Làm gì khi trẻ ghét người khác giới?

15/12/2015 - 09:37

PNO - Cháu có thái độ căm ghét, thù hận tất cả con gái trong lớp và phụ nữ ngoài đời. Khi phát biểu về phái nữ, cháu thường có thái độ ghê sợ...

Năm học lớp 8, con trai tôi “phải lòng” cô bạn gái cùng lớp. Cô bé rất xinh, tóc dài, má lúm đồng tiền. Đã tìm hiểu và biết trước những thay đổi tâm sinh lý, những rung động đầu đời lãng mạn nhưng cũng rất ngây thơ và trong sáng của tuổi mới lớn, tôi bình tĩnh lắng nghe mọi câu chuyện con kể về cô bạn gái với những lời ca ngợi rất hồn nhiên.

Chính vì thế, con trai kể cho tôi nghe hết mọi diễn biến của tình cảm mình dành cho cô bé. Từ những món quà vặt, chuyện ngày ngày còng lưng mang cặp sách từ tầng ba của trường ra bãi giữ xe cho đến lần đầu tiên được cô bé cho nắm tay trong đêm đốt lửa trại truyền thống của trường.

Lam gi khi tre ghet nguoi khac gioi?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi nhắc nhở con không được xao lãng chuyện học hành nhưng vẫn giữ thái độ bình thản và lắng nghe để con tin tưởng mình. Tôi còn dò hỏi thông tin về cô bé từ cô giáo chủ nhiệm và cảm thấy không được an tâm lắm khi biết rằng dù còn nhỏ nhưng Yến (tên cô bé) khá ham chơi, thích se sua đua đòi ăn diện, gia đình cô bé không mấy mẫu mực… Cô bé nhuộm tóc, sơn móng và thường xuyên bị nhà trường nhắc nhở về nội quy.

Tuy vậy, tôi cũng cố gắng bình tĩnh để khéo léo góp ý cho con tự nhìn thấy mọi điều. Con trai tôi là một cậu bé khá yếu đuối, lãng mạn và ủy mị. Chính vì thế, cháu bị cuốn hút bởi một cô bé có tính cách khá nổi loạn và phóng khoáng.

Từ ngày con trai quen cô bé, tôi thấy cháu tiêu tiền nhiều hơn. Lúc trước tôi cho cháu 200.000đ một tuần, cháu tiêu không hết, còn để dành. Nhưng từ ngày thích cô bé này, cháu thường xin tiền tôi, nói là đói bụng giữa giờ cần ăn thêm dưới căng tin. Thực ra tôi biết cháu hay mua đồ ăn cho bạn gái và cả nhóm bạn của cô bé.

Thế nhưng vài tháng sau, tình cảm của con trai tôi với cô bé biến thành hận thù. Vì con trai tôi phát hiện cô bé kết bạn và chơi thân với một cậu bé lớp khác và bỏ rơi mình. Lý do cô bé đưa ra công khai với mọi người là cậu bé kia giàu hơn, có nhiều tiền bao ăn uống và mua quà cáp cho cô bé hơn. Cô bé chê con trai tôi thẳng thừng và không giấu diếm thái độ coi thường, chế nhạo…

Con trai tôi bị sốc nặng sau chuyện này. Nó trở nên lầm lì, ít nói, cáu gắt và gần như trầm cảm. Điều đáng ngại là cháu có thái độ căm ghét, thù hận tất cả con gái trong lớp và phụ nữ ngoài đời. Khi phát biểu về phái nữ, cháu thường có thái độ rất ghê sợ và nói cả đời tránh xa phụ nữ (ngoại trừ mẹ).

Dù tôi cố gắng thuyết phục cháu rằng cô bé đó là trường hợp ngoại lệ, rằng có nhiều cô gái khác không như vậy, rằng mẹ, bà, em gái là phụ nữ… cháu vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình và còn luôn đi tìm bằng chứng chứng minh phụ nữ là xấu xa.

Tình trạng này của cháu đã kéo dài hơn hai năm làm tôi hết sức lo ngại. Tôi sợ cháu sẽ giữ cái nhìn này đến lúc trưởng thành, làm cháu khó hòa đồng với cuộc sống, có những ý nghĩ và cách sống lệch lạc.

Chị Trần Thị Nga (Q.3, TP.HCM)

Giúp con đối diện với sự thật

Tôi đọc từng chữ trong bức thư chị đã tin tưởng gửi tới. Chị quả thực là người mẹ rất tuyệt. Một số điều xin chia sẻ cùng chị nhé.

Thứ nhất, đúng như chị đã lo lắng, nếu để tình trạng này kéo dài có thể con trai chị sẽ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc. Nếu được, chị cho cháu đến một trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý để cháu có thể đối diện trực tiếp với vấn đề mình gặp phải. Có thể tại thời điểm này cháu đã nhận ra những vấn đề ấy nhưng để thừa nhận, sống chung và vượt qua những thương tổn thì không thể ngày một ngày hai. Cháu cần cả một quá trình.

Thứ hai, về phía chị, hãy như một người bạn, người đồng hành của cháu. Giai đoạn này cháu đã trưởng thành hơn nhưng vẫn rất cần mẹ làm bạn, cùng nhau vượt qua khó khăn. Chị hãy tích cực nói chuyện cùng cháu, lắng nghe những điều cháu muốn chia sẻ để “mưa dầm thấm sâu” giúp cháu cảm thấy an tâm. Không nhất thiết quá căng thẳng, không nhất thiết cố gắng ép cháu phải chấp nhận thay đổi… Tất cả sẽ được lưu ý, nhẹ nhàng và dài lâu…

Thứ ba, giai đoạn này cháu có những bạn thân “chí cốt”, chị có thể tìm hiểu để nhờ sự trợ giúp hữu ích. Khi cháu nói chuyện cùng bạn bè, cháu bộc lộ suy nghĩ của mình, và bạn bè có thể tác động đến suy nghĩ của cháu. Giúp cháu từ từ thay đổi qua bạn bè cũng là cách để cháu có thể cân bằng hơn. Nhưng chị cũng thật thận trọng và đừng để cháu nghĩ rằng mọi thứ do mẹ bài binh bố trận…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI