Những "cổ cồn xanh"
Đối với Trần Thị Khánh Trang - người có bằng MBA của Đại học Bang Colorado, Mỹ, đi làm nông không hẳn là một lựa chọn nghề nghiệp hợp thời ở một đất nước nông nghiệp, nơi các bậc cha mẹ thường kỳ vọng con cái học đại học của họ sẽ kiếm được việc làm ở thành thị. Với Andreas Ismar, một nhà báo cáo tài chính 38 tuổi người Indonesia, từ bỏ thành phố để sống ở vùng quê là để thực hiện ước mơ của mình cũng là điều ít ai nghĩ đến.
Cả Trang và Andreas nằm trong làn sóng những nông dân trẻ, có học thức ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là một phần của phong trào “cổ cồn xanh” mới ra đời thông qua nông nghiệp và trồng trọt. Những doanh nhân như vậy ít nhất có thể là một phần của giải pháp để phục hồi các nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch gây ra, giúp tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong bối cảnh các công ty giảm sút vì COVID-19.
Hiện tại, nhiều quốc gia cũng đã tham gia vào lĩnh vực này. Singapore lên kế hoạch tạo ra 55.000 việc làm xanh trong 10 năm tới trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp, riêng Hàn Quốc đang có ngân sách 95 triệu USD cho các dự án xanh để giúp đưa nền kinh tế của nước này thoát khỏi tình trạng ảm đạm.
|
Trần Thị Khánh Trang đang thu hoạch rơm rạ - Ảnh: Sen Nguyễn |
Khánh Trang năm nay 34 tuổi, đã sáng lập FarGreen, một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp hữu cơ. Trang là người đầu tiên trong gia đình được học đại học, chưa nói đến việc ra nước ngoài du học. Đến từ một thị trấn nhỏ Hà Nam, Trang cho biết ý thức của cô đối với môi trường xung quanh và hạn chế rác thải xuất phát nhiều từ ảnh hưởng thời thơ ấu khi sống cạnh dòng sông ô nhiễm và chứng kiến cha mẹ cố gắng không bỏ thức ăn thừa.
Vào năm 2015, cô đã nghĩ ra cách sản xuất nông nghiệp dựa trên việc sử dụng rơm rạ - một trong những sản phẩm phụ của quá trình sản xuất lúa gạo thường được nông dân Việt Nam đốt bỏ sau vụ thu hoạch.
Trang thiết lập một mạng lưới nông dân địa phương, những người thu gom rơm rạ và sử dụng nó để trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm xong, phần phụ phẩm còn lại được dùng làm phân bón sinh học để bồi bổ đất trồng lúa và các loại cây, rau củ khác. Sản phẩm của họ đã được phục vụ tại các khách sạn và nhà hàng cao cấp, một thị trường mục tiêu thích hợp mà Trang mới khởi nghiệp.
Andreas thì đang cộng tác với hơn 600 nông dân địa phương xung quanh trang trại của riêng anh ở làng Sirnajaya, thuộc tỉnh Tây Java cho dự án khởi nghiệp của mình, Horekultura.
|
Andreas Ismar (trên cùng bên trái) cùng với hai người bạn ở Horekultura. Ảnh: Handout |
Anh bắt đầu dự án của mình cùng với 5 người bạn với nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặc dù công việc chính là viết lách nhưng Andreas đang mơ ước sẽ tập trung toàn thời gian vào trang trại của mình nếu công việc khởi nghiệp có lãi. Anh đặt mục tiêu sản xuất hành lá và bán cho những người bán hàng rong. Andreas đã trồng vụ đầu tiên vào tháng 5 trên mảnh đất thuê gần thành phố Bandung, cách thủ đô Jakarta khoảng 150 km về phía đông nam. Horekultura cũng đã trồng hoa hướng dương để lấy hạt bán cho các cửa hàng ăn uống và đồ ăn nhanh trong khu vực.
Andreas cũng muốn giúp nông dân địa phương nắm bắt các công nghệ như sử dụng vi sinh và cỏ địa phương để làm cho đất khỏe mạnh hơn, giúp cây trồng khỏe hơn cũng như giới thiệu máy móc mới cho nông dân
Andreas cũng điều hành một chương trình thực tập để thu hút thanh niên Indonesia tham gia vào ngành nông nghiệp và cung cấp giáo dục quản lý tài chính cho nông dân. Andreas cho biết anh có động lực theo đuổi Horekultura một phần đưa những người trẻ tuổi trở lại vùng đất quê.
|
Các sản phẩm được trồng tại Trang trại Little Spoon ở Bali. Ảnh: Handout |
Làm mới nông nghiệp
Kuntoro Boga Andri, giám đốc quan hệ công chúng và thông tin công khai tại Bộ Nông nghiệp Indonesia, cho biết ước tính có khoảng 32 triệu nông dân ở Indonesia, quốc gia có dân số khoảng 270 triệu người. Ông nói thêm rằng lĩnh vực này cùng với các ngành công nghiệp phái sinh và dịch vụ dự kiến sẽ đóng góp 30% đến 35% GDP của quốc gia trong năm nay.
Một doanh nhân trẻ khác là Nguyễn Thị Thu Hương, 27 tuổi, cũng gặp phải thách thức tương tự. Cô tiếp nối truyền thống của gia đình khi trở thành nông dân trồng cà phê vào năm 2018 và đã khuyến khích những người trẻ khác như mình trồng hạt cà phê không hóa chất tại quê hương của cô, xã Đăk Lao, Tây Nguyên. Khu vực này là nơi sản sinh ra giống cà phê đưa Việt Nam trở thành "đại gia cà phê" trên thế giới.
“Lớn lên, mọi người xung quanh tôi đều làm cà phê. Cha mẹ tôi là nông dân trồng cà phê trong 30 năm. Nhưng không ai thực sự hiểu nó là gì”, Hương, người đã có vài năm làm nhân viên pha chế tại các chuỗi cà phê lớn ở TPHCM khi đang đi học để trở thành hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ.
Hương chỉ thu hoạch những quả cà phê chín (nhiều nhà sản xuất cà phê trên thế giới sử dụng quả còn xanh hoặc chưa chín, khiến vị đắng hơn) sau đó đem phơi nắng thay vì dùng máy sấy cơ học - phương pháp được nhiều người sản xuất và kinh doanh trong vùng ưa chuộng. Sau đó, hạt được rửa sạch và lên men - cách làm này không quen thuộc với cha mẹ cô.
“Mô hình của tôi từ khi thu hoạch hạt cà phê đến thành phẩm lâu gấp ba lần so với những gì cha mẹ tôi từng làm nhưng là một quy trình mang lại sản lượng cà phê chất lượng cao hơn. Cha mẹ tôi không thích nó và nghĩ rằng quá trình này quá dài và sợ rằng sẽ không kiếm được tiền từ nó", cô nói.
Cha mẹ Hương cũng không tán thành kế hoạch rời thành phố để làm nông dân trồng cà phê như họ, vì cho rằng điều đó là “viển vông”.
Sau khi thuyết phục được bố mẹ, cô bắt đầu kinh doanh trên mảnh đất của gia đình và từ từ mở rộng sang các thửa đất của những người khác trong xã. Cô nói, mục tiêu của cô là sử dụng càng ít giải pháp công nghệ càng tốt, vì không phải nông dân nào trong cộng đồng cũng có thể mua được máy móc. Điều này giúp họ có thêm động lực để theo mô hình của cô.
Hiện, hạt cà phê của Hương đã được bán khắp tỉnh và ở ba thành phố lớn nhất Việt Nam - TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, mặc dù cô chưa có bất kỳ hợp đồng nào với các chuỗi cà phê lớn.
Mervin Chunyi Ang, một nhà khoa học và là doanh nghiệp nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts ở Singapore - nói rằng đã có một suy nghĩ chuyển hướng sang nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Á đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ việc ngành công nghiệp áp dụng các công nghệ mới.
“Những người nông dân trẻ đang nhận ra rằng các phương pháp canh tác truyền thống sẽ không còn là cách bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và dinh dưỡng cho dân số toàn cầu. Nông nghiệp công nghệ cao ngày nay cũng đã được chấp nhận như một lựa chọn nghề nghiệp khả thi, trong bối cảnh ngành công nghiệp đang phát triển", anh nói.
Audria Evelinn, nhà sáng lập 28 tuổi người Indonesia và là giám đốc trang trại Little Spoon ở Bali, lưu ý rằng xu hướng nông nghiệp đô thị ở Indonesia đã tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Cô cùng nhóm kinh doanh của mình đã tư vấn cho nhiều khách hàng về những thắc mắc liên quan đến cách trồng trang trại mini tại nhà.
|
Audria Evelinn tại trang trại của cô ở Bali . Ảnh: Handout |
Audria tốt nghiệp cử nhân nghiên cứu môi trường tại Đại học Seattle, Mỹ vào năm 2014, đã làm điều phối viên nghiên cứu tại một công ty khởi nghiệp nông nghiệp có trụ sở tại Seattle trước khi quay về nước vào năm 2015. Cô bắt đầu kinh doanh vào năm 2017, mặc dù gia đình không có truyền thống làm nông. Hiện cô đang thực hiện “canh tác tái sinh” tại nhà kính, nơi những người khác có thể tìm hiểu về cách trồng cây và có thể mua cây giống về trồng tại nhà với sự hỗ trợ của các nhân viên kỹ thuật.
Trang trại của Audria với tổng diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu trồng các loại hạt phổ biến như cà chua và đậu đang có nhu cầu cao từ các khách sạn ở Bali. Cho đến nay, cô đã sản xuất được khoảng năm tấn hàng hóa và kêu gọi thêm tám gia đình khác hợp tác trong năm nay.
Audria cho biết cô đã chi tới 140.000 USD để phát triển Trang trại Little Spoon, trong đó có khoảng 20.000 USD để thiết lập nhà kính trong nhà. Cô sử dụng 20 nhân viên và cũng chịu trách nhiệm quản lý các đối tác là nông dân địa phương.
Trong khi đó, Horekultura của Andreas cho đến nay đã được trồng khoảng 15 ha. Andreas dự đoán họ có thể tạo ra tổng thu nhập khoảng 900 triệu rupiah (khoảng 63.000 USD) mỗi vụ thu hoạch/với ba vụ thu hoạch một năm. Mỗi vụ thu hoạch dự kiến sẽ thu được 45 tấn.
Andreas cho biết anh và các đối tác của mình đã đầu tư tổng cộng 400 triệu rupiah vào Horekultura cho đến nay, với khoảng 80% chi phí được phân bổ cho vốn lưu động để mua giống, làm đất và bảo trì trang trại.
"Tôi sẽ nói với bạn bè của mình ở Jakarta rằng có một cuộc sống tốt hơn bên ngoài thành phố, tránh xa cuộc sống công sở, ô nhiễm và các cơ hội luôn bị hạn chế, đó là một cuộc sống ở miền quê. Có thể nói đây sẽ là xu hướng trong tương lai, bởi vì nhiều người sẽ cảm thấy mệt mỏi với sự phức tạp của các thành phố lớn", anh nói.
Thảo Nguyễn (theo SCMP)