Làm gì để con cao thêm?

06/10/2019 - 07:00

PNO - Ngay từ giai đoạn bào thai đã có thể nhận biết trẻ có chậm tăng trưởng hay không. Cha mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu để biết con mình đang chậm phát triển chiều cao và can thiệp bằng dinh dưỡng nhằm cải thiện.

Đôi khi thấp lùn còn là một trong những biểu hiện của một số bệnh lý nền mạn tính.

30% trẻ đến khám liên quan tới chậm phát triển chiều cao

Ngày nay, trẻ con cao quá là câu nói quen thuộc của rất nhiều ông bố bà mẹ Việt. Thế nhưng mới đây, theo tạp chí Dân số thế giới, người Việt Nam thấp thứ 4 thế giới. Đàn ông Việt Nam cao trung bình 162,1cm, phụ nữ cao trung bình 152,2cm. Theo báo cáo của UNICEF, Việt Nam cũng có tỷ lệ thấp còi cao nhất Đông Nam Á, với 23,8% ở trẻ em dưới 5 tuổi. 

Lam gi de con cao them?
Các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng các sản phẩm kích thích, tăng chiều cao chưa được chứng minh hiệu quả. Ảnh: Huyền Anh

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 - nhận định: “Hiện nay, tại những vùng nông thôn ở nước ta, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em vẫn chiếm tới 60%. Câu nói trẻ em hiện nay cao quá chỉ là thực tế ở các thành phố lớn.

Tại TP.HCM, nhóm trẻ dưới 10 tuổi cao vượt xa chuẩn. Thế nhưng sau 10 tuổi, chiều cao các bé bắt đầu hụt dần vì phụ huynh thường chỉ chú trọng quan tâm tới dinh dưỡng và cho con uống sữa trong những năm đầu, trẻ sau 10 tuổi thường bị bỏ lơ, không giữ được chế độ dinh dưỡng đa dạng và thói quen uống sữa liên tục nữa”. 

Tại Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, khoảng 30% bệnh nhi tới khám liên quan đến chậm phát triển chiều cao. Đa phần bệnh nhi có chế độ dinh dưỡng chưa đầy đủ, một số bé khác do mắc phải bệnh lý nền gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.

Thấp còi do thiếu dinh dưỡng hoặc mắc bệnh mạn tính đi kèm

Điển hình là trường hợp của bệnh nhi N.H.V. (5 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Bé V. được cha mẹ đưa đi khám vì thấy con quá thấp còi so với bạn bè. Gia đình bé V. cho biết, bé hay bị ói, mắc các bệnh về hô hấp kéo dài. Đánh giá cân nặng và chiều cao của bệnh nhi, bác sĩ Hậu nhận định bé V. dù 5 tuổi nhưng chỉ bằng trẻ 3 tuổi. Bé chỉ nặng 13kg, cao 93cm (trong khi ở độ tuổi này phải nặng 18kg và cao 108cm). Sau khi truy tìm nguyên nhân, bác sĩ xác định bé V. bị dị ứng với đạm sữa bò.

Lam gi de con cao them?
 

Đó là lý do bé hay bị ói, không hấp thu được chất dinh dưỡng. Nguyên nhân này dễ bị bỏ quên vì thông thường dị ứng đạm sữa bò hay xảy ra ở trẻ nhỏ, sau 3 tuổi tình trạng này sẽ tự hết. Bé V. được thay thế bằng sữa thủy phân, bổ sung dinh dưỡng vào khẩu phần ăn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, điều trị phòng ngừa suyễn. Sau 6 tháng, bé đã bắt kịp các bạn, một tháng tăng thêm 1kg.

Ngoài bé V., bé T.V.Đ. (10 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) cũng may mắn nhờ đi khám dinh dưỡng do thấp còi mà phát hiện được bệnh lý nguy hiểm. 10 tuổi nhưng bé Đ. chỉ cao 1,1m (bằng trẻ 5 tuổi) trong khi trẻ em ở độ tuổi bé Đ. phải cao khoảng 1,4m. Khi khám, bác sĩ nhận thấy sắc mặt bệnh nhi xanh xao, chỉ định cho làm một số xét nghiệm thì phát hiện Đ. bị suy thận mạn.

Với những trường hợp đến khám vì chậm phát triển chiều cao "lòi" ra bệnh mạn tính, mỗi ngày Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận khoảng 2-3 ca. Những bệnh lý có thể ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ là: suy thận mạn, tim mạch, gan, rối loạn về hoóc-môn và nội tiết, gen. Những ca này nếu phát hiện sớm và can thiệp dinh dưỡng phù hợp, kiểm soát bệnh lý đi kèm thì chiều cao cũng sẽ được cải thiện nhưng không thể như các trẻ bình thường.

Đi khám nếu ba tháng liên tiếp con cao hụt so với chuẩn

Làm cách nào phát hiện con chậm phát triển chiều cao? Theo bác sĩ Hậu, giai đoạn nào cũng có thể phát hiện được, bắt đầu từ khi trẻ còn là bào thai. Chiều cao phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và dinh dưỡng.

Khi trẻ vừa chào đời, người ta có cách ước tính chiều cao của bé khi trưởng thành theo phương diện di truyền bằng cách dựa trên chiều cao của bé và cha mẹ (bé trai thì cộng thêm 13 rồi chia 2, bé gái thì trừ đi 13 rồi chia 2) để ra số chiều cao khi trưởng thành. Tuy nhiên, chiều cao này vẫn có thể thay đổi nhờ chế độ dinh dưỡng. Nếu phát hiện sớm và can thiệp dinh dưỡng cho trẻ, chỉ sau 3-6 tháng đều trị, bé có thể bắt kịp bạn bè.

Nếu trong 3 tháng liên tiếp mà trẻ bị hụt chiều cao, cân nặng so với chuẩn thì được coi là dấu hiệu báo động cần can thiệp. Ví dụ, ba tháng đầu đời theo chuẩn mỗi tháng trẻ tăng 2,5cm. Ba tháng kế tiếp trẻ tăng 2cm mỗi tháng. Năm đầu đời trẻ cao thêm 25cm so với chiều cao lúc chào đời. 

Có ba giai đoạn nếu can thiệp kịp thời sẽ thúc đẩy được chiều cao cho trẻ hiệu quả nhất. Đầu tiên là giai đoạn bào thai, đòi hỏi mẹ bầu phải được cung cấp dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ. Tiếp theo là lúc trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là dưới 3 tuổi). Đây là thời khắc quyết định quan trọng nhất chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Ở giai đoạn này, chiều cao trẻ phụ thuộc chủ yếu vào dinh dưỡng. Cuối cùng là giai đoạn tiền dậy thì - dậy thì. Đây được coi là cơ hội bứt phá cuối cùng, bởi sau đó các đầu xương sẽ đóng lại, trẻ không cao được nữa. Nếu cố gắng bổ sung canxi, vi chất cũng chỉ có tác dụng củng cố mật độ xương chắc khỏe hơn mà thôi.

Để xác định trẻ chậm phát triển chiều cao, ngoài căn cứ vào số đo chiều cao, tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm và hỗ trợ cận lâm sàng như chụp X-quang, đo mật độ khoáng - xương, hoóc-môn (tăng trưởng, tuyến giáp và sinh dục). Những chỉ định cận lâm sàng này có mục đích truy tìm nguyên nhân khiến trẻ cao chậm. 

Can thiệp về dinh dưỡng thông qua chế độ ăn, khẩu phần ăn hằng ngày là cách tự nhiên nhất, tốt nhất để cải thiện chiều cao cho bé. Phụ huynh không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc tăng chiều cao khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Tình trạng thừa hoặc quá tải một số vi chất do bổ sung vitamin và khoáng chất bừa bãi cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. 

Lam gi de con cao them?
 

Trẻ ăn gì để tăng chiều cao?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, hệ xương của bé cần các chất hữu cơ, khoáng chất, protein, vitamin, canxi, phốt-pho, magie, đạm để phát triển. Trong số đó, chất tham gia tạo khung xương quan trọng nhất là đạm chứ không phải canxi như mọi người vẫn lầm tưởng. Ngoài ra, cơ thể bé cũng rất cần các nhóm vitamin như D, K2, C, A để giúp hấp thu và tích lũy canxi.

Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá và rau xanh sậm màu. Phốt-pho có nhiều trong sữa và các thức ăn giàu đạm như thịt, cá. Magie có nhiều trong các loại đậu, đậu hũ, các loại hạt. Trong các loại ngũ cốc dạng cám, chocolate đen, hạt vừng, động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc, hến), hàm lượng kẽm rất cao. Gan, cải bó xôi, lòng đỏ trứng là những thực phẩm dồi dào sắt. 

Đối với các nhóm vitamin cần thiết cho sự phát triển của xương cũng có những cách bổ sung khác nhau. Vitamin D có trong các loại cá béo và gan. Tổng hợp vitamin D thông qua phơi nắng sớm mỗi ngày. Vitamin A có nhiều trong rau xanh màu sậm, cà rốt, khoai lang, dưa đỏ, ớt chuông, đu đủ, bí ngô... Riêng vitamin K2 có được nhờ hệ đường ruột khỏe mạnh hoặc có thể bổ sung bằng các thực phẩm lên men như hạt đậu nành. 

Chế biến thực phẩm không đúng cách sẽ không bảo tồn được chất dinh dưỡng và vitamin có trong thực phẩm. Đối với rau củ, không nên ngâm trong nước để tránh các vitamin B, C và một số khoáng chất hòa tan vào trong nước. Đối với trái cây, không nên gọt quá sâu phần vỏ, vì các chất dinh dưỡng và một số hoạt chất sinh học tốt cho cơ thể có nhiều ở lớp vỏ. Chỉ nên rã đông thực phẩm tự nhiên ở nhiệt độ phòng, không nên nấu/hầm quá lâu để tránh làm mất chất dinh dưỡng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI