói gạch rơi rớt; phần gỗ cũng hư hỏng nặng do mục, mối mọt… Trước thực trạng đó, nhà chùa đã họp và thống nhất sẽ đại trùng tu chánh điện, đồng nghĩa với việc làm mới gần như hoàn toàn.
Nhiều người cho rằng, cách đại trùng tu theo phương pháp triệt giải (chứ không phải hạ giải) như hiện nay nghĩa là xóa sổ công trình đã 171 năm tuổi này, nhưng cơ quan chức năng chỉ biết… đứng ngó. Họa sĩ Trần Thanh Bình - nguyên giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế - nói, lẽ ra trước khi trùng tu, ta phải khảo sát lại các kiến trúc giá trị của công trình chùa Từ Hiếu; ngoài ra cũng cần phải đánh giá mức độ xuống cấp về mặt kết cấu của công trình, để tìm cách bảo tồn thích hợp. Theo ông, trùng tu chánh điện chùa Từ Hiếu không nên làm vội vã, mà phải tận dụng lại tối đa số gỗ vừa hạ giải để trùng tu.
“Thực ra, nhà chùa đã đưa ra kế hoạch xây dựng từ lâu rồi, nhưng mọi người không biết, vì đó là chuyện nội bộ của họ. Nhà chùa đã vận động tài trợ, mua sắm vật liệu, công đức, thiết kế… đến lúc khởi công thì mọi người mới biết. Tôi nghĩ, phía nhà chùa muốn trùng tu sớm, vì các thầy nghĩ đến sự an nguy của chánh điện đó thôi” - ông Bình chia sẻ.
Trong lúc đó, báo cáo của đơn vị thiết kế nhà chánh điện - Công ty cổ phần Kiến trúc và Hạ tầng Konsept - gửi đến Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, nội dung cải tạo, trùng tu thể hiện rõ sẽ triệt hạ toàn bộ nhà cũ (toàn bộ mái, khung nhà và hệ thống nền móng cũ); giữ lại các chi tiết hoa văn trang trí, phục dựng các chi tiết đã bị hư hỏng; xây dựng lại với quy mô và diện tích như ban đầu là 310m2, chiều cao công trình 9,9m.
|
Chánh điện chùa Từ Hiếu lúc mới hạ giải xong để trùng tu |
Theo công văn 195/SVHTT-QLDSVH, ngày 14/2/2019 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi Sở Xây Dựng về việc lấy ý kiến thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình chánh điện chùa Từ Hiếu. Ông Phan Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, nói rõ: “Việc xây dựng công trình chánh điện chùa Từ Hiếu cần giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, trong đó cần có giải pháp giữ gìn các họa tiết trang trí đề tài trên chánh điện của ngôi chùa”.
Mất… chất thiền
Từng có nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa và nghiên cứu ở Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, vẫn đau đáu về chuyện nhiều di tích ở Huế mang mác trùng tru nhưng lại gần như được làm mới hoàn toàn. Ông Hoa cho rằng, đó là một “nỗi đau văn hóa” mà nếu không sớm khắc phục thì Huế sẽ mất nhiều tài sản vô giá mà tiền nhân để lại.
Trong số 153 công trình được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ từ năm 1993, ngoài chùa Từ Hiếu, còn có các đền thờ, phủ đệ, đình, nhà thờ công giáo, nhà thờ kiến trúc họ tộc, kể cả nhà rường cổ. Các công trình này chứa đựng những giá trị về văn hóa đặc trưng của vùng đất cố đô. Theo cách nhìn của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, khi tu bổ, sửa chữa các di tích và các công trình di sản ở Huế, rất cần có một hành lang pháp lý để hướng dẫn (hoặc chế tài) các cơ quan đứng ra trùng tu, tránh tình trạng cố tình vi phạm, xóa sổ di sản. Hành lang pháp lý đó, một mặt sẽ bảo tồn được giá trị di sản, mặt khác cũng tạo thuận lợi cho người dân hoặc các pháp nhân sở hữu công trình biết và thực hiện.
|
Hạ giải chùa Từ Hiếu vào đầu tháng 3/2019 - Ảnh: Facebook chùa Từ Hiếu |
Ở cố đô Huế nói riêng và trên khắp Việt Nam, những năm gần đây, câu chuyện rất cấp thiết là các ngôi cổ tự, nhà thờ, đình chùa, miếu mạo có niên đại cao đang xuống cấp trầm trọng, cần nhanh chóng được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, có một xu hướng chung trong quá trình trùng tu là tâm lý muốn xây dựng bề thế, hiện đại, thích tượng nào cũng phải lớn, phải cao. Thực trạng được ghi nhận ở nhiều nơi là những công trình sau luôn có khuynh hướng to hơn, cao hơn công trình trước hoặc công trình gần đó.
Huế có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Tường Vân là nơi ở cả đời của tăng thống Thích Tịnh Khiết. Giờ đây, chùa cũ đã bị phá bỏ và được xây lại một cách bề thế, thậm chí còn sơn son thếp vàng. Số phận chùa Từ Đàm cũng chẳng khá hơn. Chùa này ngày xưa là một công trình kiến trúc rất đẹp, do kiến trúc sư Nguyễn Khoa Nam Anh thiết kế, được xem là công trình tiêu biểu cho thời chấn hưng Phật giáo năm 1930. Cách đây hơn 10 năm, chùa đã bị đập, xây mới. Du khách bây giờ tới thăm, thấy Huế có những ngôi chùa rất sang trọng, nhưng “chất thiền” đã không còn, đánh mất đặc trưng chùa Huế.
Những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế cũng đang bị tùy tiện đập bỏ. Những di tích đang được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu, do không có hành lang pháp lý hướng dẫn chặt chẽ, nên cứ làm theo hình thức gần như là làm công trình mới. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, “việc hạ giải một công trình hiện nay rất tùy tiện. Những dự án sửa chữa, lẽ ra phải đợi sau khi được duyệt rồi mới hạ giải, để đánh giá lại lần cuối xem chỗ nào cần giữ lại, chỗ nào phải thay. Nhưng bây giờ, người ta cứ thích làm mới hóa di tích. Ví dụ công trình Nghinh Lương Đình, trước cột cờ Phu Văn Lâu. Nếu nhìn bằng mắt thường, ta chỉ thấy hư ở kèo này xuyên kèo kia, còn những cái trong ruột của nó, người ta không thể nào hiểu được. Nghinh Lương Đình ta thấy đây là phiên bản 2018-2019, không còn là Nghinh Lương Đình một thuở. Trùng tu, nếu làm như điện Kiếm Trung thì là đúng, vì điện Kiến Trung mất lâu rồi, nên phải phục dựng”.
Câu chuyện Hộ thành hào bị triệt hạ trong quá trình trùng tu vừa qua đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Người ta đưa cả xe múc vào triệt hạ đá gan gà và biến một công trình kiến trúc cổ đầy giá trị lịch sử thành một phiên bản mới.
Trở lại ngôi chùa Từ Hiếu cổ và những công trình đã được hạ giải để trùng tu trong thời gian qua, nói chính xác, chúng chỉ còn là phiên bản của công trình kiến trúc cổ chứ không còn mang ý nghĩa công trình kiến trúc cổ, vì những cái thuộc về quá khứ, do ông cha dựng lên, đã bị triệt hạ hoàn toàn và đã vĩnh viễn mất đi, khiến phong vị, thần thái, hồn vía của công trình văn hóa trôi tuột vào dĩ vãng.
“Làm kiểu này là triệt hạ, là xóa sổ, là vứt bỏ quá khứ. Làm sao thì làm, cũng phải giữ được một tí hồn cốt, không thì sẽ y như kiểu chùa Từ Đàm, chùa Tường Vân - đã thành công trình mới lâu rồi. Tôi thiết tha đề nghị sớm có cơ chế giám sát của cơ quan quản lý, thông qua hình thức một hội đồng khoa học - khi hạ giải xong một công trình để thẩm định, phải có các nhà chuyên môn về thiết kế, xây dựng và văn hóa tham gia. Nếu không thì ta sẽ mất hết” - ông Hoa nói.
Thuận Hóa