Làm khoa học là chấp nhận cô độc

06/07/2020 - 11:22

PNO - Mặt mộc đen nhẻm, nhợt nhạt không son phấn… trông người phụ nữ ấy chẳng khác nào một cô nông dân đầu tắt mặt tối thay vì một nhà khoa học thành đạt vừa được Tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn vào Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020. Đó là Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng - một trong ba nhà khoa học Việt Nam có mặt trong danh sách danh giá này.

Với những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà cũng nằm trong top 3 nhà khoa học Việt Nam được trao giải thưởng L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019. Tạp chí Asian Scientist bình chọn chị ở vị trí 87 trong năm 2020 nhờ vào đề xuất nghiên cứu sử dụng các dấu phân tử để phát triển giống lúa chịu mặn có năng suất cao ở các khu vực bị ảnh hưởng dọc theo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Điều đặc biệt nhất nơi nữ tiến sĩ xuất thân từ vùng đất Bến Tre này chính là tình yêu bền chặt của chị với cây lúa, với người nông dân. Giới khoa học nói về chị như thế. Và gặp rồi mới thấy người phụ nữ này đúng là kiểu liều mình bám lấy đam mê; vì nghiên cứu sẵn sàng dốc hết tiền túi, chỉ cần ăn khoai lang mà sống. 

Để người nông dân an lòng bám đất, bám ruộng

* Phóng viên: Chị có thể chia sẻ đôi chút về đề tài nghiên cứu giúp chị giành được vinh quang cho bản thân và cho giới khoa học 
Việt Nam?

Điều đặc biệt nhất nơi tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà là tình yêu bền chặt của chị với cây lúa, với người nông dân
Điều đặc biệt nơi tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà là tình yêu bền chặt của chị với cây lúa, với người nông dân

- Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà: Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến rất nghiêm trọng, các tỉnh ĐBSCL bị nhiễm mặn rất nhiều, mặn đi kèm với hạn nên nông nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Chương trình tạo giống lúa chịu mặn này là cả một quá trình dài chứ không phải chỉ năm 2019. Tôi cố gắng nghiên cứu tạo ra những giống có thể thích nghi để cải thiện năng suất cho người nông dân. Đề tài này ứng dụng công nghệ macro phân tử để chọn lọc ra các dòng mang gen chống chịu mặn, sau đó triển khai thử nghiệm ở các vùng có độ mặn rất cao (Bến Tre, Cà Mau…) nhằm chọn ra những giống thích ứng được với các vùng canh tác để cải thiện kinh tế cho nông dân.

Tôi tập trung phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng mặn tại ĐBSCL. Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai hồi giao hỗ trợ đánh dấu gen kháng bằng marker phân tử, để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện khí hậu ở miền Nam Việt Nam; được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.

* Đơn giản hơn, nghiên cứu của chị sẽ mang lại lợi ích gì cho người nông dân?

- Hiện nay, ĐBSCL có đến 8/13 tỉnh đất đã bị nhiễm mặn nên rất cần một công trình nghiên cứu để chọn giống lúa thích nghi với môi trường ấy. Trước đây, để lai tạo một giống lúa bằng kỹ thuật truyền thống, các nhà khoa học thường lai ghép rồi chọn theo thế hệ kiểu hình. Cách này mất 5 đến 10 năm để tạo ra một giống lúa mới. Với phương pháp marker phân tử tôi áp dụng, có thể xác định được kiểu gen nên thời gian lai tạo giảm xuống chỉ còn 3 - 4 năm, người nông dân không phải chờ đợi lâu như trước. Tôi lựa chọn giống lúa mẹ ở địa phương, giống lúa bố chứa nguồn gen có khả năng chống chịu mặn, sau đó cho lai hai giống với nhau. Hiện một số dòng kháng mặn đã được trồng khảo nghiệm cho năng suất cao ở Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau. Bước đầu, kết quả khả quan nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cải thiện.

Khi những loại giống này đưa vào sử dụng phổ biến, người nông dân sẽ không vì hạn mặn mà bỏ đất canh tác hay mùa màng thất bát, mà có thể bám đất bám ruộng với năng suất cao… Hiện tôi tiếp tục theo đuổi các công trình nghiên cứu lai tạo giống cây trồng đặc tính kháng mặn để phổ biến cho nông dân ĐBSCL, trong đó có cây cải mù tạt và kháng nấm đạo ôn trên 
cây lúa. 

“Nghiên cứu khoa học thực sự nghèo lắm, áp lực kinh phí cũng là một gánh nặng với nhà khoa học. Nghiên cứu cần có cơ chế phù hợp để phát triển, lương là để trang trải cuộc sống, không thể cứ mãi lấy lương đầu tư cho nghiên cứu. Làm như vậy sẽ bóp chết dần tinh thần nghiên cứu. 
Tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, cải thiện cơ chế cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”
, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà.

* Xuất thân từ nông dân, chị chưa ngán làm ruộng sao còn chọn kết duyên với cây lúa, ngần ấy năm ngâm mình trong nước phèn nhiễm mặn, lội bùn cấy giống…?

- Tôi lớn lên trong một gia đình có năm anh em ở Bến Tre, cha mẹ làm ruộng để nuôi chúng tôi. Ý tưởng theo ngành nông nghiệp bắt đầu nhen nhóm từ khi tôi học lớp 11. Năm 2001, tôi thi đậu vào ngành Nông học của Đại học Cần Thơ. Vào trường như cá gặp nước, suốt ngày tôi ngồi cắt ghép cây lúa, riết thành ghiền. Ra trường, tôi làm việc và nghiên cứu tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Cực vô cùng, hằng tuần lội bùn không biết bao nhiêu lần, đi về da đen nhẻm, cứ khụt khịt vì cảm, tiền chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng tuyệt không thay đổi ý định. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi tiếp tục học tiến sĩ ngành chọn giống ở Hiroshima, Nhật Bản. Đến nay, tôi là tác giả và đồng tác giả hơn 60 bài báo khoa học; trong đó có hàng chục bài báo thuộc danh mục ISI, hơn 20 báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước, quốc tế và đồng tác giả một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau như: OM6600, OM11267 (MNR1), OM11271 (MNR5), OM7398, OM10041, OM7345, OM10252, OM10375, OM8927... Nhiều năm như vậy rồi nhưng tôi vẫn chưa bao giờ thấy chán. 

tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà không ngại cầm tay chỉ việc cho sinh viên với mong muốn truyền cảm hứng và niềm đam mê khoa học cho các em
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà không ngại cầm tay chỉ việc cho sinh viên với mong muốn truyền cảm hứng và niềm đam mê khoa học cho các em

* Ngoài tình yêu dành cho cây lúa, chị còn làm công việc gì khác không?

- Tôi đi dạy và tìm kiếm sinh viên để đưa vào nhóm nghiên cứu. Tôi kèm cặp sinh viên từng việc nhỏ nhất, thậm chí cầm tay chỉ việc với mong muốn truyền cảm hứng và niềm đam mê khoa học cho các em. Mới đây, nhóm ba sinh viên do tôi hướng dẫn đã đạt giải nhất toàn trường về nghiên cứu khoa học ứng dụng đột biến trong chọn giống chịu mặn.

Chỉ có thể đi tới vì sau lưng mình chẳng có gì!

* Là một nhà khoa học đang công tác tại một trường đại học lớn, đã có thành tựu trong nghề nhưng nghe nói chị phải ở nhà thuê?

- Đúng vậy, tôi thuê một căn nhà với giá 5 triệu đồng/tháng để hai mẹ con sống. Tiêu chí của tôi là nhà trọ phải có ban công để trồng lúa giống và gần trường nhằm tiện chạy về cắt hoa đực để lai tạo vì cây lúa có thời gian nở hoa từ 9-12g sáng. Tốt nghiệp từ Nhật về năm 2018, lúc đó tôi mới chuyển lên TP.HCM sống và làm việc, chỉ có lĩnh lương nghiên cứu, không kinh doanh, trước nay thí nghiệm phải tự bỏ tiền túi ra nên thật sự tôi không dư dả. Số tiền lớn nhất mà tôi từng cầm trong tay là 150 triệu đồng giải thưởng L’Oreal - UNESCO. Ngoài cảm giác tự hào thực sự, lúc đó tôi vô cùng vui sướng vì có tiền để tiếp tục việc nghiên cứu.

* Vì sao chỉ có hai mẹ con chị sống cùng nhau?

- Vợ chồng tôi đã chia tay và con gái là người đồng hành cùng tôi qua những cột mốc khó khăn nhất. Điều khiến tôi tự hào nhất chính là cô con gái 9 tuổi của tôi. Con gái mới thật sự là người nghị lực và là chỗ dựa vững chắc mỗi khi tôi lung lay. Sinh con gái được 20 ngày, tôi phải bay ra Hà Nội bảo vệ thạc sĩ. Mẹ đi máy bay, con đỏ hỏn nằm kế bên. Mẹ vào bảo vệ, gửi con ở phòng hội đồng nhờ các cô chăm, sinh viên đi ngang đút bình sữa vào cho bú… Bỏ lăn lóc thế mà bé rất ngoan, không hề khóc. 

bền chặt
Khi học tiến sĩ ở Nhật, chị Hà còn phải một mình chăm con nhỏ  

Khi sang Nhật học tiến sĩ, tôi cũng mang con theo. Ban ngày tôi đi học, cố gắng nghiên cứu để giành học bổng, ban đêm đi làm thêm đến tận 3g sáng mới về đến nhà. Vì không đủ tiền nên tôi phải dạt ra trọ ở ngoại thành. 8g đưa con đến trường, 9g tôi lên phòng thí nghiệm làm việc không nghỉ trưa cho đến 14g chạy về đón con, 15g đi làm đến 3g sáng. Áp lực khiến tôi stress, sụt cân liên tục. 

Nhưng điều khủng khiếp nhất lúc đó chính là tôi đi học đi làm mà phải để đứa con gái 3 tuổi ở nhà một mình. Cảm giác không biết con đang làm gì, liệu có an toàn không… thật khủng khiếp. Những ngày đầu, hễ tôi bước ra cửa là con chạy theo khóc năn nỉ mẹ đừng bỏ con. Tôi khóc không thành tiếng. Những lúc đó thật sự tôi muốn cùng con về nước cho xong. Nhưng nghĩ lại, tôi không thể quay đầu, bởi sau lưng tôi chẳng còn gì cả, gia đình không, nhà cửa cũng không, sự nghiệp chưa có gì… nên chỉ có thể cố gắng bước về phía trước. 

Tôi bắt đầu tập cho bé tự giặt quần áo. Tôi nấu sẵn đồ ăn để vào các khay đặt ở chỗ thấp và hướng dẫn con tự ăn, tự lo mọi thứ lúc ở nhà một mình. Thời gian của hai mẹ con chính là lúc đưa rước con đi học. Cuối tuần, tôi cố gắng thu xếp để đưa con ra ngoài một chút. Thật sự tôi mắc nợ và rất biết ơn con gái. 

* Những lúc khó khăn như vậy sao chị không tìm về gia đình lớn của mình?

- Gia đình tôi sống bằng nghề nông nên chẳng khá giả. Trong nhà, tôi là người có đường học vấn dài nhất. Lúc mẹ bệnh sắp mất là lúc tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học, từ bệnh viện lo cho mẹ xong là chạy vội vào phòng thi. Năm đó, hai đứa em tôi đòi nghỉ học vì nhà không tiền. Tôi khuyên và quyết định vay tiền nuôi hai em ăn học. Sau nhiều thăng trầm, giờ các em đều có nghề nghiệp ổn định.

Người cuồng việc

* Nghe chị kể, tôi thật sự tò mò về con gái của chị...

- Chính con gái là động lực để tôi cố gắng, nếu không có con chắc tôi không thể nào vượt qua được những vất vả ngày ấy. Con ngoan, phong cách như một người Nhật, ba tuổi mà hiểu biết nhiều thứ, biết tự chăm sóc, ủng hộ mẹ, lo lắng cho mẹ. Con gái trưởng thành sớm và tự lựa chọn những gì mình muốn, kể cả chuyện học. Bé không thích đi học thêm và rất thích học tiếng Nhật… Cuối tuần, gia đình tôi thường về quê, tôi thì thăm các giống lúa phục vụ cho việc nghiên cứu, còn con gái học trải nghiệm kết hợp đi chơi. Vậy là tối thứ sáu, con bé sẽ chuẩn bị đầy đủ sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân cần thiết mà không cần mẹ nhắc nhở. Từ lúc 3 tuổi đến nay, bé vẫn có thể làm tốt mọi thứ. Có lẽ, con đồng hành cùng mẹ suốt chặng đường nghiên cứu nên bị “lây” đam mê học và tự lập sớm.

* Trong suốt hành trình đầy khó khăn đó, có lúc nào chị muốn dừng lại công việc nghiên cứu mà chuyển sang hướng khác?

- Tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi mê làm việc kinh khủng. Khi bắt tay làm việc, tôi thường không ăn, không nói chuyện; ngay cả lúc ăn cơm cũng là vừa ăn, vừa học, vừa làm… chứ không nghỉ. Về nhà, dù tôi đang nấu cơm, máy tính vẫn mở sẵn để tranh thủ làm việc. Khi công việc chưa hoàn thành, áp lực công việc đè nặng đến nỗi khi ăn, ngủ tôi luôn nghĩ đến nó. Khi nào giải quyết xong việc thì tôi mới cười nói, còn chưa xong thì không buông được… Ông xã hiện tại của tôi thường hay phàn nàn về tính thích mang việc về nhà của tôi. Anh ấy đặt ra nguyên tắc là cùng nhau ăn, cùng xem ti vi sau bữa ăn mà không được mở máy tính làm việc. Vậy là tôi phải canh anh ấy ngủ xong mới bắt đầu giải quyết công việc.

* Chị vừa nhắc đến ông xã hiện tại…

- Anh ấy là người Úc, làm nghề kinh doanh. Đầu năm 2019, tôi quen anh ấy. Đến tháng 11 cùng năm, anh ấy bỏ hết mọi thứ ở Úc để sang đây làm… nội trợ cho mẹ con tôi. Tôi bận công việc thì anh ấy phụ trách đưa đón con đi học, chơi với con, nấu ăn… Tôi thì dở ngoại giao nên khi tham gia các hội nghị, anh ấy đều đi cùng để làm cầu nối. May mắn của tôi là có thêm chỗ dựa thứ hai. Anh ấy rất thương con tôi, chỉn chu và ủng hộ công việc của vợ dù thỉnh thoảng lại cáu vì tôi mang việc về nhà. Anh cũng là người thường xuyên hỗ trợ tài chính để vợ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học.

Mái ấm nhỏ của tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà  luôn đầy ắp tình yêu thương và sự ủng hộ mà chồng, con luôn dành cho chị
Mái ấm nhỏ của tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà luôn đầy ắp tình yêu thương và sự ủng hộ mà chồng, con luôn dành cho chị

* Từ một người mẹ đơn thân lại tìm được người đàn ông chấp nhận vì mình mà từ bỏ tất cả để làm hậu phương, chị có thấy mình may mắn?

- Giống như tái ông thất mã vậy, gặp được anh là một sự may mắn lấp đầy những khiếm khuyết cuộc đời tôi. Tôi là một bà mẹ đơn thân, không xinh đẹp, cũng chẳng gia thế, tài chính càng không, chỉ có đủ đam mê với công việc. Có lẽ anh yêu thương mẹ con tôi vì điều đó.

Phải thật sự đam mê mới đủ kiên trì đi hết con đường 

* Không ti vi, không mạng xã hội, không xã giao… vậy chị giải trí, xả stress bằng cách nào?

- Có lẽ lúc ngắm nhìn những mầm lúa có thể sống và lớn lên từng ngày cũng đủ mang đến cho tôi niềm vui, sự thư giãn. Còn thời khắc khiến tôi mãn nguyện nhất chính là những lúc đi ăn, đi bơi… cùng hai cha con.

* Chị có cảm thấy nữ giới khi nghiên cứu khoa học phải chịu quá nhiều áp lực?

- Rất nhiều! Khi là nữ, ngoài công việc nghiên cứu, mình còn phải làm vợ, làm mẹ. Những lúc cao điểm thì đến nhà cũng không ở nhiều bằng phòng lab, địa bàn thử nghiệm… Nữ cũng hạn chế về ngoại giao hơn. Nhưng tôi luôn cố gắng cân bằng vì đam mê phải theo đuổi. Công việc nghiên cứu, càng đi sâu càng cô độc; khi thất bại hay thành công, bạn không thể nói một cách rõ ràng cụ thể để gia đình và bạn bè hiểu. Nói một cách nào đó, làm khoa học là phải chấp nhận hy sinh riêng tư, phải thật sự đam mê mới đủ kiên trì đi hết con đường. Thú thật, tôi không phải là người quá mạnh mẽ, sự cứng rắn là vỏ bọc cho nội tâm dễ mặc cảm, dùng công việc để lắp đầy. 

* Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chắc hẳn công việc nghiên cứu khoa học cũng mang lại cho chị điều gì đó tạm gọi là đền đáp xứng đáng với những gì chị đã bỏ ra?

- Sau bao năm nghiên cứu, bây giờ đã có những sự đền đáp, ví dụ như khi nhận giải thưởng vừa rồi, tôi cảm nhận rằng thì ra mình cũng có giá trị, công việc mình làm cũng có người công nhận. Tôi nghĩ đơn giản, cứ cố gắng làm công việc của mình, đừng quan tâm nó sẽ đi đến đâu, mà chỉ cần mình cố gắng thì sẽ được đền đáp.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI