“Làm lành” với game

11/10/2021 - 14:08

PNO - Tôi chỉ mong ngày càng nhiều ông bố bà mẹ hiểu về game hơn. Đây là việc cần thiết, vì đó là thế giới của các con, chúng ta cần biết con mình làm gì trong ấy.

Chắc nhiều người thắc mắc giữa tôi và game có mâu thuẫn gì nên mới phải “làm lành”. Xin nói ngay rằng tôi là một bà mẹ có con nghiện game. 

Tôi không nhớ con trai bắt đầu làm quen với game từ khi nào, có lẽ là những buổi tối sau khi đi làm về, tôi đầu tắt mặt tối với việc cơm nước. Để cho con chịu ngồi yên, tôi giao cho cháu cái điện thoại để con đừng phá phách khi không có người vui chơi trò chuyện. Con tôi bước vào con đường nghiện game lúc nào tôi không hay.

Tôi cũng như nhiều vị phụ huynh luôn có một câu hỏi “Game có cái gì trong đó mà trẻ con mê dữ vậy?”. Chúng ta chỉ hỏi vậy, chứ không chịu tìm hiểu một cách rốt ráo. Chúng ta đứng ở ngoài và cho mình cái quyền phán xét: Game đã làm hư con mình.

Vì không hiểu, chúng ta chỉ cần thấy con chơi game là “ngứa mắt”, nên la mắng và cấm đoán. Tôi còn nóng giận và hành xử xấu xí khi đập máy chơi game trước mặt con vài lần. Sau này con tôi nói: “Lúc mẹ đập máy, con thấy đau lòng ghê gớm”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Muôn cách đối phó của con nghiện  

Trong suốt tám năm trời, tôi đã thử các biện pháp “cai” game cho con, dĩ nhiên không liên tục nhưng đã có rất nhiều đợt nhưng hầu như không đạt hiệu quả một cách triệt để. 

Tôi nghe theo nhiều hướng dẫn trên báo chí và internet, người ta hướng dẫn giảm giờ chơi, mỗi ngày chỉ cho trẻ chơi 1-2 giờ để trẻ không bị “lậm”.

Tuy nhiên với một đứa trẻ đã nghiện thì sau việc học đầu óc nó chỉ nghĩ tới game thôi, thậm chí trong lúc học nó cũng lan man tới chuyện game, nên không thể tự giác chấp hành quy định 1-2 giờ game mỗi ngày. 

Theo chúng, thời gian này là quá ít và nếu tôi có giấu máy game đi thì đứa bé lồng lên đi kiếm khắp nhà, từ tủ quần áo, kệ sách, giỏ xách, hộp trang điểm của mẹ…

Tôi thấy con lồng lộn đi kiếm máy chơi game không khỏi lo lắng nghĩ đến những cậu thanh niên mười mấy hai mươi tuổi đầu uy hiếp cha mẹ đòi tiền mua điện thoại chơi game, hoặc nạp thẻ game, mua vũ khí nâng cấp sức mạnh nhân vật game… 

Có những lúc bị hạn chế thời gian chơi, cháu thèm quá, đang đêm khuya hoặc khi trời gần sáng, tôi thức giấc thấy con trai lén lấy điện thoại trùm mềm và chơi say sưa. Tôi chẳng biết con lén chơi như vậy từ lúc nào. Giờ đó, trong tư thế trùm mềm và thiếu ánh sáng như vậy, đủ biết ảnh hưởng đến sức khỏe cỡ nào.

Từ chỗ mềm mỏng không xong, tôi tịch thu máy và cấm con không được chơi để cắt cơn và thấy con hằng ngày ngồi buồn hiu ngơ ngẩn. Tôi trò chuyện thì cháu tâm sự: Mẹ không cho con máy thì con tự tưởng tượng và chơi trong đầu. 

Tới nước này thì tôi gần như đầu hàng, tôi đã hết cách mong tách cháu khỏi “căn bệnh”.

Con học từ game - tôi cũng được bài học từ game 

Hết cách, tôi quyết định đổi chiến thuật, tuyên bố cho con chơi game công khai kèm điều kiện sau thời gian học phải làm công việc nhà và phụ mẹ nấu ăn. Học bài xong sẽ được tự do chơi đến giờ ngủ mà không lo mẹ cằn nhằn.

Nếu tuần nào đi học trễ, không thuộc bài hoặc bị điểm dưới năm thì không được chơi game. Nếu thực hiện đúng theo thỏa thuận này, thời gian con có thể chơi game cũng chỉ hai giờ mỗi ngày, vì con còn phải tập nấu cơm, chiên cá, nhặt rau, quét nhà, phơi đồ…

Việc làm khiến con luôn tay, đến lúc xong hết thì được chơi thoải mái. Còn trước kia, do ngồi không rảnh rỗi nên con hay tìm cách lén chơi game.

Từ lúc thấy phụ huynh không “ghét game”, con tôi bắt đầu đem những trận đánh game kể cho mẹ nghe. Tìm được tựa game nào mới, con cũng kể tôi nghe.

Có những lúc ngồi nghe con phân tích chiến thuật chơi, kỹ năng này nọ tôi chẳng hiểu gì, cứ như vịt nghe sấm. Tôi liền ngồi xem stream game, xem phê bình game, tạp chí game, lịch sử game… cùng con.

Mỗi lần xem cứ phải hỏi con đường rừng là gì, game góc nhìn thứ nhất là gì, con tướng này có skill là gì, game moba là gì, game console là gì… Nhóc con chẳng thấy phiền gì, mà ngược lại còn tỏ ra hào hứng giảng giải cho mẹ, có lẽ cậu cảm thấy mẹ đã tìm hiểu thế giới của mình nghĩa là mẹ không còn ghét, mẹ đã trở thành đồng minh.

Quả thật, việc tìm hiểu về game đối với một người trung niên không phải dễ. Đến giờ, sau ba năm “làm lành” và chung sống với niềm mê game của con, có nhiều điều tôi vẫn chưa thạo, tuy nhiên tôi nhận ra một điều: thế giới game thật hay ho. Con tôi học được bao nhiêu là kiến thức qua game.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh: Mỗi lần con vào sever quốc tế chơi game online cùng các bạn khắp thế giới, con trao đổi với các bạn chơi tưng bừng.

Khi nói, con có thể sai ngữ pháp nhưng quan trọng đã hiểu nhau, phản xạ nhanh, thế là đủ. Trong lúc chơi có rất nhiều từ mới phải tra từ điển online và lặp lại khá nhiều qua từng ngày nên khả năng học từ vựng hiệu quả.

- Tư duy nhanh nhẹn và tăng khả năng làm việc nhóm: Bạn đừng nghĩ chơi game chỉ là bấm vài phím và bắn giết loạn xạ. Các game thủ cần phải có tư duy chiến thuật, lúc nào cần tấn công khi nào cần phòng thủ và phải phán đoán khả năng đối thủ tấn công mình ở điểm yếu nào, mình cần bọc lót cho đồng đội ra sao để cùng nhau sống sót…

- Hiểu biết lịch sử, văn hóa, địa lý: Khi còn xa lạ với game tôi nhìn trò nào cũng thấy giống hệt nhau, nhưng khi tìm hiểu mới biết hóa ra game cũng có cốt truyện, thể loại, thời điểm lịch sử… y như phim hoặc truyện.

Có game kinh dị, game bán hàng làm giàu, game nấu ăn, game trinh thám, game hành động bắn súng, game thời trang, game làm vườn, game xây dựng… hệt như thế giới thực. 

Chính game cho con tôi những thắc mắc về thời chiến tranh thế giới, để rồi lên Google tìm hiểu về Hitler, phe đồng minh, chế độ phát-xít.

Cũng từ nhạc game mà con tôi tìm hiểu và biết phân biệt đặc trưng của nhạc Celtic, nhạc Disco, nhạc rock, nhạc rap. Thông qua game, con học được rất nhiều kiến thức về địa lý, kiến trúc, vì các loại game mô phỏng các thành phố, các hòn đảo, vùng đất cũng không ít. 

Người lớn không rành game sẽ nghĩ chỉ đọc sách báo mới có kiến thức, không biết rằng có khá nhiều điều hay trong game, game cũng có thể tạo cho trẻ thắc mắc, để rồi từ đó chúng lưu tâm và tìm hiểu. Trẻ cũng học hỏi, chỉ có điều sách báo không phải phương tiện duy nhất đưa người ta đến với kiến thức. Đó là điều tôi phát hiện từ game.

Sau ba năm “đổi chiến thuật”, tôi rất mừng vì bây giờ con đã có thể thành thạo việc nhà. Một mình con có thể nấu hoàn tất  bữa ăn. Mỗi bữa cơm, chúng tôi có thể bàn về những tin tức về làng game trong nước và thế giới. 

Con tôi mỗi khi đạt được trang phục hoặc ngọc hay vũ khí quý hiếm trong game thì gào toáng lên, chạy đi khoe với tôi. Tôi thấy mình may mắn vì đã chịu khó tìm hiểu và có thể chia sẻ niềm vui, nỗi tức giận của con trong mỗi trận đấu.

Hạnh phúc hơn nữa, thỉnh thoảng con tìm được một tựa game indie (game của những công ty độc lập, ít kinh phí sản xuất) phù hợp với người lớn thì rủ tôi chơi cùng. 

Tôi chỉ mong ngày càng nhiều ông bố bà mẹ hiểu về game hơn. Đây  là việc cần thiết, vì đó là thế giới của các con, chúng ta cần biết con mình làm gì trong ấy. Hiểu để tìm ra cách phù hợp giúp trẻ không quá lậm và mù mờ trong thế giới đó. 

* Game được công nhận là môn thể thao điện tử ở nhiều nước, hiện nay đã có nhiều giải đấu lớn. Game thủ cũng có thể chuyển nhượng qua lại giữ các đội tuyển như các cầu thủ bóng đá vậy. 

* Tại SEA Games 31 (dự kiến tổ chức vào tháng Tư hoặc tháng Năm năm 2022) ở Việt Nam, môn thể thao điện tử được chính thức đưa vào thi đấu.

Nguyệt Phạm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI