Làm giàu đúng chất nhà quê!

06/06/2017 - 14:30

PNO - Làng nghề truyền thống bánh tráng thủ công xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, từng chộn rộn với mấy trăm lò làm bánh đỏ lửa ngày đêm nhưng mấy năm gần đây, số lò thủ công chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Hầu hết các lò chuyển sang tráng bánh bằng máy, năng suất cao, nên số lò thủ công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công nghiệp hóa có cái hay của công nghiệp hóa. Song tiếc công ông bà, cha mẹ đã mấy đời làm bánh tráng gia truyền nên tôi quyết tâm giữ lại nghề và làm nó phát triển theo cách của mình.

Lam giau dung chat nha que!
Với sự phát triển của công nghệ, các lò làm bánh tráng thủ công chẳng còn lại bao nhiêu. Ảnh minh họa.

Tôi bàn với con gái phải làm sao giữ được cái lò than làm bánh tráng theo lối thủ công này. Với mong muốn cái lò than của mình thu hút được cả khách Việt lẫn khách ngoại quốc khi đến Củ Chi tham quan, chúng tôi dựng bảng hiệu đúng chất nhà quê: lấy liếp phơi bánh gắn thêm mấy cái mẹc tre rồi dùng sơn vẽ mấy chữ lên đó “Làng bánh tráng Phú Hòa Đông” bằng tiếng Việt, lẫn tiếng Anh để gây sự tò mò, lạ mắt với du khách. 

Biết khách nước ngoài thích những gì gần gũi với thiên nhiên, chúng tôi mua lá dừa về dựng căn nhà lá thật mát. Vừa làm, chúng tôi vừa nghĩ mình phải thực hiện sao cho khách du lịch đi qua tò mò muốn ghé thăm xem làng bánh tráng như thế nào hoặc ít nhất thấy lạ phải ngoái nhìn.

Tiếp theo, chúng tôi thiết kế lò tráng bánh gần cửa ra vào để khách đi ngoài đường nhìn vào cũng có thể thấy rõ. Dù vậy, lò bánh của chúng tôi vẫn còn đơn điệu. Hai mẹ con bèn bàn nhau đi chợ Bến Thành mua thêm các mặt hàng lưu niệm bằng vỏ dừa, tre nứa, bánh kẹo nhà quê để đem về bán cho khách. 

Một tuần rồi hai tuần trông ngóng, quả thật trời không phụ lòng người. Lần đầu tiên chúng tôi đón mấy anh chị khách Tây du lịch bụi bằng xe máy ghé qua. Họ nói tiếng Anh, xin chụp hình khi ngồi tráng bánh rồi mua một ít bánh về ăn. Sau đó, nhiều nhóm khác cũng đến.

Lam giau dung chat nha que!
 

Mỗi lần như thế, khách trả cho tôi thêm vài chục ngàn hoặc 100 ngàn đồng coi như phí tham quan. Dần dà, có mấy đoàn khách du lịch đi ngang, mấy anh hướng dẫn viên cũng cho du khách xuống chơi, chụp hình, tráng bánh rồi giải thích về làng nghề. Lần nào hai mẹ con tôi cũng được trả phí. Người nọ nói người kia biết, nhờ vậy lượng khách đến đều đặn rồi tăng dần, nhất là vào những ngày cuối tuần. 

Để phục vụ khách tốt hơn, mẹ con tôi mày mò làm thêm món bánh mặn có tôm và tiêu rồi chiên giòn mời du khách ăn thử. Chúng tôi còn học thêm vài từ tiếng Anh để giao tiếp. Khách càng vui ra mặt. 

Không ai tin rằng mô hình du lịch nhà quê mà hai mẹ con tôi làm có thể thu hút được khách - mà toàn khách Tây cứ như vừa làm vừa chơi. Quả thật, chúng tôi vừa làm vừa chơi từ 4-5 năm nay. Số tiền thu được mỗi tháng đủ để chúng tôi tự tin giữ nghề, rồi xây nhà, nuôi con. 

Tôi nghĩ cái gì người ta cần thì mình làm. Nếu vốn ít thì mình làm ít, làm những gì gần gũi với mình, càng mang giá trị truyền thống, chân quê càng tốt. Tôi cũng từng rỉ tai một cô bạn tìm hiểu mở một mô hình tương tự, ở đó có đặc sản gì, làng nghề gì thì mình tái hiện, cộng thêm ẩm thực nhà quê thì có thể “làm chơi ăn thiệt”. 

(ghi theo lời bà Thái Hương Lan - 57 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI