Làm gì khi trẻ nằm vạ?

05/04/2016 - 07:00

PNO - Ném đồ, đánh đá, cắn nhéo…là những chiêu trò trẻ thường áp dụng để vòi vĩnh, đòi hỏi hay tạo chú ý. Đâu là giải pháp tích cực khi trẻ nằm vạ?

Mẹ chiều, cha đánh

Vào siêu thị, bé Nhi (hai tuổi rưỡi) chạy lăng xăng giữa các kệ hàng, hết lấy xúc xích, sữa rồi mì gói, kem đánh răng... Mẹ bảo thôi, bé vẫn tiếp tục. Cha trả hàng vào vị trí cũ thì bé liền lấy lại. Giằng nhau làm đổ tung tóe, cuối cùng, cha mẹ chào thua, cứ để mặc con. Bé Nhi gom quá nhiều hàng nên khi tính tiền, cha mẹ bé bỏ lại bớt. Bé gào khóc, đấm đá túi bụi. Chú bảo vệ đến dọa nạt, bé nín nhưng đến cửa siêu thị lại lăn ra nằm vạ vì đòi đem... chiếc xe đẩy của siêu thị về nhà. Mẹ bé Nhi nói, bé khá ngoan nhưng hay trở chứng những lúc ra ngoài hoặc khi nhà có khách. Chắc bé biết vào những thời điểm ấy ba mẹ bận bịu hoặc ngại làm “lớn chuyện” nên bé đòi gì cũng dễ dàng được chấp thuận.

Mỗi sáng, bé Su được mẹ đánh thức, chuẩn bị đến trường mầm non là cả nhà không ai ngủ yên được. Bé khóc, giãy nảy trên giường rồi nằm lì không dậy đánh răng, rửa mặt, thay quần áo. Mẹ kéo bé, bé còn giận dữ đánh vào tay, nắm tóc mẹ. Những khi thấy bé chống cự, bà nội lại bảo: “Nếu cháu mệt quá, không đi học được thì cứ để cháu ở nhà một ngày”. Nhưng Su ở nhà không ai trông và hôm sau lại càng khó gọi đi học hơn. Mẹ dỗ bé nín khóc, chịu đi học, sẽ cho kẹo. Cha bực mình với lối chiều con cháu thái quá của bà và mẹ, đánh phét vào mông Su, bế thốc lên xe, chở đi.

Lam gi khi tre nam va?
Ảnh minh họa: Internet

Chiêu ăn vạ thường xuất hiện ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba (từ 18 tháng đến bốn tuổi, tùy mỗi bé). Đấy là tín hiệu tích cực, đánh dấu bước ngoặt phát triển khi “cái tôi bé tí” được định hình. Trẻ thích tự làm mọi thứ theo ý mình, thích tự khám phá, thích phản ứng ngược, có xu hướng tìm kiếm sự chấp nhận của người khác. Ở trẻ đã xuất hiện suy nghĩ, ý muốn nhưng chưa đủ ngôn ngữ, kỹ năng để diễn đạt cho người khác hiểu. Vả lại, trẻ chưa quản lý cảm xúc tốt nên có những hành vi không mong đợi.

Vốn nhạy bén với tình thế, nhận thấy có người “bảo kê”, trẻ sẽ giở trò ngay. Trẻ đi học, được quản lý bằng những quy tắc cùng sự nghiêm nghị của cô giáo, nên không có cơ hội để ăn vạ. Ở nhà, người lớn vô tình củng cố, duy trì hành vi tiêu cực của trẻ. Như ở hai câu chuyện trên, sự thiếu thống nhất giữa các thành viên, sự thiếu nhất quán của cùng một người tạo kẽ hở để trẻ tranh thủ mè nheo. Người mẹ dùng kẹo dụ dỗ khi bé khóc khiến bé hiểu rằng chỉ cần khóc sẽ được cho kẹo. Hành vi bạo lực của người cha đưa lại hệ quả trái ý muốn: trẻ sẽ quậy để “được” la mắng, “được” đánh vì như thế hẳn người lớn đặc biệt chú ý tới mình. Nguy hiểm hơn, trẻ rút ra một “nguyên lý” rằng, đánh là cách giải quyết mọi vấn đề.

Cương quyết và yêu thương

Trẻ dưới ba tuổi chưa có khái niệm “nhân quả” nên không liên kết được các hình thức trừng phạt của người lớn với hành vi lỗi của mình. Dù bị phạt, trẻ vẫn sẽ không tự giác sửa đổi.

Phụ huynh không đợi đến lúc trẻ có hành vi tiêu cực mới xử lý. Chơi với con hàng ngày là cơ hội để phụ huynh hướng dẫn con cách ứng xử. Đề nghị con dừng một hành vi, phải song song định hướng cho con một hành vi khác thay thế. Ví dụ: “Con ném cái điện thoại thì nó sẽ bị hư, sẽ không xài được. Con để điện thoại trên bàn rồi sang đây chơi bán đồ hàng, đá banh với mẹ nè!”. Phụ huynh cho con biết giới hạn: điều được phép làm và không được phép làm. Đưa ra một số quy định phù hợp với trẻ và nhắc nhở trẻ đảm bảo.

Ví dụ: chỉ cho phép trẻ uống hai lon nước ngọt mỗi tuần, nếu giữa tuần mà trẻ đã uống hai lon thì cha mẹ nên thông báo để trẻ nhịn thèm đến tuần sau. Phụ huynh thống nhất với nhau và cương quyết với những nguyên tắc của mình dựa trên tình yêu thương. Khi hành vi ăn vạ xảy ra, phụ huynh bình tĩnh, tìm hiểu nguyên do, đồng thời xem xét động cơ ăn vạ của con thuộc về nhu cầu (nếu không đáp ứng có thể nguy hại) hay đòi hỏi (không nhất thiết phải đáp ứng). Ngay cả với nhu cầu chính đáng, trẻ cũng phải tập nói ra để cha mẹ hiểu chứ không nằm lăn, gào khóc. Nếu phụ huynh không chấp nhận đòi hỏi của trẻ, cũng phải giải thích rõ lý do. Trẻ vẫn nằm vạ thì phụ huynh có thể áp dụng nhiều cách, trong đó cách phớt lờ là dễ thực hiện và khá hiệu quả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI