Quota phim ảnh
Từ đầu thập niên 1990, các nhà làm phim và quản lý điện ảnh Hàn Quốc đã nhìn thấy thực tế các nhà phát hành, đơn vị kinh doanh phim ảnh trong nước luôn ưu ái phim Hollywood vì lợi nhuận cao hơn. Hậu quả là phim trong nước không có đường đến với khán giả. 98% doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc đều từ phim Mỹ.
|
Văn hóa ẩm thực Hàn Quốc được chuyển tải khéo léo trong phim Nàng Dae Jang Geum
|
Hoàng hậu Ki và Nàng Dae Jang Geum là hai phim truyền hình khơi dậy niềm tự hào của người dân, nâng hình ảnh đất nước Hàn Quốc lên tầm khu vực, khiến thế giới phải để mắt đến nét đẹp văn hóa xứ kim chi. |
Năm 1993, Chính phủ Hàn áp dụng “quota màn ảnh” - buộc các rạp mỗi năm phải chiếu ít nhất 146 đầu phim trong nước. Đây là cột mốc quan trọng giúp vực dậy nền điện ảnh xứ Hàn.
Thúc đẩy số lượng song song chất lượng. Năm 1999, Hàn Quốc thành lập Hội đồng Phim ảnh trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với nhiệm vụ tạo điều kiện để công nghiệp phim phát triển, được bảo vệ chính đáng trên sân nhà và cả trên thị trường quốc tế. Liên hoan phim quốc tế Busan và Jeonju ra đời, tập trung kết nối những nhà làm phim, thu hút những tên tuổi mới, khuyến khích sáng tạo.
Công sức của đạo diễn, biên kịch, nhân viên đoàn phim được đánh giá ngang diễn viên. Tất cả có chung mức thu nhập, khiến họ toàn tâm toàn ý với từng bộ phim. Những tài năng trẻ được đưa sang Mỹ học công nghệ làm phim Hollywood.
Tác phẩm đánh dấu thành quả ngoài kỳ vọng của điện ảnh Hàn lúc ấy là Chiến dịch Shiri với kinh phí sản xuất gần 9 triệu USD, đạt doanh thu 60 triệu USD, thu hút 6,5 triệu lượt xem, phá kỷ lục 2 triệu người xem siêu phẩm Hollywood Titanic. Sáng tạo được khuyến khích tối đa với đa dạng dòng phim, đáp ứng thị hiếu các đối tượng khác nhau.
Điểm độc đáo tạo nên thương hiệu phim Hàn Quốc là lồng ghép văn hóa, truyền thống và tinh thần dân tộc, từ phim truyền hình lan sang phim điện ảnh. Hàng loạt bộ phim điện ảnh sau đó nhấn mạnh nội dung yêu nước như Cờ bay phất phới, Khu vực quân sự… tạo cú lật trong tư duy người Hàn - đặt phim nước nhà lên vị trí ưu tiên.
Ngoài phim cho khán giả trưởng thành, Hàn Quốc còn chú trọng đến phim hoạt hình cho trẻ em. Chính phủ tài trợ hẳn 350 triệu USD nâng cấp các cơ sở phim hoạt hình có tiềm năng nhưng thiếu vốn. Phim hoạt hình Pororo the little penguin (Chim cánh cụt Pororo) là “quả ngọt” điển hình. Ra mắt năm 2003, đến nay Pororo đã đến được với khán giả hơn 110 quốc gia. Năm 2015, Pororo chính thức có “nhà” ở Đông Nam Á - công viên Pororo, đặt tại Singapore.
|
Thông qua chính sách hỗ trợ của chính phủ, Pororo the little penguin - bộ phim hoạt hình Hàn Quốc hiện đã đến hơn 110 quốc gia |
Doanh thu phòng vé năm 2017 ở Hàn Quốc từ điện ảnh trong nước là 655 triệu USD, trong khi doanh thu từ phim Hollywood chỉ 568 triệu USD. Đây là câu trả lời rõ nhất cho thấy vị trí của điện ảnh Hàn trong lòng người dân.
Tinh gọn thủ tục
Tháng Ba vừa qua là tròn một năm Trung Quốc áp dụng Luật Phim ảnh nhằm tăng đầu tư vào công nghiệp phim ảnh, giảm thuế, bỏ qua những thủ tục hành chính rườm rà. Từ đó, doanh thu phim nội địa vượt lên, chiếm 53,84% tổng doanh thu 8,8 tỷ USD ở các phòng vé.
Năm 2008, Thái Lan ban hành Luật Phim ảnh và video thay cho Luật Phim ảnh năm 1930. Luật mới nhắm đến việc tăng doanh thu từ các hoạt động sản xuất tác phẩm mang tính sáng tạo. Thái Lan dần trở thành xưởng gia công phim ảnh cho các nước với đội ngũ kỹ thuật được đánh giá có tay nghề tốt nhất châu Á. Năm 2013, có đến 717 phim nước ngoài được quay ở Thái Lan và có hỗ trợ kỹ thuật từ đội ngũ chuyên gia nước này. |
Tháng 2/2018 đánh dấu mức doanh thu kỷ lục 1,6 tỷ USD - vượt qua kỷ lục 1,39 tỷ USD ghi nhận tại thị trường Bắc Mỹ vào tháng 7/2011. Số phim nội địa Trung Quốc chiếm 8/10 phim được xem nhiều nhất tại các rạp.
Không dừng ở đó, Trung Quốc còn tìm cách hợp tác làm phim với các nước. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng Năm này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, điều các nhà làm phim của hai nước trông đợi là thỏa thuận hợp tác sản xuất phim - hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên trong bối cảnh phải chống cự với dòng phim bom tấn của Mỹ và Hàn Quốc.
Phát triển công nghiệp phim ảnh không chỉ ở doanh thu phòng vé. Thái Lan có cách đi riêng. Tháng 7/2007, chính phủ nước này áp dụng chính sách “một cửa” cho phim ảnh. Theo đó, việc sản xuất phim quảng cáo, tài liệu, âm nhạc, chương trình truyền hình sẽ không mất quá nhiều thời gian chờ đợi thủ tục. Văn phòng Phim ảnh Thái Lan sẽ cấp giấy phép chỉ sau 14 ngày nhận kịch bản.
Công nghiệp điện ảnh không chỉ là giải trí mà có thể là trụ cột kinh tế. Đầu tư vào phim ảnh một cách bài bản chính là lời giới thiệu hình ảnh quốc gia vô cùng nhạy bén ở thời điểm này.
Thiên Như
(theo Asahi, Xinhuanet, Hollywood Reporter, Thaitradeusa)