Làm gì khi con bị bắt nạt ở trường?

23/11/2018 - 08:00

PNO - Đặc điểm chung trẻ bị bắt nạt vì sợ sệt, thường giấu nhẹm, không dám nói với cha mẹ hay thầy cô. Cha mẹ không nên lơ là, phải thường xuyên quan sát, trò chuyện với con mỗi ngày nhằm phát hiện kịp thời con bị bắt nạt.

Con tôi vừa chuyển qua trường mới được hai tuần thì xảy ra chuyện. Đi học về con kể: “Mẹ ơi, bạn An biết con sợ dơ nên bạn cho ngón tay vào miệng mút, rồi gí ngón tay đầy nước bọt trước mặt con. Bạn càng gí vào mặt, con càng lùi dần cho đến khi chạm vào tường không lùi được nữa, bạn cười ha ha rồi bỏ đi mẹ ạ”. 

Việc đầu tiên tôi làm là nói cho con biết con đang bị bắt nạt và bạn bắt nạt sẽ còn tiếp tục điều này, do đó con cần báo ngay với thầy chủ nhiệm. Ngay lập tức, tôi viết email cho thầy và cũng đọc cho con nghe. Tôi muốn cho con biết con không đơn độc.

Lam gi khi con bi bat nat o truong?
Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con nhằm kịp thời phát hiện con bị bắt nạt. Ảnh minh họa.

Hôm sau, con đi học, chiều tôi nhận được thư trả lời của thầy. Trong thư, thầy kể đã cho con đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý của trường. Thầy cũng gọi điện thoại cho phụ huynh của bạn bắt nạt và yêu cầu cả bạn bắt nạt đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý. Thầy muốn gặp tôi để trao đổi thêm. 

Khi tôi đến, thầy bảo đã kết hợp với gia đình để uốn nắn em bắt nạt và thầy còn nói chuyện với cả lớp về vấn đề bắt nạt trong trường học. Tuy nhiên, thầy thừa nhận không thể lúc nào cũng có mặt thường xuyên với con tôi để ngăn chặn hành vi này. 

Thầy nói: “Giữa việc tác động vào người khác buộc người đó thay đổi và buộc mình phải thay đổi để thích ứng với môi trường mới, thầy sẽ chọn cách thứ hai”. Thầy yêu cầu tôi trang bị cho con một số cách thức để đương đầu với kẻ bắt nạt:

- Không đi một mình tới những nơi mà những kẻ bắt nạt hay tụ tập; chọn đến những nơi có người lớn và đông học sinh.

- Rèn luyện một số cử chỉ, điệu bộ nhằm trở nên tự tin hơn như nhìn thẳng vào mắt của mọi người khi nói chuyện.

- Luyện tập một số câu nói với kẻ bắt nạt mình. Hãy nói những câu sau bằng một giọng cứng rắn, rõ ràng khi kẻ bắt nạt có hành vi quấy rối mình: “Không được làm vậy!”, “đủ rồi!”, “ngưng ngay lại!”… Hãy cùng con thực tập những câu nói này ở nhà như tập kịch. 

- Vùng bỏ chạy về phía người lớn và yêu cầu được hỗ trợ nếu kẻ bắt nạt vẫn không ngưng hành vi quấy rối. 

Để ngăn chặn hiện tượng ăn hiếp, bắt nạt trong trường học, thầy cô, nhà trường, cha mẹ và bản thân đứa trẻ bị bắt nạt phải cùng hành động. Nhà trường phải nuôi dưỡng văn hóa đoàn kết, tôn trọng sự khác biệt (kẻ bắt nạt thường lựa chọn nạn nhân là những học sinh mới, chưa kịp có bạn hoặc những bạn có điểm khác biệt). 

Giáo viên phải được huấn luyện để nhận biết các dấu hiệu bắt nạt và cách thức phản ứng với các hành vi bắt nạt nhằm giúp đỡ học sinh của mình.

Có đặc điểm chung là trẻ bị bắt nạt vì sợ sệt nên thường giấu nhẹm, không dám nói với cha mẹ hay thầy cô. Vì vậy, cha mẹ không nên lơ là mà phải thường xuyên quan sát, trò chuyện với con mỗi ngày nhằm phát hiện kịp thời nếu con bị bắt nạt. Làm việc với nhà trường, thầy cô nhằm ngăn chặn hành vi bắt nạt. Trên hết vẫn là mỗi học sinh phải được trang bị kỹ năng chống bắt nạt. 

Thụy Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI