Làm gì khi cần cấp cứu nhưng không gọi được tổng đài 115?

30/07/2021 - 06:43

PNO - Ngoài những bệnh viện đã chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19, cơ sở y tế vẫn tiếp nhận cấp cứu người mắc bệnh lý thông thường.

Để đảm bảo tất cả người bệnh đều được cấp cứu kịp thời, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối người bệnh đến cấp cứu trong mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh khi lên cơn khó thở, mệt mỏi… vẫn phải chịu đựng, bởi gọi vào Tổng đài 115 hay các số đường dây nóng của cơ sở y tế đều bị “dội ngược” hoặc chờ quá lâu…

Các cơ sở y tế tại TPHCM cho hay, ngoài những bệnh viện đã chuyển đổi công năng để điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện, trung tâm y tế vẫn bố trí nhân sự, thiết bị, phòng cấp cứu để tiếp nhận cấp cứu người mắc bệnh lý thông thường. 

Không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê  Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 cũ, TP. Thủ Đức), cho biết khi bệnh nhân đến cấp cứu sẽ được test nhanh COVID-19, nếu kết quả dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR và tiến hành sơ cấp cứu tại phòng áp lực âm. Khi bệnh nhân ổn định sẽ được chuyển đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, ê-kíp bác sĩ được phép cấp cứu bệnh nhân như một ca mắc COVID-19; đưa khẩn người bệnh vào khu vực cấp cứu dành cho người mắc COVID-19, bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ… Bác sĩ vừa cấp cứu vừa thực hiện test nhanh COVID-19 cho bệnh nhân; tiếp tục có những xử trí hợp lý sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân qua nguy kịch. Hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.

Bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất TPHCM nói thêm, cấp cứu là trường hợp khẩn cấp, liên quan trực tiếp đến mạng sống của con người, không có chuyện bệnh viện đòi giấy xét nghiệm âm tính rồi mới cấp cứu cho bệnh nhân. Tại bệnh viện có khu vực “đệm”, các bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp, khu vực “đệm” có lối đi riêng, bác sĩ mặc đồ bảo hộ, nghiệp vụ chuyên môn tốt và được rà soát cẩn thận không để COVID-19 “theo” người cần cấp cứu vào bệnh viện.

“Khi tiếp nhận ca cấp cứu, bệnh nhân và người nhà phải đi qua khu vực “đệm” để thực hiện test nhanh COVID-19 và RT-PCR. Nếu kết quả cả hai đều âm tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu vực cấp cứu để điều trị hoặc nhập viện nội trú theo đúng quy định. Nếu kết quả dương tính, bệnh viện sẽ cấp cứu theo quy trình một ca mắc COVID-19; khi tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh viện sẽ liên hệ chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị COVID-19 điều trị tiếp”, vị này nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, trung tâm cấp cứu không chỉ xử trí, tiếp nhận vận chuyển người mắc COVID-19, mà với tất cả người có bệnh lý khác cần cấp cứu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tổng đài 115 thực sự quá tải khi chỉ có tám line cuộc gọi, xe cấp cứu cũng hạn chế. Trung tâm đang tích cực giải quyết đồng bộ từ tổng đài, phương tiện vận chuyển cấp cứu và cơ sở điều trị.

Từ 18g ngày 28/7, Tổng đài 115 được chuyển đến Công ty Phần mềm Quang Trung và nâng cấp lên 40 line cuộc gọi. Tuy nhiên, nhân sự thuần thục của tổng đài chỉ có 20 người, vừa phải vận hành vừa tập huấn cho tình nguyện viên mới các tình huống xử trí và điều phối cấp cứu. Trên thực tiễn, số line cuộc gọi chỉ có 16 - 18 line. Bác sĩ Nguyễn Duy Long hy vọng thời gian tới, khi tình nguyện viên nhuần nhuyễn việc tiếp nhập cuộc gọi thì tổng đài sẽ hoạt động trơn tru hơn.

Để khắc phục tình trạng thiếu xe cứu thương, Sở Y tế TPHCM cũng có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành taxi y tế gồm có tài xế, nhân viên theo xe, thiết bị y tế cần thiết để phục vụ cấp cứu. Nhân viên lái xe cũng cần được tập huấn kỹ về công tác phòng, chống dịch nên tạm thời chỉ mới có 25 xe taxi vận hành, sắp tới sẽ là 50 xe. Mỗi xe taxi phục vụ cho khu cách ly tập trung và chuyển người có bệnh lý thông thường cần cấp cứu ở quận, huyện.

“Chúng tôi đang tích cực tập huấn, trang bị để nâng số lượng xe lên 200 chiếc, cần phải thực hiện kỹ lưỡng bởi ngoài nhiệm vụ cấp cứu nhanh chóng cho bệnh nhân vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch nghiêm ngặt”, bác sĩ Nguyễn Duy Long nói thêm. 

Quyết tâm đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân

Theo Sở Y tế TPHCM, người dân khi có nhu cầu cấp cứu gọi điện thoại vào Tổng đài 115, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận và điều tiết tổ phản ứng nhanh đến nơi sơ cứu, đưa người bệnh vào bệnh viện phù hợp hoặc gọi đến các đường dây nóng của bệnh viện để được hướng dẫn xử trí ban đầu và đưa đến bệnh viện trong trường hợp cần thiết.

Đối với người dân ở khu phong tỏa có vấn đề sức khỏe như: khám thai, chạy thận nhân tạo, hóa trị, xạ trị… hãy gọi đường dây nóng của cơ sở y tế để y, bác sĩ hỗ trợ thăm khám, sơ cứu. Trường hợp khẩn cấp, bệnh tiến triển nặng, Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu để trung tâm điều phối sơ cứu hoặc đưa đến bệnh viện.

TPHCM đang tăng cường 100 xe cấp cứu chuyên dụng đến khu dân cư TP HCM đang tăng cường 100 xe cấp cứu chuyên dụng đến khu dân cư để chuyển các ca F0
TPHCM đang tăng cường 100 xe cấp cứu chuyên dụng đến khu dân cư để chuyển các ca F0

Trong trường hợp người dân tại khu vực nguy cơ, cách ly y tế do dịch COVID-19 cần được khám bệnh, cơ sở y tế địa phương phải cử bác sĩ đến khám, chữa bệnh. Nếu người bệnh có triệu chứng sốt, ho, đau họng… phải báo cho trung tâm y tế đến lấy mẫu xét nghiệm.

Các bệnh viện phải đảm bảo trực theo bốn cấp gồm: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Đảm bảo đường dây nóng hoạt động 24/24 sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trái tuyến, bác sĩ khám trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh được rõ trước khi chuyển đi bệnh viện khác. Thường trực cấp cứu ngoại viện sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp Sở Y tế huy động.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện nếu tạm ngưng hoạt động do phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 cũng phải duy trì hoạt động của khoa cấp cứu, đảm bảo 24/7, không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch cần can thiệp hồi sức cấp cứu... Trường hợp bệnh viện bị phong tỏa, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết. 

Nên chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp như hiện nay, việc vừa cấp cứu bệnh nhân COVID-19 vừa cấp cứu bệnh nhân thông thường tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ cấp cứu, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân ở một số tình huống nhất định, mong người dân chia sẻ với ngành y tế.

Nếu gặp phải tình huống này, gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất như trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện bằng phương tiện vận chuyển của gia đình. Ở các cơ sở y tế này vẫn có bác sĩ khám bệnh, cấp cứu. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng sẽ có tổ phản ứng nhanh, hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp. Các cơ sở y tế vẫn phải đảm bảo chăm sóc điều trị cho người dân mắc các bệnh lý khác. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân.

Sẽ thành lập bốn trạm cấp cứu vệ tinh

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng 200 xe cấp cứu, riêng hệ thống y tế công lập có 85 xe. Quyết tâm đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân, thành phố cũng chỉ đạo ngành y tế thành lập bốn trạm cấp cứu vệ tinh khu vực, đặt tại H.Bình Chánh, Q.Bình Tân, Q.12 và TP.Thủ Đức, tăng cường đội xe cấp cứu 115, nhân sự và trang thiết bị y tế kèm theo, dự kiến tăng thêm 100 xe trong thời gian tới. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI