Làm gì khi bị quấy rối tình dục nơi công cộng?

01/04/2022 - 06:33

PNO - Thay vì sợ hãi và im lặng, đã có nhiều nạn nhân dám mạnh mẽ chống đối và lên tiếng.

 

Khi bị quấy rối, nạn nhân cần giữ thái độ cứng rắn và dứt khoát nhất định
Khi bị quấy rối, nạn nhân cần giữ thái độ cứng rắn và dứt khoát nhất định

Phải tự cứu mình

Sống ở TPHCM gần hai năm, N.T.H.N. - sinh viên Trường đại học Nông Lâm TPHCM - không nghĩ có ngày, mình lại trở thành nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Kẻ biến thái đã chọn ngồi cạnh N. dù xe buýt số 8 còn rất nhiều chỗ trống. Nghĩ đó là thói quen ngồi gần cửa xe để tiện đi lên, đi xuống nên N. không mấy để tâm, nhưng khi xe đi được một đoạn, N. bắt đầu nhận thấy dấu hiệu bất thường.

Cô kể: “Mình cảm thấy váy của mình giống như bị cuốn lên nhưng nghĩ là do xe dằn xóc nên cũng bỏ qua. Đến khi kẻ đó ngồi sát vào mình, cánh tay trái luồn qua áo và chạm vào cơ thể mình, mình mới nhận thức rõ vấn đề. Lúc đó, mình thật sự hoang mang, không biết nên đánh hay im lặng; đánh thì sợ nguy hiểm vì không chắc hắn có mang theo hung khí hay không, nhưng im lặng cũng không được. Cuối cùng, mình đã lấy ba-lô đặt ở giữa rồi ngồi sát về phía cửa sổ và sau đó xuống xe”. 

Khác với N., tài khoản Facebook Trình Cam khiến nhiều người bất ngờ vì sự quyết liệt. Sau khi nhận thấy cảm giác ấm ấm ở vùng đùi, N. quay sang kiểm tra thì thấy thanh niên ngồi cạnh giật mình. “Chuyện gì tới cũng tới, mình đánh luôn” - cô viết. Không chỉ nắm áo, kéo đứt dây đeo thẻ sinh viên, cô còn lớn tiếng chống lại những lời nói khiếm nhã với đại ý rằng cô ăn mặc không kín đáo nên hắn mới làm vậy. Sự gay gắt của cô khiến hắn phải van xin bỏ qua vì sợ bị đuổi học.

Nghiêm trọng hơn hai trường hợp trên, nữ sinh viên N.T.M.T. (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) vẫn không khỏi ám ảnh mỗi lần đi ngang nơi mình từng bị quấy rối. Cô kể: “Lúc đó khoảng 17g30, mình phải băng ngang Xa lộ Hà Nội ở chân cầu Sài Gòn để bắt xe buýt 150 về TP.Thủ Đức. Đi được một đoạn ngắn, mình bị va chạm với xe máy nhưng may mắn là không sao nên tiếp tục đi đến con lươn có nhiều cây thì bị một người từ sau nhào tới, hai tay siết chặt vào ngực và bứt đứt áo lót. Hắn kéo lê mình một đoạn rồi vật mình xuống đất bất chấp mình vùng vẫy, kêu la, kính cận cũng bể nát. Thân hình hắn rất to nên mình không làm gì được”.

Hai bên giằng co chừng 7 - 8 phút trong tiếng kêu thất thanh của T. nhưng không một ai dừng xe giải cứu cho cô. Cuối cùng, cô biết mình phải tự cứu mình nên đã dùng hết sức bứt ra khỏi người đàn ông rồi băng qua đường với đôi mắt không còn nhìn rõ. Kẻ biến thái vẫn đuổi theo cho đến khi T. sang được bên kia đường và có người dừng lại hỗ trợ.

Vượt qua ám ảnh tâm lý

Tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho rằng, thái độ quyết định hành vi. Rất nhiều người không dám lên tiếng hay chống lại hành vi quấy rối, nhưng càng tỏ ra rụt rè thì kẻ quấy rối sẽ càng bạo dạn. 

Theo bà, khi bị quấy rối, nạn nhân cần giữ thái độ cứng rắn và dứt khoát nhất định. Hãy quan sát cẩn thận, nếu không gian xung quanh đủ rộng và đối phương không quá nguy hiểm thì hãy phòng vệ bằng cách gạt tay, tát vào mặt, đá vào những nơi dễ làm đau nhất hoặc nhanh chóng rời khỏi vị trí và nhờ sự can thiệp của những người xung quanh để ngăn chặn kẻ biến thái tiếp tục tiếp cận. 

Không thể trình báo cơ quan chức năng do không có bằng chứng nên nữ sinh M.T. đã chọn cách chia sẻ với những người xung quanh. T. không chỉ đăng tải lên trang Facebook cá nhân mà còn mạnh dạn đứng trước lớp kể câu chuyện của mình, qua đó nhắc nhở mọi người hãy luôn trang bị sẵn sàng kỹ năng lẫn tinh thần để đối diện với mọi tình huống bất ngờ. 

“Mình đã khóc nức nở tối hôm đó. Mình không hiểu vì sao lại là mình, sao không ai giúp đỡ mình và phải mất hơn một tuần, mình mới ổn định tâm lý. Mình thấy mọi người thường tạo ra các câu lạc bộ trang bị kỹ năng chống lại kẻ biến thái nhưng lại bỏ quên cách thức chữa lành vết thương tinh thần” - M.T. bộc bạch. Cô cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc tương tự, xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân có hành vi biến thái. 

Theo bà Phạm Thị Thúy, những chấn thương tâm lý ở những người khác nhau là hoàn toàn khác nhau. Với trường hợp bị ám ảnh quá lớn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của người xung quanh, có thể là người thân, bạn bè hoặc những người có chuyên môn về tâm lý để tránh tiêu hao năng lượng một cách lãng phí. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI