Làm gì để ngăn những thảm kịch gia đình?

20/12/2024 - 06:15

PNO - Ngày 9/12, trong nhà của mình ở Nishio, Nhật Bản, người mẹ 38 tuổi Manami Enomoto đã cẩn thận bịt kín cửa sổ và cửa ra vào bằng băng keo. Bên cạnh cô là nhiều than củi sắp được đốt.

Chồng cô đi làm về lúc 21g30 nhưng cuộc sống của Enomoto, cậu con trai 2 tuổi Wataru và cô con gái 5 tháng tuổi Saho đã kết thúc. Nguyên nhân: ngộ độc khí CO.

Nghiên cứu mới của tờ Mainichi cho thấy tình trạng đáng lo ngại của những thảm kịch này. Từ năm 2018-2022, ít nhất 254 vụ giết người - tự sát trong gia đình đã xảy ra ở Nhật, cướp đi sinh mạng của 486 người. Trong đó, 160 trường hợp là cha mẹ giết con trước khi tự sát. Các trường hợp khác liên quan đến các cặp vợ chồng, anh chị em hoặc thành viên lớn tuổi trong gia đình.
Fujiko Yamada - người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ trẻ em bị ngược đãi ở tỉnh Kanagawa - chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến các vụ giết người rồi tự sát trong gia đình gồm: khó khăn tài chính, lạm dụng gia đình và các vấn đề sức khỏe tâm thần không được điều trị.

Áp lực tài chính, sức khỏe tâm thần không được phát hiện và chăm sóc… là nguyên nhân gây ra các thảm kịch gia đình ở Nhật Bản  - Nguồn ảnh: Shutterstock
Áp lực tài chính, sức khỏe tâm thần không được phát hiện và chăm sóc… là nguyên nhân gây ra các thảm kịch gia đình ở Nhật Bản - Nguồn ảnh: Shutterstock

Yamada - người có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này - cho biết: “Có hiện tượng quan hệ trong một số gia đình ở Nhật Bản hiện đang rất căng thẳng. Tài chính gia đình là một vấn đề lớn khi giá cả ngày càng tăng nhưng tiền lương không tăng. Phụ nữ thường kiếm được ít tiền hơn nam giới. Vì vậy, nhiều phụ nữ muốn ly hôn với chồng nhưng rất ngần ngại vì họ sợ sẽ không thể nuôi con với thu nhập thấp”.

Đối với những bà mẹ bị mắc kẹt trong các mối quan hệ bị ngược đãi, các lựa chọn thậm chí còn ảm đạm hơn. “Nhiều phụ nữ bị người chồng bạo hành thể xác nhưng không đủ khả năng để bỏ đi. Vì vậy, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại và chịu đựng” - Yamada nói. Không ít phụ nữ - vốn đã phải gánh chịu những lo lắng về tài chính, bị ngược đãi - đang phải đơn độc chiến đấu với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Yamada cho biết, một số người đã đi đến quyết định kinh hoàng là cùng chết với con, bởi họ không muốn bỏ con cái lại.

Vụ án của gia đình Enomoto chỉ là một trong số nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây. Vào tháng Tám, một bà mẹ ở Kawasaki đi làm về và thấy căn hộ của mình bị khóa từ bên trong. Khi cảnh sát vào, họ phát hiện chồng và 2 đứa con nhỏ của cô đã chết. Trong một vụ án khác, một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi đã tử vong trong một căn hộ ở Tokyo. Cảnh sát kết luận rằng người chồng đã giết vợ trước khi tự tử. Vào tháng Chín, một người đàn ông ở Niigata đã giết mẹ già của mình trước khi tự tử tại nhà.

Những trường hợp này là một phần của vấn đề sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản. Mặc dù tỉ lệ tự tử nói chung đã giảm kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2003 (34.427 người tự tử) nhưng vẫn rất đáng lo ngại. Năm 2023, có 21.837 vụ tự tử đã được ghi nhận, giảm nhẹ so với năm trước. Số vụ tự tử ở nam giới tăng 116, lên 14.862 vụ trong khi số vụ tự tử ở nữ giới giảm 160, xuống 6.975 vụ.

Theo Yamada, giải pháp cho tình trạng này phải bắt đầu từ hệ thống hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình đang gặp khó khăn. Cô ủng hộ việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và các chiến dịch công cộng nhằm giảm bớt sự kỳ thị xung quanh vấn đề này. Hơn thế nữa, xã hội Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung cần phải suy nghĩ lại về cách nhìn nhận vấn đề sức khỏe tâm thần. Bởi đằng sau mỗi con số thống kê đau lòng là một gia đình đang tuyệt vọng.

Thu Thanh (theo Mainichi, SCMP, Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI