Làm mẹ, khó đấy…

23/07/2016 - 15:13

PNO - Tôi đọc “Con nghĩ đi, mẹ không biết” trong một ngày bị sốt và nằm vật vạ ở nhà. Tác giả là một nhà báo, là mẹ của hai cô con gái. Là một người bận rộn như rất nhiều bà mẹ trên đời này.

Tôi đọc và không thể ngừng lại. Tôi bắt gặp mình ồ à một cách thú vị xen lẫn ngạc nhiên. Bởi tôi thấy dạy con, lớn lên cùng con sao đơn giản đến thế, sao dễ dàng đến thế, sao nghệ thuật đến thế mà chúng ta cứ ca thán mãi không thôi. Đọc rồi mới thấy mình đâu đó trong các câu chuyện, mình đã từng ra sao trong những ngày tháng bên con.

Chị ấy nói “quẳng cái cân đi mà vui sống”, tôi đọc và bật cười. Cuộc chiến với cân nặng của con từng là cuộc chiến kinh hãi nhất đời không chỉ của riêng tôi mà với biết bao bà mẹ khác. Tôi nhớ mình đã khóc không biết bao nhiêu lần mỗi khi mang con đi khám dinh dưỡng. Sau mỗi cuộc điện thoại với bạn, tôi cứ muốn ào vô, sốc con dậy và cho ăn. Mỗi bữa ăn trở thành cuộc chiến giữa con với cả nhà.

Lam me, kho day…
Ảnh minh họa

Chẳng có thứ thuốc trên đời này mọi người giới thiệu mà tôi không cho con uống. Mà con bé thì vẫn gầy trơ xương, ói liên tù tì sau mỗi bữa ăn. Tôi đọc chị viết và tôi thương mình, tôi thương con. Giá mà có ai ngày ấy nói với tôi những điều như chị, để tôi ngộ ra, để tôi thấy rằng cân nặng chẳng là gì để phải giằng co với nó. Miễn con vui con khỏe. Miễn con chơi đùa bình thường. Thì đó là hạnh phúc của người làm mẹ rồi.

Làm sao để con tự học? Làm sao để con thích đọc sách? Làm sao để con thành người tử tế? Giã từ cuộc chiến cân nặng, các bà mẹ lại đối diện với cuộc chiến học hành. Ôi! Cái sự học của con. “Con tôi thường nhìn thấy mẹ vừa nấu ăn vừa đọc, vừa học, thấy mẹ cắp sách vở đi học rồi về hì hụi làm bài tập; thấy mẹ cũng cuống lên vì đi học muộn, cũng lo lắng làm bài tập…”. Là như thế đó. Là mẹ con cùng nhau. Té ra mọi việc đơn giản hơn chúng ta hình dung rất nhiều. Chúng ta chỉ cần bình thản sống, tập đọc sách như một thói quen, gieo cho con một hành động “làm theo” ba mẹ. Là được.

Cuộc chiến học hành quả là một cuộc chiến gian nan. Tôi đã bao nhiêu lần khóc ấm ức vì cãi nhau với chồng, vì thấy tương lai con mình sao mờ mịt quá. Đặc biệt là chuyện học Anh văn. Con nít vốn thích chơi hơn học, đâu dễ gì ép con tuân theo một thời gian biểu cố định nào. Bài học cả nhà cùng học tiếng Anh của chị, có lẽ tôi phải mang ra áp dụng ngay lập tức với cả nhà mình. Để thôi không còn bực bội việc học Anh văn của con rồi mang ra la lối om sòm, nhất là những khi hỏi chuyện con.

Sau việc học là chơi. Làm mẹ quả là lắm công phu. Câu hỏi đặt ra trong chúng ta, là làm sao để con học thật nhiều, làm sao để con trải nghiệm thật nhiều và làm sao để con an toàn. Ai ai trong chúng ta cũng mong muốn con mình biết nhiều, nhưng làm thế nào, thì có lẽ chúng ta rất ít người tìm ra cho mình giải pháp. Đọc những gì chị viết, cứ thấy giải pháp thật gần, thật dễ. Cái quan trọng là chúng ta có dám không, có đủ phiêu lưu để sẵn sàng cùng con phiêu lưu, có sẵn lòng dành tất cả ngày nghỉ của mình để đi đây đi đó cùng con, để cùng con lớn lên không?

Tôi đọc những gì chị viết và tôi thấm. Như theo lời của chị Hồ Điệp, mẹ của cậu bé giỏi giang Đỗ Nhật Nam, “Chị ấy cũng có vẻ nuôi con theo kiểu “mặc kệ”, thì ngay từ cái tựa sách đã thấy thế. Nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy là một sự kỳ công. Kỳ công ngay từ tâm trí của mẹ. Nếu mẹ không đạt đến “cảnh giới” ấy, có lẽ không làm theo được”.

Ái Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI