Làm gì để người dân bớt mê vàng?

12/06/2024 - 10:35

PNO - Mấy ngày qua rất nhiều người dân đứng xếp hàng lấy số để mua vàng dù giá biến động tăng hay giảm. Câu hỏi đặt ra vì sao người dân lại mê vàng như vậy?

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho rằng, tâm lý người dân Việt Nam giống người dân Trung Quốc, Ấn Độ đều rất thích tích trữ vàng, họ xem đó là khoản để dành khi có hữu sự sẽ đem ra bán.

Mặt khác chúng ta có thể thấy những nước phát triển ở châu Á có tâm lý mê vàng là vì họ sợ đầu tư hoặc không thích đầu tư, chỉ thích tiết kiệm, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam cũng vừa trải qua một số biến động về kinh tế, xã hội... Nhiều người đã từng chứng kiến những giai đoạn siêu lạm phát, được người lớn truyền kể kinh nghiệm về việc tích trữ vàng vì người xưa cho rằng “tiền cứng” an toàn hơn “tiền mềm”. Đó là lý do mà người dân mê vàng như vậy.

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán

Ngoài ra, hiện nay người dân đang có suy nghĩ do biến động giá vàng nhiều quá nên người dân thích trữ vàng, thật ra điều này cũng đúng. Khi giá vàng tăng liên tục như thời gian vừa qua thì nguời dân cảm thấy thu nhập trong vàng an toàn hơn giữ trong các loại tài sản khác.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, có những thời kỳ vàng vẫn rớt giá. Ví dụ năm 2013 vàng rớt giá khá nhiều, nhưng sự mất giá trong một năm không khiến người dân lo ngại vì nó vẫn tăng giá trong quá nhiều năm.

Ở góc độ khác, khi kinh tế tăng trưởng thì thu nhập trong dân cũng tăng, nhưng nền kinh tế mà người dân đặt trọng tâm vào vàng là cơ sở để so sánh nền kinh tế thì chúng ta có một phiên bản “kim bản vị 2.0”. Trước đây, “kim bản vị 1.0” là khi in tiền ra người ta phải có vàng thế chấp trong ngân hàng, tức tiền giấy có thể đổi được vàng. Dù bây giờ người ta không còn chế độ đó nữa, nhưng người dân vẫn có tư duy vàng tương đương nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thời gian dài chúng ta không nhập khẩu vàng nên lượng vàng trong dân chỉ có bấy nhiêu (ở đây chúng ta không xét lượng vàng nhập lậu) do đó, người dân nghĩ nền kinh tế tăng trưởng lên, thu nhập tăng lên mà vàng vẫn chỉ bấy nhiêu thì vàng sẽ phải tăng giá, nên họ dự trữ vàng.

Tuy nhiên, nếu giải pháp đưa ra là nhập khẩu vàng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu, để tăng trưởng kinh tế thì chúng ta lại quay về chế độ “kim bản vị” (hay bản vị vàng là hệ thống tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn ấn định bởi hàm lượng vàng - PV). Mặt khác, nhập khẩu vàng thì phải cần lượng ngoại tệ, lúc bấy giờ sẽ làm áp lực lên tỉ giá ngoại hối. Trong khi hiện nay Chính phủ đang cần sự ổn định về tỉ giá ngoại hối để đảm bảo cho việc nhập khẩu.

Nếu nhu cầu sử dụng ngoại tệ nhiều để nhập khẩu vàng thì lúc này USD sẽ tăng, kéo theo giá hàng nhập khẩu tăng. Tiếp đến, nếu USD tăng thì nợ ở nước ngoài của Việt Nam cũng sẽ tăng. Như vậy việc nhập khẩu vàng vô tội vạ để đáp ứng nhu cầu của người dân không phải là giải pháp.

Do đó, giải pháp chỉ là cần có một kênh để người dân đầu tư an toàn. Chúng ta thấy như các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ người dân khá ưa thích dòng tiền đầu tư, ở Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản người dân cũng thích đầu tư. Khi thị trường đầu tư an toàn và tăng trưởng tốt thì không ai trữ vàng, đó là một nguồn thay thế khá lớn để người dân bỏ tiền vào thay vì họ cứ ôm vàng.

Theo tôi, ở Việt Nam nếu như thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục thì chắc chắn cơn sốt vàng này sẽ giảm, bên cạnh đó là thị trường chứng khoán cũng là thị trường đầu tư khá tốt nhưng phần lớn người dân không có kiến thức thì không dám bỏ tiền vào đầu tư.

Còn thị trường song song với đó là thị trường trái phiếu, nếu thị trường này phát triển tốt và lành mạnh cũng là nơi để người dân bỏ tiền vào, chúng ta nên hiểu rằng khi thị trường đầu tư phát triển, người dân cũng chuyển sang đầu tư thì nền kinh tế mới phát triển được.

Do đó, mấu chốt ở đây là phải cho người dân có việc gì đó làm với tiền của mình, còn không họ sẽ tiếp tục đổ vào vàng.

Bích Trần (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI