Làm gì để phim Việt có thương hiệu?

05/12/2015 - 07:55

PNO - Phim ảnh là công cụ hữu hiệu giúp quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia, nhưng đang có không ít rào cản để thực hiện điều này...

Nổi trội là việc nhận diện thương hiệu phim Việt còn yếu và cơ chế quản lý chưa hoàn thiện. Thực tế này được chỉ ra ở hai cuộc hội thảo ngày 2/12 và 3/12, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) VN lần thứ 19 - 2015 tại TP. HCM.

Số lượng phim Việt sản xuất ngày càng tăng, năm nay có đến 40 phim ra lò, so với mỗi năm chừng chục phim như trước đây. Tốc độ phát triển của nền điện ảnh được thể hiện qua con số, nhưng thực tế phim Việt vẫn chưa được đánh giá cao ở thị trường nội địa và không có dấu ấn nào đáng kể ở thị trường nước ngoài.

Lam gi de phim Viet co thuong hieu?
Cảnh quay trong phim Con ma nhà họ Vương

Những bộ phim hài mang tiếng cười hời hợt, những phim ma hù dọa ngô nghê được sản xuất cấp tập, ra rạp tràn lan trong sự hả hê của các nhà sản xuất vì dễ thu hồi vốn. Nhưng chúng đã góp phần... hạ thấp vị thế phim Việt trong mắt khán giả. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh VN ngao ngán:

“Thế giới biết phim VN không thể qua những phim hài hay kinh dị mà phải là những tác phẩm có câu chuyện thuần Việt, cách làm mới mẻ, độc đáo, hướng đến cái chung, cái đẹp. Để phim VN có thương hiệu, phải đạt hai yêu cầu: đoạt giải tại các LHP quốc tế có uy tín, bán được ra nước ngoài”.

Lam gi de phim Viet co thuong hieu?
Với sự ra đời ồ ạt của những phim ma, hài nhảm như Con ma nhà họ Vương, Hợp đồng bắt ma, Hy sinh đời trai hay Sơn đẹp trai, phim Việt rất khó tạo dựng được thương hiệu

Thực tế, chưa có phim Việt nào do đạo diễn VN thực hiện được vinh danh ở một hạng mục giải thưởng chính thức nào của các LHP lớn trên thế giới. Việc bán phim ra nước ngoài thì rất nhỏ giọt, hơn 10 năm qua chỉ có khoảng 40-50 phim Việt được các nước mua.

Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó chủ tịch Công ty BHD, đơn vị tiên phong xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài cho biết: “Những phim thành công về doanh thu ở VN thường là phim hài nhưng thể loại hài rất khó bán bởi văn hóa mỗi nước khác nhau. Phim võ thuật dễ bán hơn, như Lửa Phật bán được hơn 200.000 USD, cao nhất đối với một phim Việt, nhưng dòng phim này chi phí đầu tư cao, khó thu hồi vốn ở trong nước nên ít người dám làm”.

Biên kịch Đinh Thiên Phúc bức xúc trước thực trạng “mỏ vàng” phim lịch sử bị các nhà làm phim bỏ qua, trong khi với sự độc đáo lẫn bề dày của lịch sử VN, phim Việt hoàn toàn có thể tạo ra những câu chuyện mang bản sắc để ghi dấu ấn trên thế giới. Ông dẫn chứng: hơn 50% phim được Mỹ bình chọn là những tác phẩm hay nhất mọi thời là phim lịch sử.

Với Trung Quốc, Hàn Quốc phim lịch sử cũng là “vũ khí hạng nặng”, được sản xuất với tiêu chí “đánh lớn thắng lớn” như Đại chiến Xích Bích thu 250 triệu USD, Đại thủy chiến thu trên 100 triệu USD. “Đề tài lịch sử có thể pha trộn thành nhiều thể loại: chiến tranh, tình cảm, kinh dị đều được. Các nhà làm phim VN chỉ cần chú ý khắc họa số phận nhân vật lịch sử chứ đừng đua đòi làm những phim lịch sử kiểu “bom tấn” như Hollywood”, ông Phúc nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI