Làm gì với xe tải 'thần chết'?

04/01/2019 - 06:07

PNO - Xe tải chở hàng - phương tiện vận chuyển nặng nề, cồng kềnh, được ví như “thần chết” trên các cung đường. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng “đỏ mắt” tìm kiếm giải pháp ngăn chặn tai nạn do xe tải.

Yếu tố con người xuyên suốt những thảm họa trở thành mấu chốt, là ngọn nguồn hướng đến một giải pháp trọn vẹn.

Lam gi voi xe tai 'than chet'?

Chính quyền Mumbai phải mạnh tay để giảm thiểu những tai nạn do xe tải gây ra

Không thể đổ lỗi cho tình trạng quá tải

Thành phố Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra, là thành phố đông dân nhất Ấn Độ, cơ sở hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều nút thắt chưa thể gỡ rối. Cách mà chính quyền Mumbai điều tiết mật độ xe tải chở hàng là những lệnh cấm gắt gao. Theo tờ Mumbai Mirror, từ năm ngoái, mọi phương tiện giao thông hạng nặng đã bị cấm di chuyển trong khu vực dài 27km dẫn vào cao tốc Western Express.

Tháng 9/2018, các xe tải nhỏ cũng bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm ở khu vực này, nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn khủng khiếp. Đại diện chính quyền Mumbai cho biết: “Chở hàng là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp, nhưng nó hủy hoại sự phát triển bền vững của môi trường sống. Khi phải lựa chọn, chúng tôi phải chọn lợi ích cộng đồng”.

Tờ Nation của Thái Lan, tháng 10/2017, đăng thông tin: tất cả 88 trạm cảnh sát ở Bangkok sẽ mạnh tay hơn với việc cấm các loại xe tải lưu thông trong khung giờ cao điểm. Theo đó, xe tải 6 bánh bị cấm lưu thông vào nội đô Bangkok từ 6-9g và từ 16-20g hằng ngày; xe 10 bánh trở lên bị cấm lưu thông từ 6-10g và 15-21g. Cảnh sát Bangkok cũng đưa ra cảnh báo: nếu các tài xế không chấp hành sẽ bị cấm lưu thông trên một số tuyến đường chính, bất kể thời gian.

Quy định “giờ giới nghiêm” dành cho xe tải ở các nước dựa vào nguyên tắc giảm thiểu tắc nghẽn, rủi ro trong khung giờ cao điểm cũng đang được áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù chúng ta có luật, người dân vẫn ám ảnh khi ra đường, tham gia giao thông cùng với “thần chết”. Nhiều tuyến đường ngay khu vực trung tâm quận 1, quận 3 ở TP.HCM vẫn có cảnh hàng dài xe tải chở hàng loại lớn ngang nhiên lưu thông, kể cả trong khung giờ cao điểm. Một trong những nguyên nhân để “lọt lưới” những chiếc xe tải hàng chục tấn lao như bay giữa các tuyến đường chật chội, đông đúc được cho là vì quá tải, cảnh sát không thể bắt xuể những vụ vi phạm.

Lý do này thực ra cũng không hiếm gặp ở các nước và cảnh sát thành phố Agra (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) đã có cách khắc phục. Cảnh sát Agra ước tính, mỗi ngày có khoảng 500.000 vụ vi phạm luật giao thông, nhưng chỉ khoảng 300.000 chịu phạt. Cảnh sát sẽ sử dụng hệ thống chụp ảnh có độ phân giải cao xác định biển số xe và thông qua ứng dụng kết nối với cơ quan quản lý đăng ký xe để truy ra chủ xe. Chủ xe có thời hạn một tháng để nộp phạt hoặc sẽ phải ra hầu tòa. Việc quản lý chặt phương tiện giúp việc “phạt nguội” đạt hiệu quả.

Trách nhiệm với sự sống, cái chết

Kênh NewsAsia từng phỏng vấn ông Daniel Chew - chuyên gia tư vấn của Hiệp hội Vận chuyển Singapore, vào tháng 8/2018. Trong đó, ông Daniel Chew thừa nhận: dù là quốc gia phát triển, ở Singapore, vấn nạn tài xế xe tải quá áp lực với công việc vẫn khiến cơ quan quản lý đau đầu. Tài xế chạy đường dài nhiều giờ liền không hề được nghỉ ngơi trọn vẹn. Giờ xuống ca, họ phải làm những công việc lặt vặt không tên và khi quay lại với tay lái, họ luôn trong tình trạng rã rời.

Trung bình, một tài xế xe tải đường dài ở Singapore làm việc từ 8g đến 17g, nhưng đó chỉ là khung giờ trên giấy tờ. Vì mưu sinh, cánh tài xế sẵn sàng làm thêm 5-6 tiếng mỗi ngày. Trong khi đó, với các chủ doanh nghiệp, việc phải chạy đua để có những chuyến hàng sớm là điều không thể tránh khỏi, tạo thành sức ép lên tất cả. Theo ông Daniel Chew, vì sức khỏe không được bảo đảm, những khoảnh khắc lơ đễnh của tài xế càng dễ xuất hiện và tai họa luôn chực chờ. Hậu quả là người đi đường luôn thấp thỏm lo âu, không biết tai nạn có thể đến lúc nào.

Tài xế gây tai nạn kinh hoàng ở tỉnh Long An trong đêm 2/1, được xác định dương tính với heroin và có nồng độ cồn cao trong máu. Thông tin chi tiết hơn hiện vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên, với kết quả xét nghiệm trên, nhiều người đã rùng mình khi biết có nhiều tài xế chở hàng đang phê thuốc, say mèm sau tay lái, nhưng họ vẫn phải tham gia giao thông.

Lam gi voi xe tai 'than chet'?

Tài xế Jamie Don McKenzie lái xe trong tình trạng say rượu, gây ra cái chết cho 6 người vô tội

Tháng 10/2018, tài xế xe tải Jamie Don McKenzie (bang Utah, Mỹ) gây tai nạn, khiến 6 người chết. Theo Washington Post, cảnh sát phát hiện ở hiện trường chai rượu mở sẵn và Jamie đã vừa lái xe vừa uống rượu. Jamie nghiện rượu nhiều năm nay, nhưng vẫn được thuê chạy xe chở hàng. Tháng 7/2009, cảnh sát Sun Weiming (30 tuổi) đã uống rượu say rồi lái xe, đâm chết 4 người. Vụ án gây rúng động dư luận Trung Quốc. Sun Weiming bị kết án tử hình. Đây là lần đầu Trung Quốc tuyên án tử hình với tội say xỉn, lái xe gây chết người.

Luật cấm lái xe sau và trong lúc uống rượu có ở hầu hết các quốc gia, nhưng thực thi thế nào lại là chuyện khác. Ở Thụy Sĩ, quốc gia thuộc nhóm phát triển, ý thức người dân khá cao, những quy định và chế tài đối với hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn càng nghiêm ngặt. Nếu bị cảnh sát phát hiện lái xe sau khi uống rượu, người vi phạm sẽ bị đưa đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra chính xác nồng độ cồn và bị buộc phải thanh toán tất cả chi phí đi lại, kiểm tra.

Người vi phạm sẽ bị tước bằng lái xe trong 2 năm, bị phạt tiền rất nặng, bị cấm uống rượu 6 tháng. Chưa hết, mỗi tháng, người vi phạm đó phải đến cơ sở y tế để thực hiện những xét nghiệm cần thiết nhằm kiểm tra liệu có chấp hành đúng lệnh cấm uống rượu hay không. Ngoài những hình phạt và chế tài nêu trên, chính quyền Thụy Sĩ còn buộc đối tượng vi phạm phải xem xét lại bản thân mình, phải học lại nội dung “trách nhiệm công dân” và phải 2 năm sau vi phạm đó, đối tượng mới được dự thi để lấy lại bằng lái. Đương nhiên, kỳ thi này không hề dễ dàng như những người lần đầu lấy bằng lái, vì đây là kỳ thi cho những người nằm trong “danh sách đặc biệt”, cần được “chăm sóc” kỹ.

Ý thức là quan trọng

Giáo dục ý thức không nên chỉ qua những bài học khô khan mà nên là những bài học sống động, đủ để những người liên quan thấy việc tuân thủ luật là trách nhiệm của chính họ. Năm 2000, Ủy ban châu Âu (EC), phối hợp cùng nhiều cơ quan ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã hoàn thành cẩm nang Hướng dẫn thái độ, ý thức của tài xế châu Âu khi tham gia lưu thông. Nội dung cẩm nang gồm các phần chính: thái độ ứng xử với các tình huống khi tham gia lưu thông, giới hạn tốc độ, uống rượu trong hoặc ngay trước khi lái xe, đề cập cụ thể những tình huống, rủi ro có thể xảy ra ở từng quốc gia thuộc EU. Tất cả các công ty vận tải đều được tập huấn và được yêu cầu phổ biến, khuyến khích tài xế chấp hành. Khi có bất cứ vụ tai nạn nào xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ việc tài xế không thực hiện đúng theo hướng dẫn trong cẩm nang, công ty quản lý tài xế sẽ bị xem xét, nhắc nhở.

Ý thức không thể có trong một sớm một chiều mà phải xuất phát từ nền tảng giáo dục của mỗi người. Không phải đợi đến lúc chuẩn bị thi lấy bằng lái xe mới học luật giao thông. Đó chính là triết lý của Trung tâm Young Driver, với đối tượng học viên từ 10-17 tuổi. Young Driver được đánh giá là chương trình giáo dục ý thức khi tham gia lưu thông cho đối tượng người trẻ hữu hiệu nhất ở Anh. Ở đây, các em được lái những chiếc ô tô điện, tập ứng phó với các tình huống không chỉ thách thức kỹ năng mà còn thách thức ý thức chọn đúng hay làm sai khi có tình huống bất lợi xuất hiện.

Quản lý Mark Beaumont của nhóm huấn luyện viên ở Trung tâm Young Driver cho biết: “Trẻ con luôn háo hức khi học, thực hành những điều mới mẻ. Nếu ngay ở điểm khởi đầu được học những điều đúng, các em sẽ có sẵn thói quen phản ứng đúng theo luật mà chẳng cần phải răn đe gì cả”. Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông, với Young Driver, chính là giáo dục ý thức tự bảo vệ mình và ý thức trách nhiệm với hành động của mình, không được phép gây tổn hại cho bất cứ ai. 

Thiên Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI