Làm giàu và tạo việc làm cho nhiều người từ nghề đan lục bình

29/10/2024 - 12:15

PNO - Sinh ra trong một gia đình khó khăn, hằng ngày phải đi cắt lục bình về phơi khô để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống, thế nhưng sau hơn 30 năm gắn bó với cây lục bình, chị Lê Thị Trinh không chỉ thoát nghèo mà còn giúp hàng trăm chị em phụ nữ có cuộc sống khấm khá.

Đứng lên từ nơi mình vấp ngã

Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lục bình xuất khẩu Tân Hưng của chị Lê Thị Trinh nằm ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cơ sở lúc nào cũng tấp nập các loại xe tải, xe ba gác, xe máy ra vào và người khuân vác, giao nhận các sản phẩm từ cây lục bình khô. Bên trong là những bó lục bình khô được chất đống cao.

Bà chủ Lê Thị Trinh tay cầm sổ ghi chép số lượng hàng nhập, hàng xuất. Hàng xuất là thành phẩm được đưa đi đóng thùng container cho xuất khẩu. Còn hàng nhập là lục bình khô và các khung xương của sản phẩm để đan lục bình. Đông đảo chị em chạy xe máy vào cơ sở để giao các sản phẩm như rổ, khay… rồi nhận lục bình khô về nhà tranh thủ đan để kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi.

Về chuyện khởi nghiệp để trở thành bà chủ một cơ sở quy mô như hiện nay, chị Trinh trải lòng, đó là khoảng thời gian đẫm nước mắt mà có lúc chị đã nghĩ quẩn… Dừng lại một lúc, chị nói tiếp, hơn 30 năm trước, hằng ngày chị rong ruổi trên chiếc xuồng nhỏ theo những dòng kênh, rạch, len vào từng đám lục bình để cắt, mang về phơi khô, bán cho thương lái.

Nghề đan lục bình đã giúp nhiều chị em ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có việc làm, tăng thu nhập
Nghề đan lục bình đã giúp nhiều chị em ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có việc làm, tăng thu nhập

Sau một thời gian, chị tìm hiểu và biết người ta thu mua lục bình khô để đan thảm chân, rổ, giỏ xách, khay, thùng, đôn, dép… Thế là chị tìm đến một cơ sở dạy nghề ở Vĩnh Long để học và xin vào làm cho một công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để vừa làm vừa học.

“Sau một thời gian, tôi trở về quê, bắt đầu thu mua lục bình khô đan các sản phẩm để bán lại cho các cơ sở, đồng thời tranh thủ dạy nghề miễn phí vào buổi tối, chủ yếu cho các chị em muốn có việc làm để kiếm thêm thu nhập. Một thời gian sau, khi sản phẩm làm ra ngày càng nhiều mà không có nơi tiêu thụ, tôi mang hàng đi chào bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Có mối đặt hàng, tôi lại về khuyến khích bà con tranh thủ làm. Nhưng do “mới ra lò”, không nắm rõ cách tính toán thu chi cũng như công nợ nên tôi lâm vào cảnh nợ nần. Tôi suy sụp hoàn toàn vì mất tất cả vốn liếng. Tuy nhiên, khi bình tâm lại tôi nghĩ mình ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó. Gia đình cũng đồng ý cho tôi bán hết 15 công ruộng để trả nợ. Thế là tôi làm lại từ đầu” - chị Trinh kể.

Giúp nhau thoát nghèo

Giờ đây, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo và thân thiện môi trường từ cơ sở Tân Hưng của chị Lê Thị Trinh đã vươn ra các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và chuộng nhất là Mỹ. Ngoài ra, Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng của chị còn là mô hình giúp nhau thoát nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Cái Bè.

Thời gian qua, chị Trinh đã phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức dạy nghề miễn phí cho khoảng 800 phụ nữ, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Hằng ngày, ngoài quán xuyến công việc tại cơ sở, buổi tối chị Trinh tiếp tục dạy nghề cho bà con ở nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long. Người học nghề, sau khi thành thạo, chị sẽ giao nguyên vật liệu để họ mang về gia công.

Không kể số người nhận hàng về gia công, số nhân công đang làm việc tại cơ sở của chị Trinh hiện khoảng 200 người, chủ yếu là chị em phụ nữ không có nghề nghiệp ổn định và người già. Những người nhận hàng về gia công, làm ít mỗi tháng cũng có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, làm nhiều thì 5-6 triệu đồng. Với thợ chuyên nghiệp, làm toàn thời gian, lương tháng có thể trên 15 triệu đồng, tùy vào năng lực và tay nghề.

Ông Phan Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè - cho biết, nhiều năm nay, Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng đã giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn đồng hành cùng địa phương rất nhiều trong công tác xóa đói giảm nghèo, các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI