Lâm Gia Khang: Thiết kế của tôi giúp phụ nữ tự tin hơn

16/12/2017 - 08:33

PNO - 'Tôi dành 80% cho thiết kế, 20% còn lại là điều phối công việc. Hành trình làm thương hiệu cho đúng cách vô cùng khó', Lâm Giang Khang nói.

Nghề may của gia đình, tới tôi là đời thứ tư và được nâng lên thành thiết kế thời trang. Tôi đi làm như thể không làm việc vì được sống, được kiếm tiền từ đam mê của mình. Một ngày của tôi kéo dài ít nhất 10 tiếng, kể cả chủ nhật nhưng hiếm khi tôi thấy mệt.

* Khang nhận ra mình mê thời trang từ lúc nào?

- Tôi là người may mắn vì không những được làm công việc mình yêu thích mà đấy còn là truyền thống gia đình. Mẹ tôi là thợ may, lúc nào cũng túi bụi ở xưởng. Thuở nhỏ, mỗi lần mẹ đón tôi đi mẫu giáo về là chở thẳng xuống xưởng, để tiện bề trông nom.

Dụng cụ may của mẹ dần trở thành đồ chơi của tôi. Thấy tôi thích thú mày mò làm thử đủ thứ, mẹ chỉ làm cái này cái kia, rồi tôi biết may lúc nào không hay. Tôi yêu nghề của mẹ vì đó là công việc bà kiếm tiền nuôi hai con. Thêm nữa, mỗi lần làm ra sản phẩm, trong lòng mình có niềm vui kỳ lạ lắm.

Hồi đó, tôi chỉ nghĩ lớn lên mình sẽ trở thành thợ may như ông, như mẹ, sau này mới biết đến từ “thiết kế thời trang”. Nhưng mẹ tôi không đồng ý vì nghề may cực lắm. Bà muốn con trai học đại học, không phải còng lưng đạp máy may. Tôi thì quyết tâm chứng minh cho mẹ thấy, tôi biết rõ con đường mình muốn đi.

Lam Gia Khang: Thiet ke cua toi giup phu nu tu tin hon
 

* Xem ra mẹ có ảnh hưởng lớn lao đến Khang?

- Với tôi, bà vừa là mẹ, vừa là cha. Lúc nào mẹ cũng sống vì gia đình, lo lắng cho người khác rồi mới tới bản thân. Mẹ luôn dạy tôi suy nghĩ tích cực, biết quan tâm, giúp đỡ người khác. Bà vừa là người truyền lửa, vừa là người giữ lửa, động viên mỗi lúc tôi xuống tinh thần. Mẹ vẫn thường bảo, những lúc như vậy, hãy nghĩ đến lý do vì sao mình bắt đầu. Hiện tại, mẹ còn là đồng nghiệp của tôi. Thời gian tôi dành cho gia đình không nhiều nhưng may mắn là được mẹ hỗ trợ, được đi làm, ăn cơm cùng mẹ. Niềm vui đó không gì sánh được.

* Mẹ có phải là lý do Khang bỏ việc tu nghiệp một năm tại Anh hay vì Khang thấy gì đó trong thị trường thời trang Việt Nam tại thời điểm ấy?

- Mẹ cũng có phần ảnh hưởng đến quyết định của mình. Bên cạnh đó, việc đi học giúp mình có nền tảng vững chắc, củng cố những điều mình đã cọ xát thực tế. Giống như trò chơi ghép hình, thời gian đi học giúp ta lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, hoàn thiện dần bức tranh. Tuy nhiên, nếu đi Anh một năm nữa, khi trở về sẽ có rất nhiều thứ mình phải làm quen lại từ đầu. Thêm nữa, thấy bạn bè giới thiệu BST đầu tay, tôi cũng thấy “ngứa tay ngứa chân” muốn làm một cái gì đó.

* Điểm rơi là…

- Thời điểm ấy Elle Fashion Show đang chuẩn bị diễn ra. Tôi biết chương trình đã chốt danh sách năm nhà thiết kế (NTK) được mời diễn nhưng vẫn nghĩ “sao mình không thử”. Vậy là tôi làm hồ sơ, chủ động giới thiệu mình với ban tổ chức. Sau khi trao đổi về chủ đề, họ cho tôi cơ hội. Tôi đã dồn hết tâm trí trong một tuần và mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. 

Tới lúc này tôi vẫn nghĩ đó là quyết định đúng đắn và may mắn, vì nó rơi đúng thời điểm. Mọi người cảm thấy Lâm Gia Khang là một cái tên mới, trẻ trung, phù hợp với thị hiếu lúc bấy giờ khi người yêu thời trang dần chuyển qua xu hướng mặc đơn giản hơn, chú trọng vào chất liệu, không cần điểm tô quá nhiều.

