Làm gì để ổn định tâm lý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT?

14/06/2024 - 06:22

PNO - Chỉ còn gần 2 tuần nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Làm cách nào để các em chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho kỳ thi? Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - về vấn đề này.

Bác sĩ Đinh Thạc đang tư vấn tâm lý cho một trường hợp bị stress cấp tính do áp lực thi cử - Ảnh do bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Đinh Thạc đang tư vấn tâm lý cho một trường hợp bị stress cấp tính do áp lực thi cử - Ảnh do bác sĩ cung cấp

* Phóng viên: Vừa qua, nhiều thí sinh đã nhận được kết quả thi đánh giá năng lực để xét vào đại học chưa tốt. Khá nhiều em lo lắng vì điểm thi không như kỳ vọng. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Xin bác sĩ chỉ dẫn phương pháp để giúp các em nhanh chóng lấy lại bình tĩnh khi bước vào kỳ thi quan trọng.

- Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc: Trước tiên, các em và gia đình cần hiểu rằng những gì qua rồi sẽ không thể thay đổi được nữa. Thay vì tiếc nuối, tự trách thì hãy nhanh chóng dành tâm trí, sức lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi dù điểm thi đánh giá năng lực có cao mà trượt tốt nghiệp thì cũng trở nên vô nghĩa.

Hiểu được điều này, các em sẽ nhanh chóng xác định lại mục tiêu phải làm lúc này là gì và thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Các em cảm thấy lo lắng quá, không biết cần ôn những gì, thì hãy nhờ thầy cô tư vấn, hệ thống lại trọng tâm. Cha mẹ có thể hỗ trợ bằng cách mời gia sư, thầy cô kèm cặp cho con, giải đáp các bài tập khó, giúp con không hoang mang.

Một phương pháp giúp giảm stress hữu hiệu là khi học bài thấy khó vào, khó ghi nhớ, hãy đứng dậy đi một vòng hoặc nhắm mắt lại, thở sâu, nghe một đoạn nhạc yêu thích để não bộ được thư giãn, sau đó sẽ tiếp thu và ghi nhớ tốt hơn. Đa số các em thường học bài rất khuya, có khi tới 1 - 2g sáng.

Khoa học đã chứng minh thức khuya khiến não bộ căng thẳng và giảm sự ghi nhớ. Do đó, thay vì học khuya thì ta hãy đổi ngược lại. Các em hãy đi ngủ sớm và thức dậy lúc 5 - 6g sáng để học bài. Vào sáng sớm, tinh thần và đầu óc ở trạng thái tỉnh táo nhất, học bài dễ tiếp thu và ghi nhớ nhất. Ăn, ngủ điều độ và tập thể dục sẽ giúp máu tuần hoàn lên não tốt hơn. Khi ta vận động, cơ thể sẽ giải phóng năng lượng, giải tỏa được stress.

* Tác động từ gia đình ảnh hưởng không ít tới tâm lý của thí sinh. Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho phụ huynh để con có tâm trạng tốt nhất cho kỳ thi?

- Có những hành động, lời nói của phụ huynh xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng cho con, thế nhưng vì không khéo léo nên lại phản tác dụng. Chẳng hạn, mới đây có một chị phụ huynh thấy con nhận được kết quả thi đánh giá năng lực không như ý, sợ con buồn chị đã trấn an con rằng không đậu đại học công lập thì cha mẹ sẽ cho học trường tư.

Tưởng rằng nói vậy giảm áp lực cho con nhưng người mẹ ngạc nhiên thấy con nổi cáu, gắt gỏng, phản ứng dữ dội. Cậu bé cho rằng mẹ coi thường năng lực của mình, nghĩ mình sẽ không đủ sức đậu vào trường công lập tốp đầu mà chỉ có thể học trường tư. Đó là một ví dụ về cách động viên con không khéo léo, vô tình lại làm trẻ thêm tổn thương.

Thời nay, trẻ em học hành vô cùng áp lực, cạnh tranh rất khốc liệt. Cha mẹ hãy đồng hành bên con nhưng vừa đủ chứ đừng quá vồn vã, quá sốt ruột.

Chẳng hạn khi con đi thi về, cha mẹ thường hỏi “con có làm bài được không”. Lỡ con làm bài không tốt thì các em sẽ vô cùng khó xử, áp lực. Đôi khi quan tâm là chỉ cần ở cạnh bên quan sát, dõi theo, chăm lo cho con miếng ăn giấc ngủ chứ không cần nói quá nhiều.

Nếu thấy con bất ổn thì hãy chủ động gợi ý với con rằng mình sẽ luôn lắng nghe, hỗ trợ khi con cần. Quy kết, đổ lỗi, so sánh con với con người khác là điều tối kỵ.

* Thưa bác sĩ, có nhiều em trước kỳ thi là bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày hoặc mắc tiểu liên tục. Có em lại nhức đầu, quên hết những kiến thức đã ôn… Vậy các em cần làm gì để khắc phục tình trạng trên?

- Tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng quá mức nên ta cần vượt qua chướng ngại về tâm lý để giảm tải áp lực tinh thần thì sẽ khắc phục được, như tôi mới nói về các phương pháp giúp bình ổn tâm lý ở trên. Bên cạnh đó, tôi lưu ý cả học sinh lẫn phụ huynh rằng dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho thể lực và trí não của con người.

Do đó, trẻ cần ăn đủ bữa, tránh vì mải học bỏ bữa, dễ dẫn tới đau dạ dày cũng như làm thể trạng suy kiệt. Những em hay bị rối loạn tiêu hóa nên tránh các thức ăn gây kích thích tiêu hóa, chướng bụng, đầy hơi. Quan trọng nhất là phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm sạch, tuyệt đối không ăn đồ ăn bảo quản lâu. Trước mỗi buổi thi, các em không nên uống nước quá nhiều để tránh mắc tiểu gây ảnh hưởng tới tâm trạng lúc làm bài.

* Bác sĩ đã điều trị, tư vấn tâm lý cho nhiều thí sinh. Xin bác sĩ kể một trường hợp điển hình và đánh giá chung về tình trạng rối loạn tâm lý do áp lực thi cử ngày nay?

- Tôi tiếp nhận một bé gái tên là P.C.V., quê ở tỉnh Tiền Giang. Mẹ của em là bác sĩ nên muốn con thi vào đại học y khoa để nối nghiệp mình. Chính vì mục tiêu này, V. đã phải học rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn nước rút khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang tới gần.

Mới đây, tôi nhận được điện thoại của người mẹ, ngỏ ý muốn đưa con gái tới khám tâm lý. Chị chia sẻ rằng con gái gần như đêm không ngủ, trở nên thiếu hoạt bát, biếng ăn, ngại tiếp xúc. Hễ chị hỏi thăm là bị con nổi cáu, gắt gỏng. Khi tiếp nhận em, tôi xác định đây là trường hợp bị rối loạn căng thẳng cấp tính. Em đã được trò chuyện để giải tỏa áp lực.

Tôi cũng gặp riêng mẹ em để khuyên chị hãy điều chỉnh lại cách quan tâm của mình với con, giảm gánh nặng tinh thần cho bé. Rất may mắn, em đã ổn định được tâm trạng sau vài ngày trị liệu, chưa cần dùng thuốc.

Ước tính có 70 - 80% thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý trước các kỳ thi. Trong số đó, 10 - 15% cần được can thiệp điều trị mới có thể vượt qua được.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Thanh Huyền (thực hiện)

Học sinh cần ăn uống đủ chất trước và trong kỳ thi

Khi học sinh chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, gia đình đừng đánh giá thấp sức mạnh của “nhiên liệu” mà các em nạp vào. Đã có nhiều học sinh bỏ bữa sáng vào ngày thi hoặc ăn đồ ăn nhiều đường khiến các em cảm thấy hưng phấn nhanh chóng nhưng sau đó mệt mỏi vì hụt năng lượng.

Ngoài sự quan trọng của bữa sáng trong ngày thi, các nghiên cứu cho thấy những gì cơ thể hấp thụ trong 12 giờ trước kỳ thi cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Vì vậy, các thí sinh nên ăn uống đầy đủ vào ngày hôm trước.

Ăn uống hợp lý trước kỳ thi và trong ngày thi sẽ giúp học sinh điều chỉnh khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao hiệu suất tổng thể. Những thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng ổn định (nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp) bao gồm các sản phẩm từ đậu nành, đậu hạt, bánh mì ngũ cốc, cà chua, bắp cải, nấm, cà rốt… là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho bộ não làm việc, đồng thời cung cấp vi chất thiết yếu như kẽm, sắt và vitamin B12.

Chuối, yến mạch, sữa chua, thịt gà và hạnh nhân có chứa một loại a xít amin là tryptophan. Đây là tiền thân của serotonin, một chất hóa học trong não giúp chúng ta cảm thấy bình tĩnh và hạnh phúc. Bên cạnh đó, omega-3 là loại chất béo tuyệt vời để chuẩn bị cho não bộ trước kỳ thi. Các thực phẩm giàu omega-3 là các loại cá có dầu như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá trích.

Nước là yếu tố rất cần thiết để các tế bào não giao tiếp. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm chậm tốc độ xử lý thông tin của não. Uống đủ nước không chỉ giúp học sinh cảm thấy tỉnh táo mà còn có thể làm giảm sự lo lắng trong kỳ thi. Cuối cùng là những giấc ngủ ngon sẽ giúp cải thiện khả năng thích ứng của não, hỗ trợ các em học, thi tốt hơn. Thiếu ngủ sẽ khiến việc ôn tập trở nên khó khăn, ảnh hưởng xấu đến kết quả thi.

Ngọc Hạ (theo Irish News, Scoreatthetop.com, My Tutor)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI