Khi xem một clip đánh nhau hoặc nghe con thuật lại chuyện bắt nạt xảy ra trong lớp, con mình đứng ở vai nào sẽ khiến phụ huynh lo sợ nhất: con là nạn nhân, con là thủ phạm, là đứa quay clip, là đứa đứng bên ngoài reo hò cổ vũ, là đứa lặng im đứng nhìn, là đứa nhảy vào can ngăn hay là đứa lẳng lặng đi báo thầy cô?
Thật khó trả lời, dù con đóng vai nào cũng là một thách thức và đó là cảm giác không ai muốn đối mặt. Thế nhưng, không phải ai cũng dành cho vấn đề bắt nạt học đường sự quan tâm đầy đủ để có thể phòng chống đúng cách, hiệu quả. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp phụ huynh nhúng tay vào lại càng “hư bột hư đường”.
Thấy khác biệt là... muốn triệt!
Lê Mạnh, một người đồng tính nam, làm nghề pha chế thức uống ở Q.1, TP.HCM chia sẻ mình từng phải nghỉ học ở cấp II vì không chịu nổi cảm giác hằng ngày bị bạn bè lăng nhục với những cách gọi khó nghe như “Mạnh dẹo”, “pê đê”, “xăng pha nhớt”… Nhiều cậu học sinh ngang tàng còn bắt ép Mạnh phải đi đứng, phát âm giống như chúng... Mạnh thưa với cô giáo, cô chỉ nhắc nhở vài câu qua loa, chiếu lệ.
Về nhà thuật lại chuyện cho cha mẹ nghe, chẳng những không nhận được sự đồng cảm, động viên, Mạnh còn bị cha mẹ trách mắng. Ông bà đổ hết lỗi cho Mạnh, cho rằng “vì mày không giống ai nên bị tấn công là đáng đời”. Bức bối chất chồng, một lần Mạnh đã lấy đá ném lũ bạn trêu chọc thái quá và bỏ học, bỏ nhà, ra sống tự lập ở tuổi 14.
“Ai là người có nguy cơ cao đối với nạn bắt nạt học đường? Một biến số có ảnh hưởng quan trọng nhất là sự khác biệt” là khẳng định của tiến sĩ Jim Larson (khoa Tâm lý Trường ĐH Wisconsin - Whitewater, Mỹ) trong chương trình tập huấn “Bắt nạt ở trường học - Điều chúng ta biết và điều chúng ta có thể làm” vào đầu tháng 12/2016 tại Hội Nhà báo TP.HCM.
Trẻ quá nghèo khó, trẻ có sự khác biệt rõ rệt về cân nặng hay chiều cao, có khuyết tật về thể chất, dậy thì quá sớm hoặc quá trễ, trẻ cảm nhận mình là người đồng tính, chuyển giới… là “thỏi nam châm” thu hút bắt nạt học đường. Con em chúng ta có thể dễ “nổi tiếng” theo cách không mong muốn và đó có thể là đề tài “giúp vui” cho các bạn. Hoặc nếu con học quá nổi trội, quá tài năng cũng dễ bị đố kỵ, ghen ghét. Ở môi trường mà sự phán xét là chủ đạo trong mối quan hệ thì nguy cơ bắt nạt giữa người và người, giữa học sinh và học sinh luôn ngấm ngầm tồn tại và bùng phát bất cứ lúc nào.
Không ít phụ huynh coi nhẹ vấn đề bắt nạt học đường, thậm chí nhìn nhận đó là thành phần tất yếu của quá trình trưởng thành ở con. Một số cho rằng đó là trò vui của trẻ thơ, chẳng đáng quan tâm. Việc nhà trường, phụ huynh, học sinh và xã hội hiểu đúng về bắt nạt học đường là vô cùng quan trọng. Chưa nhận diện được thì không thể có thái độ phù hợp và có thể đẩy lùi được.
Tiến sĩ Jim Larson định nghĩa: “Một học sinh bị bắt nạt khi em bị tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các hành động tiêu cực về thể chất, lời nói trực tiếp hay gián tiếp của một hay một nhóm học sinh có nhiều quyền lực hơn”. Bắt nạt học đường là vấn đề thuộc bạo lực học đường (có cả những gây hấn không liên quan, những vụ xả súng…).
|
Tiến sĩ Jim Larson chia sẻ với các nhà giáo, người công tác ngành tâm lý, sinh viên, học sinh, phụ huynh... trong chương trình Bắt nạt ở trường học |
Ngoài bắt nạt về thể chất, còn có các kiểu hành vi bắt nạt bằng lời trực tiếp (đe dọa gây hại, tống tiền, quấy rối tình dục và trêu chọc một cách tàn nhẫn), bắt nạt xã hội hay quan hệ (thao túng các mối quan hệ, phao tin đồn gây đau khổ, quấy rối có ý hướng), bắt nạt qua mạng truyền thông (sử dụng truyền thông điện tử để làm mất danh dự, đe dọa hay quấy rối).
Trẻ có những khó khăn riêng, không luôn sẵn sàng kể ngay với cha mẹ, thầy cô về nguy cơ, vấn đề mình đang gặp phải. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể đoán biết thông qua một số dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị bắt nạt: quần áo hay các đồ dùng bị xé rách, hủy hoại hay mất; các vết cắt hay vết bầm không giải thích được; trẻ ít bạn; thường hay viện lý do để không đến trường; trẻ bắt đầu sa sút trong học tập; có biểu hiện buồn, cảm xúc không ổn, giận dữ khi về nhà; giấc ngủ rối loạn...
Để con không sa vào vòng xoáy bắt nạt
Tùy thời điểm tiếp cận và những cách tiếp cận khác nhau đưa đến những kết quả khác nhau, nhưng điều tối kỵ nhất là thầy cô, phụ huynh dùng bạo lực áp chế, tạo “dây chuyền bắt nạt” và đổ lỗi cho nạn nhân, cố gắng sửa chữa những điểm mà mình quả quyết nạn nhân đã sai. Song, ép bắt thủ phạm xin lỗi như là một cách giảng hòa cũng “lợi bất cập hại”, dễ đưa đến những kỹ năng bắt nạt tinh vi, nguy hiểm hơn về sau. Giải quyết một vụ bắt nạt, phụ huynh không khỏi loay hoay, bất an.
Theo ThS Lê Thị Minh Tâm (chuyên viên tâm lý, Trường Đại học RMIT Việt Nam, Q.7, TP.HCM), khi cha mẹ nhận ra những dấu hiệu của trẻ bị bắt nạt, hãy khuyến khích trẻ chia sẻ. Khi con đã can đảm chia sẻ, cha mẹ đánh giá vấn đề con gặp phải ở những mức độ nào; nhận diện vấn đề, khả năng bảo vệ và tính riêng tư ở mức nào; tìm kiếm những dịch vụ hỗ trợ xung quanh nếu có: khu xóm, nhà trường, các hội, đội, đoàn...
Nếu con trẻ là nhân chứng, khi cha mẹ khuyến khích con báo cáo cần chú ý và đảm bảo bảo mật, tìm đến nhân viên tham vấn học đường hoặc người có trách nhiệm trong trường học. Nếu con trẻ là người đi bắt nạt thì bạn và gia đình cần tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý để làm rõ nguyên nhân và những vấn đề liên quan đến bắt nạt.
Có những yếu tố tâm lý hoặc những vấn đề khó khăn nào đó của trẻ cần được hỗ trợ và quan tâm. Trẻ cần được học cách phản ứng với nỗi đau, cơn giận hay nỗi sợ của mình một cách khỏe mạnh thay vì dịch chuyển hay đẩy vấn đề đó theo một hướng gây tổn thương cho người khác.
Cha mẹ có thể phòng ngừa bắt nạt thông qua việc giáo dục con trẻ cách thức quan tâm đến người khác; gần gũi quan tâm gia đình; ứng phó, quản lý cảm xúc giận dữ; tự tin, bình tĩnh bày tỏ lập trường mà không gây hấn trong việc đứng lên bảo vệ bản thân; dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc báo hay chia sẻ với gia đình về chuyện bắt nạt nếu như trẻ nhìn thấy/ nhân chứng hay là người bị bắt nạt, hay mình đi bắt nạt; giúp con xây dựng các kỹ năng phòng vệ, kỹ năng từ chối, kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp; xây dựng niềm tin cho con để con tin tưởng chia sẻ với cha mẹ; thảo luận và đưa ra việc cha mẹ có thể can thiệp và can thiệp ở mức độ nào.
Để làm được việc phòng ngừa bắt nạt tận gốc từ gia đình, cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Những lời nói, hành vi của cha mẹ ảnh hưởng đến con biết nhường nào vì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần quản lý cơn giận hay những cảm xúc tiêu cực khi bản thân bị căng thẳng và giận dữ vì “ngôn từ có sức mạnh và trọng lượng lớn”.
Hành vi của bạn trong những lúc như thế này, trẻ học hỏi nhanh hơn bất kỳ lúc nào khác, vì vậy cha mẹ cũng cần học quản lý cơn giận, sự căng thẳng để làm gương và dạy dỗ con cái. Đó là cách cha mẹ góp phần phòng ngừa bắt nạt từ trong chính gia đình mình.
Tô Diệu Hiền