Lam Gia Khang: Thiet ke cua toi giup phu nu tu tin hon
 

* Rất ấn tượng. Nhưng rõ ràng, xây dựng một thương hiệu riêng phức tạp hơn nhiều so với trình diễn một BST. Nhất là trong môi trường còn khá nhiều thử thách như Việt Nam.

- Làm thời trang ở Việt Nam dễ mà khó. Do thị trường khá mới nên những gì mình làm dễ được đón nhận và chú ý. Cái khó là làm thế nào cho đúng cách. Thời trang ở nước ngoài đã trở thành một ngành công nghiệp, có quy trình, trong khi tại Việt Nam nếu muốn bắt đầu, bạn phải làm tất cả, từ dịch vụ, sale, kế hoạch xây dựng thương hiệu như thế nào, truyền thông, marketing ra sao... 

Những NTK mới khởi nghiệp cùng lúc phải làm rất nhiều việc, điều đó ảnh hưởng đến sức sáng tạo của họ, bởi cốt lõi, họ vẫn là nghệ sĩ tạo ra cái đẹp. Giai đoạn 2015-2016, tôi phải chia 50% cho thiết kế, 50% cho các công việc còn lại. Thật khủng khiếp nhưng cũng rất đáng nhớ. Bạn không cần quá giỏi nhưng phải biết mình cần gì, muốn gì rồi tiến hành cơ bản xem như thế nào. Sau khi mọi thứ bắt đầu chạy thì công việc tiếp theo là tìm người phụ mình.

Lam Gia Khang: Thiet ke cua toi giup phu nu tu tin hon
 

* Và hiện tại…

- Tôi dành 80% cho thiết kế, 20% còn lại là điều phối công việc. Hành trình làm thương hiệu cho đúng cách vô cùng khó. Không phải là trưng bày một thiết kế, khách hàng thấy thích thì đến đặt may. Nó cần chiến lược cho một năm, đồng nghĩa NTK phải có bốn BST trong túi cho hai mùa chính (Xuân - Hè và Thu - Đông) và hai mùa phụ. 

Bản thân Lâm Gia Khang càng phải làm đúng vì mục tiêu trong năm nay của chúng tôi không chỉ bán sản phẩm ở Việt Nam mà còn tiến ra thị trường nước ngoài ở các boutique, multi store. Năm vừa rồi, chúng tôi đã bán hết 100 thiết kế tại thị trường Hong Kong thông qua một cửa hàng chuyên về thời trang. Tôi rất vui vì thiết kế của mình được thị trường nước ngoài đón nhận.

* Còn một cái khó nữa là chất liệu. Chúng ta có nguồn chất liệu, vải vóc phong phú nhưng mối liên kết giữa NTK và những người làm sản xuất, dệt may lại khá lỏng lẻo…

- Đúng như chị nói, Việt Nam khá ít nguồn chất liệu ổn định. NTK có thể chọn vải ở chợ. Nguồn vải tốt nhưng gút mắc là nguồn vải đó nhập qua trung gian, còn dư được chừng 10, 20m thì mang ra bán lẻ. Để làm một BST, NTK cần mua một ít làm hàng mẫu, xem có phù hợp hay không, gia giảm chi tiết, họa tiết thế nào. Đến khi chốt hết thiết kế thì mới mua số lượng lớn để sản xuất. Nhưng, quá trình làm mẫu cho đến hoàn tất thiết kế khá tốn thời gian. Đến khi trở lại tìm đúng loại vải đó thì… đã hết hàng! Do vậy rất khó để chủ động.

Lam Gia Khang: Thiet ke cua toi giup phu nu tu tin hon
 

* Khang giải quyết bài toán này thế nào?

- Tôi dùng nguồn vải ở cả ba nơi là Nhật Bản, châu Âu và Việt Nam. Tại Việt Nam, nguồn vải này được đặt dệt riêng cho thương hiệu Lâm Gia Khang để đảm bảo sự ổn định, cũng như vải được dệt theo đúng yêu cầu của mình.

* Tôi nghĩ đây là mối liên kết cần phải có nếu muốn thúc đẩy thời trang Việt vào con đường công nghiệp. Lâm Gia Khang đã là một thương hiệu được nhiều tín đồ thời trang háo hức, mong chờ. Kế hoạch sắp tới của bạn?

- Hai năm qua tôi không chú ý mở rộng cửa hàng mà củng cố đường hướng, đội ngũ bên trong rõ ràng, chắc chắn hơn để khi phát triển lên nữa thì bộ máy đã sẵn sàng. Mục tiêu của tôi là cửa hàng hiện tại có không gian thoải mái hơn, trưng bày nhiều trang phục hơn. Đồng thời phát triển việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Vì bây giờ, những người có thu nhập cao không có thời gian đến cửa hàng trực tiếp nữa, do đó mình phải phát triển qua thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Song song đó, tôi cũng đang phát triển bộ nhận diện thương hiệu Lâm Gia Khang trên nút, dây kéo… để nâng cao giá trị của thiết kế.

* Cảm ơn Khang đã chia sẻ.

 Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI