Làm kinh tế đêm dễ hay khó?

12/08/2023 - 06:02

PNO - Cuộc sống có ngày và đêm, kinh tế cũng vậy. Kinh tế đêm (KTĐ) ngày càng cần thiết hơn khi du lịch ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của cư dân bản địa lẫn du khách ngày một tăng cao, nhất là khách quốc tế.

 

Phố đêm Bùi Viện (quận 1) là 1 trong những điểm đến vui chơi, giải trí về đêm quen thuộc của du khách và giới trẻ TP HCM - Ảnh:
Phố đêm Bùi Viện (quận 1) là 1 trong những điểm đến vui chơi, giải trí về đêm quen thuộc của du khách và giới trẻ TPHCM - Ảnh: NLĐO

So với nhiều nước trong khu vực, KTĐ Việt Nam chậm chân hơn. Hiện nay, KTĐ của Campuchia bài bản và hiệu quả hơn. KTĐ góp phần quan trọng đưa du lịch Thái Lan xếp thứ tám thế giới về lượng khách, thứ tư thế giới về doanh thu và bám sát Pháp - quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng khách.

TPHCM - trung tâm du lịch, ngọn cờ đầu kinh tế cả nước, luôn tiên phong đột phá - vẫn loay hoay chưa tìm được lời giải cho bài toán KTĐ. Do bài toán quá khó? Khó sao thiên hạ làm nhẹ tênh? Suy cho cùng, khó hay dễ đều do con người và cách làm. Không quá dễ và không quá khó.

Khó, nếu làm gì cũng sợ. Mở cửa thì gió vào, có gió lành và cả gió độc. Vấn đề là sức đề kháng, các biện pháp phòng chống và thuốc giải. Khó, nếu quản lý du lịch kiểu đoàn thể, làm du lịch theo lối mòn.
Dễ, nếu đồng lòng, chung tay hợp lực và biết cách làm. 

Muốn làm KTĐ căn cơ và hiệu quả, phải thay đổi suy nghĩ. KTĐ không phải phong trào mà hô hào khẩu hiệu, làm cho có. KTĐ không chỉ có chợ và ẩm thực. Nhu cầu của người dân lẫn du khách rất đa dạng, tùy vùng miền và quốc gia, nên không thể rập khuôn, áp đặt. Đừng nghĩ KTĐ chỉ phục vụ du khách.

Quy luật căn bản nhất của kinh tế là cung - cầu. Có cầu là có cung và ngược lại. Chưa có cầu thì tạo ra cầu. Chúng ta muốn làm KTĐ nhưng lại không điều tra xã hội học về nhu cầu của cư dân và du khách các nước mà chỉ phỏng đoán theo chủ quan. Tư duy bao cấp vẫn đeo đẳng các cấp quản lý, họ vẫn thích nghĩ và làm thay doanh nghiệp.

Phải thay đổi triệt để, đoạn tuyệt tư duy “gắp đồ ăn cho khách”, cả về quản lý lẫn tổ chức. Việc cần làm ngay là thay đổi giờ hoạt động ở các điểm tham quan như các nước phát triển. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm thì tùy nhu cầu của khách mà có thể cho mở cửa đến sáng. Việc làm này vừa giảm mật độ giao thông, tránh kẹt xe, vừa tạo sự thoải mái cho du khách nghỉ ngơi, tăng doanh thu. Khách có thể ngủ dậy trễ, ăn tối ngoài khách sạn.

Nhà nước chỉ nên bao cấp các sự kiện chính trị, hỗ trợ chính sách, khuyến khích xã hội hóa việc tổ chức các sự kiện kinh tế. Hãy để doanh nghiệp làm kinh tế. Họ sẽ làm tốt bởi hiệu quả kinh tế là lẽ sống còn của họ.

Nên mở rộng không gian và thời gian hoạt động của Đường sách Nguyễn Văn Bình, các phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ. Nên biến kênh Nhiêu Lộc thành kênh Hoa, đôi bờ làm KTĐ như dòng sông Singapore. Cần nghiên cứu, vận dụng mô hình chợ đêm ở Đài Loan (Trung Quốc), Siem Reap (Campuchia), các dịch vụ đêm ở Thái Lan.

Ít nhất là trong 6 tháng đầu, cần miễn thuế kinh doanh ban đêm để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia. Có chính sách kích cầu tiêu dùng, thay vì giảm giá thì tặng sản phẩm. Trước đó, cần chuẩn bị dư luận, nhân lực, làm sạch môi trường, từ vệ sinh tới an ninh trật tự, đảm bảo nguồn hàng. Các công ty lữ hành, doanh nghiệp làm KTĐ và truyền thông cùng nối kết và hợp đồng chặt chẽ. Nhà nước tập trung hỗ trợ chính sách và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

KTĐ không thể làm đại trà ngay mà cần bám sát quy luật cung - cầu. Làm gì cũng phải có kế hoạch, lộ trình và có người chịu trách nhiệm cụ thể. Muốn có quả ngọt, phải tìm được cây giống tốt, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, dày công chăm sóc. KTĐ cũng vậy. 

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI