Làm gì để ngăn chặn bạo lực tinh thần trong trường học?

10/12/2024 - 06:09

PNO - Trung bình mỗi ngày, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 100 lượt khám, trong đó có khoảng 40 - 50% ca bệnh nhân ở độ tuổi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều ca bị bạo lực tinh thần.

Đó là thông tin từ bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong đó, nhiều ca bị bạo lực tinh thần từ bạn bè, gia đình, thầy cô. Điều đáng nói, số lượng ca bệnh ngày càng nhiều trong khi độ tuổi trẻ gặp vấn đề này ngày càng nhỏ. Nhiều trẻ ở độ tuổi tiểu học đã bị bắt nạt.

Ám ảnh từ trò đùa ác ý của bạn

Được mẹ đưa tới Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 mới đây, Q.A. - học sinh lớp Bảy tại TPHCM - có những triệu chứng đặc biệt. Em vẫn học giỏi các môn khác nhưng từ chối tiếp nhận thông tin với môn toán và văn. Điều trị ca này, thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh nhận định, Q.A. bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ, đến mức chuyển qua 1 dạng bệnh lý cơ thể bằng những cơn co giật và run lắc toàn thân kéo dài 5-10 phút, sau đó trở lại bình thường.

“Được biết, Q.A. rất giỏi các môn học nhưng lại học kém môn toán, văn. Kết quả thi giữa kỳ vừa rồi, môn toán, văn điểm thấp nên em bị cha mẹ trách mắng nhiều lần với từ ngữ nặng nề khiến em mắc chứng lo âu kéo dài. Do vậy, cứ đến tiết học, Q.A. lại xuất hiện các cơn co giật và quên sạch kiến thức 2 môn này. Sau hơn 2 tháng kết hợp hóa dược trị liệu và tâm lý trị liệu, hiện tình trạng co giật của em đã không còn. Chúng tôi cũng phải tư vấn tâm lý và cách cư xử cho phụ huynh trong trường hợp này” - bà Nguyễn Quí Quỳnh chia sẻ.

Một nam sinh đang được bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM khám và tư vấn khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần
Một nam sinh đang được bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM khám và tư vấn khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Còn nữ sinh lớp Chín T.T. (ngụ TPHCM) cũng có những triệu chứng rất lạ. Em bị sang chấn tâm lý từ 1 lần bị các bạn trong lớp “họp hội đồng xét xử” vì 1 lỗi mà em không làm. Quá ám ảnh, trong lúc ngủ, T.T. còn mơ về buổi xét xử này. Vì không thể minh oan được cho bản thân nên em không tin tưởng và không nói chuyện với bất kỳ ai. Theo bà Nguyễn Quí Quỳnh, khi tới khám lần đầu, T.T. chỉ nói chuyện như bé 4-5 tuổi, diễn đạt câu đơn giản khó khăn, dù trước đó em nói chuyện lưu loát và là học sinh giỏi. Đây là hiện tượng quên phân ly ở người bị sốc tâm lý mạnh.

Nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM vào giữa tháng Mười một, P.T. - học lớp Tám tại một trường ở TP Thủ Đức, TPHCM - không chịu giao tiếp với bất kỳ ai ngoài mẹ. Hơn 1 tháng nay, em đã nghỉ học vì không chịu nổi áp lực từ bạn cùng lớp. Mẹ em là bà Hồ Thị Lan cho biết từ khi vào lớp Bảy, em đã gặp khó khăn vì không giao tiếp được với bạn bè và thường bị cô lập. Cao điểm, từ đầu năm học này, khi vòng 1 phát triển lớn hơn các bạn nữ trong lớp, P.T. bị bạn lập nhóm riêng để “nói xấu”. Nhóm này còn đặt biệt danh cho em là “pi tiên” (nữ game thủ có vòng 1 ngoại cỡ, nổi tiếng trên mạng) khiến em mắc cỡ và chán ghét cơ thể mình. Nhiều tháng liền, cứ đến lớp là P.T. bị bạn gọi là “pi tiên” để giễu cợt. Có bạn còn viết biệt danh này lên bàn học, sách vở của em.

“Bị bắt nạt kéo dài, con sợ đến lớp, mất tập trung, mất dần khả năng kiểm soát bản thân, không làm chủ được cảm xúc lẫn hành động, thậm chí đã rạch tay tự tử, tôi phải đưa con đi cấp cứu” - mẹ nữ sinh nói trong nước mắt. Bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM nhận định, P.T. bị ám ảnh bởi những trò đùa ác ý của bạn bè dẫn tới trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần. Hiện, bệnh viện vẫn tiếp tục theo dõi, điều trị.

Giáo dục trẻ sự tử tế

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, học sinh từ lớp Sáu tới lớp Chín dễ gặp tình trạng bạo lực tinh thần học đường nhất. Các em thay đổi môi trường từ tiểu học lên THCS, bạn bè mới, lại bắt đầu bước vào tuổi dậy thì nên có nhiều thay đổi tâm sinh lý, nhiều em không thích nghi được. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, nhu cầu thể hiện bản thân rất cao, muốn được mọi người xung quanh chú ý nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, học sinh dễ trở thành đối tượng bắt nạt hoặc bị bắt nạt.

“Bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực tinh thần là vấn đề cần báo động” - thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục - nói. Ông cho biết, bạo lực tinh thần có nhiều hình thái khác nhau, như: bị bạn bè tẩy chay, cô lập, kỳ thị, dọa nạt, miệt thị ngoại hình… Việc thầy cô, cha mẹ chửi mắng, so sánh và tạo áp lực quá lớn so với khả năng của con cũng là 1 dạng bạo lực tinh thần.

Bác sĩ Phạm Văn Giào nhấn mạnh, bạo lực tinh thần xảy ra âm ỉ và học sinh có thể phải chịu tổn thương trong thời gian dài, để lại hậu quả nặng nề. Có em chọn cách tự tử, bị trầm cảm, mất khả năng ngôn ngữ, hoặc cơ thể có những phản ứng như bị run tay, run chân, buồn nôn, mất ngủ, đau đầu… Để điều trị và phòng tránh tình trạng này, ngoài tư vấn của bác sĩ, thì cha mẹ, thầy cô cần quan tâm và chia sẻ với trẻ hằng ngày. Việc hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn học sinh vượt qua những khó khăn thường gặp ở lứa tuổi của mình cũng rất cần thiết.

Ông Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) - cho rằng, để hạn chế tình trạng bạo lực tinh thần ở học đường thì cả phụ huynh lẫn nhà trường phải giáo dục các em về giá trị của tình bạn và sự tử tế. Việc tổ chức các hoạt động, tạo sân chơi, các cuộc thi thể thao, văn nghệ… cho học sinh cũng rất quan trọng, giúp các em giải tỏa năng lượng, giảm căng thẳng và gắn kết tình cảm với nhau. Đồng thời, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề để giáo dục học sinh cách cư xử phù hợp. Riêng tại trường ông còn thành lập tổ “nắm bắt dư luận”, để các thành viên “nằm vùng” các nhóm. Khi thấy học sinh nào có chia sẻ tiêu cực, bất ổn thì giáo viên tìm cách tiếp cận, tìm hiểu để hỗ trợ kịp thời. Hiệu trưởng cũng công khai số điện thoại của mình và khuyến khích học sinh gọi bất kỳ lúc nào khi cần hỗ trợ.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI