PNO - Em tôi, L.H.V. 43 tuổi, đã hết lãnh trợ cấp thất nghiệp sau bao nhiêu tháng ở nhà vừa tránh dịch vừa phụ giúp gia đình chăm sóc, thu hoạch vườn cây trái. Giờ là lúc phải quyết định làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay vẫn giữ và tiếp tục tìm việc làm ở những nơi có đóng BHXH.
Thông thường người lao động làm việc cho các doanh nghiệp Nhà nước ít khi bị mất việc. Vì vậy, lương hưu dù ít hay nhiều đều chắc chắn sẽ có. Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, tình trạng mất việc diễn ra thường xuyên.
Người lao động càng lớn tuổi mỗi khi mất việc càng khó xin việc mới. Các thông báo tuyển dụng lao động thường thấy doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông đến 35 tuổi hoặc 45 tuổi đối với một số vị trí đòi hỏi chuyên môn cao hơn. Từ đó, việc người lao động trên 40 tuổi như em tôi đắn đo trước mắt sẽ kiếm sống bằng cách nào rất đáng thông cảm.
Nhiều người phải đưa ra quyết định làm thủ tục rút BHXH một lần hay vẫn giữ và tiếp tục tìm việc làm ở những nơi có đóng BHXH
Thử nghĩ, nếu em tiếp tục làm việc chẳng may lại bị mất việc. Khi ấy tuổi đã lớn không xin được việc làm mới, nhưng lại chưa đến tuổi lãnh lương hưu, và do đã có thời gian đóng BHXH hơn 20 năm nên cũng không được rút BHXH một lần. Em phải làm gì để sống khi không có đồng vốn trong tay. Ngược lại nếu em tôi rút BHXH một lần lúc này thì sau khi rút nếu tiếp tục đóng BHXH, khi đến tuổi về hưu vẫn không đủ thời gian để hưởng lương hưu.
Biết hoàn cảnh của em, tôi hiểu vì sao những ngày gần đây đài, báo nói nhiều về hiện tượng rất nhiều người lao động làm thủ tục nhận BHXH 1 lần. Hiện tượng đó dấy lên lo ngại sẽ có nhiều người không có lương hưu khi hết tuổi lao động. Tất nhiên, với truyền thống đùm bọc lẫn nhau, rồi sẽ có người thân hỗ trợ, giúp đỡ. Hoặc đến lúc nào đó kinh tế nước ta phát triển, có điều kiện, Nhà nước sẽ chăm lo phúc lợi xã hội cho những người không có thu nhập đủ sống. Nhưng, ngay bây giờ nếu có chính sách BHXH linh hoạt có thể những người như em tôi có nhiều khả năng được lãnh lương hưu hơn để nhẹ gánh mưu sinh ở tuổi xế chiều.
Có thể nêu ra một số phương án, như đối với trường hợp đã rút BHXH một lần khi đến tuổi hưu có thể cho hoàn nhập số tiền đã lãnh với tỷ lệ suy giảm nào đó (như là lãi vay, tỷ lệ với thời gian từ khi rút ra đến khi hoàn nhập). Cũng có thể ngân hàng chính sách tổ chức cho vay (thế chấp bằng quyền rút BHXH một lần) với hạn mức cho vay bằng hoặc ít hơn số tiền có thể được hưởng khi rút BHXH một lần.
Ngoài ra, cơ quan BHXH có thể xây dựng bộ phận quảng bá và tổ chức cho những người lao động làm thuê tại những cơ sở nhỏ, thường không đóng BHXH, để người lao động ở đó dễ dàng đóng hay tiếp tục đóng BHXH hơn. Khi đó sẽ có nhiều người được hưởng lương hưu hơn khi đến tuổi về hưu.
Giúp người lao động có nhiều cơ hội được lãnh lương hưu cũng là giúp xã hội ổn định hơn.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.