Những đứa trẻ sẵn sàng… phát tán cơn thịnh nộ
Ngôi nhà trong con hẻm nhỏ đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM của chị Lê Phương Th. luôn đóng kín cửa mỗi khi cậu bé N.T.K. (6 tuổi) đi học về. Xung quanh nhà là ao hồ sông nước nên chị hay thót tim vì các trò nghịch ngợm của con.
Kể cả tránh được không rơi xuống sông, con trai chị cũng có thể té vì trèo lên cây cao. Chị Th. bất lực khi gọi con tránh xa những trò nguy hiểm. Dỗ ngọt là cách duy nhất vì đòn roi càng khiến cậu bé trở nên hung dữ, đôi mắt long lên, khuôn mặt nhăn nhó.
|
Chị Phương Th. luôn phải chạy theo con vì bé quá tinh nghịch |
Chưa hết, chỉ mới nhập học vài tuần, nhà trường đã gọi phụ huynh lên thông báo: K. đánh bạn, chạy nhảy la hét. Đôi mắt người mẹ hiện rõ nỗi bất lực. Chỉ duy nhất cho dùng điện thoại để chơi game, cậu bé K. mới chịu ngồi yên. Nhưng đã cho mượn điện thoại, ít ai dám lấy lại vì thường làm khởi phát cơn hung dữ của K. Tình hình căng thẳng khi cậu bé chụp cắn bàn tay cô giáo khi cô vứt kẹo của em vào thùng rác. Rồi có lần, trong cơn kích động, bé K. dùng kéo “xớn” đầu tóc của mình.
Chị Th. đi làm mà lòng thấp thỏm vì không biết cô giáo sẽ “alô” cho mình lúc nào. Chỉ sau khi gặp bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chị mới biết con bị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder - ADHD), một rối loạn phát triển tâm thần kinh mạn tính.
Triệu chứng ADHD còn khiến chị N.T.M., Q.10, TP.HCM, lòng dạ rối bời nhiều năm qua. Con trai chị đã phải uống thuốc ròng rã bốn năm, từ khi học lớp Ba. Con lên lớp Tám, chị mừng rơi nước mắt khi con trai tập trung tự học, không phải thuê gia sư dạy kèm. Căn bệnh này khiến con trai chị M. không thể tập trung học tập.
Cả nhà phải hứa hẹn mua trà sữa, mua snack, đồ chơi thì cậu bé mới chịu lật vài trang vở. Nhà trường cũng không dám nhận phụ đạo vì cậu bé liên tục quậy phá các bạn. Mỗi khi tức giận, cậu bé lại trợn mắt, dùng tay đập vào đầu hoặc đấm vào tường.
Phá vỡ lớp băng ngộ nhận
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhận định: “Trước đây, khi thấy trẻ có những biểu hiện tăng động, giảm chú ý, phụ huynh nghĩ trẻ hư, hiếu động, không hiểu rằng đó là bệnh lý cần điều trị. Hiện nay, có phương pháp điều trị và thuốc hiệu quả. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời”.
Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ví von chứng ADHD là sự khiếm khuyết bị che lấp. Nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám đã mô tả hai cụm từ rất đặc trưng với trẻ bị chứng ADHD, đó là: con “nghịch như quỷ” và “học không nhớ”.
Phía sau hành vi này được các nhà khoa học xác định có liên quan đến tình trạng mất cân bằng các chất trong não như dopamine làm giảm tập trung; norepinephrine ảnh hưởng cảm xúc… Sự mất cân bằng hóa chất này có thể do di truyền từ cha mẹ sang con; có thể do tổn thương hệ thần kinh trung ương sau khi trẻ bị bệnh viêm não, u não, động kinh hoặc chấn thương đầu; có thể do biến chứng khi sinh con…
Đây là căn bệnh mạn tính, khởi phát từ thời thơ ấu, kéo dài đến tuổi vị thành niên, cả khi trưởng thành. Tuy vậy, vì nhiều lý do như thiếu thông tin và cả do quá thương con, nhiều phụ huynh luôn tìm cách phủ nhận chứng bệnh này. Điều này khiến trẻ bị thiệt thòi khi không được điều trị sớm. Có những trường hợp sau khi được điều trị, trẻ có những thay đổi khiến cha mẹ ngạc nhiên vì có thành tích học tập xuất sắc. Lý do vì chỉ số thông minh không liên quan đến trẻ ADHD.
Đừng để những đứa trẻ trở thành hư tuyệt đối Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ: “Thật ra, không có trẻ nào ngoan tuyệt đối, cũng không có trẻ nào hư tuyệt đối. Tôi từng điều trị cho một trẻ bị ADHD và sau đó em cải thiện rất tốt, về học tập, hòa nhập và bớt hành vi gây rối. Việc không phát hiện sớm trẻ bị ADHD sẽ khiến trẻ gặp rất nhiều thiệt thòi: cảm xúc bị tổn thương, khả năng học tập bị hạn chế, không thể hòa nhập xã hội. Có thể những hành vi gây rối xã hội ở người trưởng thành và hiện tượng bạo lực học đường biết đâu có nguyên nhân từ chứng ADHD đã không được phát hiện điều trị kịp thời”. Ước tính tại Việt Nam có 5% dân số, tức có hơn 1,1 triệu trẻ có thể mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhưng bác sĩ Đinh Thạc đặt câu hỏi: “Bao nhiêu trẻ trong số này được chẩn đoán, bao nhiêu trẻ được điều trị?”. Phụ huynh ở các tỉnh xa hoàn toàn không biết gì về chứng bệnh này nên đã không can thiệp để giúp con mình. Bác sĩ Đinh Thạc đưa ra tỷ lệ: TP.HCM có 6,5% trẻ em mắc chứng ADHD; Hà Nội 3,1%. Độ tuổi mắc chứng ADHD tại Việt Nam chủ yếu từ 8-11. Lý giải về độ tuổi này, bác sĩ Đinh Thạc cho biết, thời điểm môi trường sống bị thay đổi như khi trẻ vào lớp Một sẽ làm cho tâm lý trẻ căng thẳng, dễ bùng phát các triệu chứng bệnh. Trẻ nam mắc chứng ADHD gấp ba lần trẻ nữ. Trong khi trẻ nam chủ yếu bị tăng động; trẻ nữ bị giảm chú ý, lo âu, trầm cảm. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám khi quan sát một số triệu chứng của trẻ kéo dài ít nhất sáu tháng. Triệu chứng giảm chú ý: khó tập trung, thường không lắng nghe, không quan tâm đến chi tiết, không nghe lời chỉ dẫn, vô tổ chức, thường mất một số đồ vật quan trọng; hay quên đồ vật. Triệu chứng tăng động: luôn cử động như bị động cơ điều khiển; không thể ngồi yên; nói quá nhiều; thường chạy nhảy leo trèo; không thể chơi một cách yên tĩnh. Triệu chứng xung động: chạy ra đường mà không quan sát, thường ngắt lời, vội trả lời khi câu hỏi chưa chấm dứt, không thể chờ đến lượt, thường hành động và nói mà không suy nghĩ. Cần can thiệp sớm từ khi trẻ ba tuổi. Ba địa chỉ phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám ADHD: Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, Khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Phương pháp điều trị kết hợp giữa tâm lý và dùng thuốc. |
Hiếu Nguyễn