Làm giàu bằng những 'đồ bỏ đi'

29/03/2017 - 18:31

PNO - Rất nhiều sản phẩm (SP) nông nghiệp, thậm chí là phế phẩm trong nông nghiệp được những người trẻ biến thành những SP hữu dụng để khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ “cây nhà lá vườn”

Xơ mướp, thứ phế phẩm từ trái mướp già mà nhà nông chừa để lấy hạt làm giống, ngoài việc dùng làm miếng rửa chén, gần như không dùng được vào việc gì. Vậy mà trong một lần mày mò dùng xơ mướp làm một chiếc ví để tặng người thân, nhận được phản hồi tích cực, anh Mạc Như Nhân đã nảy sinh ý tưởng biến thứ phế phẩm này thành các mặt hàng thời trang (túi, ví, giày, kẹp tóc…) hay đồ trang trí. 

Lam giau bang nhung 'do bo di'

Giày xơ mướp

 

Để có được những chiếc túi xách, giày dép… bằng xơ mướp với đủ màu sắc, kiểu dáng độc đáo không thua các sản phẩm (SP) sử dụng chất liệu da hay cao su, anh Nhân phải đi đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… để thu mua xơ mướp về giặt sạch, ép, đem đi nhuộm và lên khuôn thiết kế. 

Do là SP tiêu dùng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cho SP, anh cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Theo chủ nhân của những SP sáng tạo này, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú khi đi một đôi giày đế xơ mướp vì vừa có tác dụng hút ẩm, vừa có cảm giác chân được mát-xa…

Hiện tại, với hàng chục SP từ xơ mướp, anh Nhân thu được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng, giúp anh có động lực và vốn để tính đến chuyện xây dựng riêng cho mình một thương hiệu với những SP độc đáo, không “đụng hàng”.

Một ý tưởng khác cũng độc đáo không kém, đã được một nhóm người trẻ tại huyện Củ Chi, TP.HCM hiện thực hóa, đó là biến những SP “cây nhà lá vườn” có tác dụng giải nhiệt như rau má, chùm ngây, diếp cá… thành bột như bột trà xanh. Thứ bột này được dùng làm nước uống dinh dưỡng, bổ sung chất xơ, ngăn ngừa bệnh, dưỡng da, làm đẹp…

Lam giau bang nhung 'do bo di'
Ngày càng có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp được các bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp

Những bịch bột lá xanh mịn như bột trà xanh khi được hòa tan trong nước đá có hương vị hệt như những ly sinh tố rau má, diếp cá hay chùm ngây… khiến người dùng có cảm giác như đang uống một SP tươi chứ không phải là SP đã được xử lý, đóng gói.

Anh Đoàn Đức Sinh, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt cho biết, để có được những SP bột lá độc đáo này, nhóm khởi nghiệp của anh đã phải tự lập một vùng trồng cây nguyên liệu tại huyện Củ Chi, không sử dụng hóa chất hay phân bón hóa học.

Rau thu hoạch chỉ dùng phần lá nên tất cả các công đoạn sơ chế đều phải thao tác bằng tay. Sau khi làm sạch sẽ và sấy theo công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản rồi nghiền thành bột như bột matcha, lượng vi chất trong lá được lưu giữ tới hơn 90%.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có khá nhiều người trẻ dù có thể là kỹ sư công nghệ thông tin, viễn thông… đã chuyển sang chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Thị trường ngày càng có nhiều SP độc đáo từ những mô hình khởi nghiệp này, chẳng hạn nước bồ kết chiết xuất hay dưới dạng túi lọc dùng thay dầu gội đầu công nghiệp của Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Nhiên;  tinh dầu đuổi muỗi từ các loại cây cỏ quanh nhà của Công ty Điền Trúc…. 

Nên bán thứ thị trường cần

Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Dự án sáng tạo khởi nghiệp BSA cho hay, hiện có khá nhiều thanh niên nông thôn dù kiến thức về công nghệ còn hạn chế nhưng có đam mê khởi nghiệp bằng những SP đặc sản vùng miền của mình.

Lam giau bang nhung 'do bo di'

Mít sấy

 

Hầu hết trong số đó đều muốn phát triển SP theo hướng tự nhiên, gần gũi với môi trường. Nếu những người này được hỗ trợ bằng khoa học kỹ thuật và kết nối họ với các hoạt động thương mại, sẽ có rất nhiều thương hiệu mới ra đời với những SP sáng tạo độc đáo.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, nhiều người khởi nghiệp bằng đam mê nhưng họ chưa tư duy được cách thức để SP gắn với thị trường. Có SP có những khác biệt quan trọng nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định thành công, vì để có doanh thu, SP đó phải là thứ mà thị trường cần chứ không phải là thứ mình có.

Theo ông Viên, nhiều nông sản, thậm chí những thứ được xem là “đồ bỏ đi” ở Việt Nam nhưng lại có giá trị về dược liệu hay dinh dưỡng rất lớn đối với người tiêu dùng thế giới, nên người khởi nghiệp có thể tính tới chuyện xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế, sau đó mới phổ biến trong nước, sẽ khả quan hơn, một phẩn vì nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn còn tâm lý sính ngoại.

Một SP được thị trường thế giới chấp nhận khi trở lại thị trường Việt Nam sẽ có vị thế khác. “30 năm trước, khi Vinamit chế biến mít sấy, trong mắt nhiều người, đó giống như một việc làm ngớ ngẩn vì mít tươi người ta ăn còn không hết nữa là.

Lúc đó, chúng tôi chỉ mất tiền đi hái mít chứ không phải mua nguyên liệu, nhưng mít sấy xuất khẩu đi các nước lại rất được ưa chuộng, nhiều nước mở cửa cho mặt hàng, lúc đó SP quay lại bán tại thị trường trong nước và nhanh chóng trở thành SP phổ biến và giờ giá trị trái mít đã cao ngất ngưởng” - ông Viên chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nông sản, thực phẩm phong phú, đậm chất tự nhiên… nên tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho người trẻ trong lĩnh vực này.

Xu hướng tiêu dùng thế giới hiện chú trọng vào yếu tố tự nhiên, không hóa chất nên nếu được hỗ trợ và định hướng tốt, việc khởi nghiệp dựa vào nông sản sẽ có thể tạo ra nhiều thương hiệu có giá trị trong tương lai.

 Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI