Làm gì để người dân tiếp cận được nhà ở với giá hợp lý?

21/11/2023 - 17:54

PNO - “Giá nhà hiện đã vượt ngoài khả năng tài chính của người dân, nếu có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm, khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà” – ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TPHCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%) gồm 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%), trong đó phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn (chiếm 66,37%), phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng không có thêm nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, từ năm 2020 đến nay, nhà ở cao cấp luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70-80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại là nhà ở trung cấp và hầu như không còn nhà ở bình dân dẫn đến tình trạng rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội là loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân.

Bên cạnh đó, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn “neo cao” vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, bởi lẽ căn hộ bình dân có giá 2-3 tỉ đồng thì người có thu nhập trung bình thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà, mà nếu không thay đổi chính sách nhà ở xã hội thì người nộp thuế thu nhập cá nhân “bậc 1” (hiện nay quy định dưới 60 triệu đồng/năm) cũng không được mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở thương mại giá bình dân và “nghịch lý” là quá hiếm loại nhà ở thương mại giá bình dân.

Đặc biệt, từ 2021, căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m² đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường TP.HCM.
Từ năm 2021, căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m² đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường TPHCM.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 10 năm qua, giá bất động sản đã tăng hàng chục lần. Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.

Theo Bộ Xây dựng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Như vậy, với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, theo ước tính của VARS, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu “ra ở riêng” của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình.

Trong bối cảnh gia tăng dân số và đô thị hóa hiện nay, để tăng khả năng tiếp cận nhà ở an toàn với giá hợp lý cho người dân, ông Đính cho rằng thị trường bất động sản cần giải quyết được vấn đề tăng giá - thiếu nguồn cung, do đất đai chưa được sử dụng tối ưu và chưa có công cụ điều tiết cung cầu. 

Do đó, Chính phủ cần sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tiết nguồn cung bằng cách bố trí quỹ đất phát triển nhà ở ngay khi lập quy hoạch.  Cần xóa quy hoạch “treo”, xây dựng hành lang pháp lý riêng cho việc mua bán đất đai trong những khu đã quy hoạch. 

Bên cạnh đó, cầu đầu cơ càng lớn, càng nằm ngoài kiểm soát, giá bất động sản càng tăng cao và biến động với biên độ lớn, làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Do đó, cần nghiên cứu phương án áp dụng mức thuế phù hợp với tài sản lũy kế theo số lượng, quy mô bất động sản sở hữu để làm giảm động lực đầu cơ. Có các chính sách tín dụng làm hạn chế việc đầu cơ như áp dụng lãi suất cao hơn khi mua bất động sản thứ 2, thứ 3...

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI