Làm gì để cải thiện di chứng sức khỏe tâm thần hậu COVID-19?

11/03/2022 - 06:48

PNO - Số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám, điều trị những di chứng sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 ngày càng tăng, có cả ở trẻ nhỏ.

COVID-19 dễ kích hoạt bệnh

Sau vài lần chị N.B.M. (quận 8, TPHCM) gào khóc đập đầu vào tường, muốn tự tử, gia đình đã đưa chị đến gặp bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tại đây, khi tiếp xúc với bác sĩ, chị M. vẫn liên tục khóc.

Với các bệnh nhân khác, bác sĩ Minh thường dành khoảng 30 phút để trò chuyện nhưng bệnh nhân này phải mất thời gian gấp đôi vì trầm cảm quá nặng. 

Thạc sĩ - bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy đang tư vấn tâm lý cho bệnh nhân
Thạc sĩ - bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy đang tư vấn tâm lý cho bệnh nhân

Cách đây không lâu, vợ chồng chị M. cùng cô con gái năm tuổi đều nhiễm COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, chị được sắp xếp công việc tại một bộ phận trái với chuyên môn nên thường xuyên bị cấp trên phàn nàn hiệu quả công việc kém. Từ đó, chị luôn lo lắng mỗi khi đến công ty, muốn chuyển việc nhưng sợ kinh tế gia đình không đảm bảo.

Trước đó, cuộc sống gia đình chị luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, con gái liên tục nhập viện vì bệnh. Ám ảnh về khó khăn kinh tế, áp lực công việc, một phần do tác động từ đại dịch COVID-19, chị M. bị sang chấn tâm lý, dẫn đến trầm cảm. 

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, số lượng bệnh nhân có di chứng sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 ngày càng nhiều. Mỗi buổi, khoa tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân thì có khoảng 50% bệnh nhân từng mắc COVID-19. Trong đó có ba nhóm bệnh nhân phổ biến.

Nhóm một là người nhiễm COVID-19 từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần trước đó và do nhiễm bệnh nên tái kích hoạt những yếu tố gây ra sức khỏe tâm thần.

Nhóm hai là người chưa từng có vấn đề sức khỏe tâm thần, sau khi nhiễm bệnh thì có triệu chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc.

Nhóm ba là người gặp những tổn thất hậu COVID-19 như mất việc, kinh tế đi xuống, thu rút về mặt xã hội do giãn cách xã hội quá lâu.

Cũng có một nhóm người chưa từng nhiễm COVID-19 nhưng bị nhiều yếu tố tiêu cực từ dịch bệnh kích hoạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tỷ lệ có xu hướng tăng cao ở trẻ nhỏ do bị nhốt trong nhà quá lâu, không được đi học, tiếp xúc nhiều với ti vi, điện thoại… 

3 việc cần làm để tinh thần khởi sắc

1. Cân bằng lại nhịp sinh học cũ trước giãn cách xã hội như ăn, ngủ, làm việc, thể chất.

2. Chia sẻ cảm xúc tiêu cực với người thân, bạn bè. 

3. Cân bằng về mặt xã hội bằng cách duy trì kết nối xã hội không đứt đoạn. 

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa I Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, ghi nhận những cuộc gọi đến tổng đài hỗ trợ tâm lý nhanh của bệnh viện hoặc chương trình hỗ trợ tâm lý - xã hội khẩn cấp chủ yếu liên quan đến hậu COVID-19. Nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng khi có người thân qua đời vì COVID-19, không ít bệnh nhân dù đã khỏi bệnh nhưng chỉ số SpO2 cao - thấp thất thường, nhịp thở rối loạn do sang chấn tâm lý, lo âu kéo dài.

Dù chưa có số liệu thống kê, Bệnh viện Tâm thần TPHCM xác định số người đến khám, điều trị các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 dần tăng cao, phổ biến nhất là mất ngủ và lo âu. Đặc biệt, người có tiền sử rối loạn tâm thần hoặc tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe tâm thần dễ bị kích hoạt và biểu hiện các triệu chứng tâm lý - tâm thần sau khi nhiễm COVID-19. Đây là nguy cơ không nhỏ khiến bệnh nhân khởi phát một số rối loạn tâm thần mức độ nghiêm trọng. 

Cần can thiệp những tổn thương thực thể còn tồn tại

Có một thực trạng là người bệnh và người xung quanh còn xem nhẹ các biểu hiện sức khỏe tâm thần hậu COVID-19. 

Theo bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy, đôi lúc biểu hiện sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 chỉ là sợ vi khuẩn nên rửa tay liên tục, sợ đám đông, mệt mỏi kéo dài và thường xuyên, gặp khó khăn trong hoạt động sinh hoạt thường ngày (học tập, làm việc, giao tiếp…) hơn trước đây, hay quên, dễ bị gợi nhớ những ký ức khó chịu khi nhiễm COVID-19…

Hội chứng hậu COVID-19 cần được điều trị phối hợp nhiều chuyên ngành để giúp người bệnh phục hồi các chức năng về thể lý, tâm lý và thần kinh. Trước khi được hỗ trợ hoặc điều trị tâm lý, người bệnh cần được khám và can thiệp (nếu cần) để loại những tổn thương thực thể còn tồn tại. Một khi hoạt động của các cơ quan phổi, tim mạch, não, thận phục hồi chậm sẽ gây mệt mỏi, góp phần làm bệnh nhân cảm thấy không thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước, dễ lo lắng.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phần lớn ảnh hưởng của hậu COVID-19 có thể khiến người bệnh suy giảm nhiều hoạt động chức năng độc lập của bản thân và khả năng làm việc. Từ đó, họ gặp khó khăn trong giao tiếp, khó hoàn thành những trách nhiệm của bản thân trong gia đình và xã hội.

Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm và giúp đỡ hoặc điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ gia tăng các bệnh lý tâm thần; thu nhập giảm sút, thậm chí nghèo đói (do không thể đi làm); bị phân biệt và tách rời xã hội.

Hiện tại, nhiều bệnh nhân ngại đi khám tâm lý - tâm thần vì cảm thấy bệnh mang màu sắc tiêu cực, sợ bị kỳ thị. “Về việc này, vai trò của nhà nước, truyền thông rất quan trọng, phải tìm cách hỗ trợ những người có sức khỏe tâm thần được tiếp cận y tế kịp thời” - bác sĩ Lâm Hiếu Minh đề nghị. 

Thay đổi lối sống, tăng cường vai trò của người thân

Người thân đóng vai trò khá quan trọng đối với người bệnh có di chứng sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 vì sống gần gũi và được người bệnh tin tưởng. Nếu có kiến thức và quan tâm đúng mức, người thân có nhiều cơ hội phát hiện sớm những biểu hiện bệnh của người nhà.

Ngoài ra, cần lưu ý thái độ của người thân đối với người bệnh. Tình thương và kiến thức về bệnh cũng như cách xử trí đúng đắn sẽ giúp người bệnh không bị kỳ thị, xa lánh. Cần có sự thông cảm, nâng đỡ và đồng hành với người bệnh trong tiến trình hồi phục. 

“Khi COVID-19 không giết được ta thì ta càng cần trân trọng cuộc sống đang có và tận dụng cơ hội này để thực hành lối sống khỏe hơn, vui hơn và ý nghĩa hơn”.

Bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy

Nếu thấy bản thân hay người khác có vấn đề tâm lý sau nhiễm COVID-19, nên gọi đến các tổng đài hỗ trợ tâm lý của các bệnh viện tại TPHCM hoặc các tổ chức, hiệp hội về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần. Cần thực hiện những hoạt động tích cực, lành mạnh, điều độ để tăng khả năng hồi phục sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội.

Theo bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy, bệnh nhân cố gắng duy trì chu kỳ giấc ngủ điều độ (hạn chế xáo trộn thời gian và thời lượng giấc ngủ), ăn uống lành mạnh, đủ bữa (ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi, chán ăn).

Cố gắng duy trì những hoạt động từng vui thích trước đó (hát, vẽ, thể thao…) dù thấy giảm hoặc không còn hứng thú; có hoạt động thể lực thường xuyên, tối thiểu 5 ngày/tuần với cường độ tùy theo khả năng; có hoạt động xã hội thường xuyên hơn, có thể họp mặt gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng.

Dành mỗi ngày tối thiểu 30 phút cho sở thích cá nhân, tập thở, thư giãn; tiếp tục được hỗ trợ, điều trị các vấn đề bệnh cơ thể khác (nếu có). Tập trung vào các thông tin hữu ích để rèn luyện nâng cao sức khỏe thể lý và tâm lý hằng ngày, tránh đọc những thông tin tiêu cực về dịch bệnh. 

Không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Sau nhiễm COVID-19, các cơ quan gan, thận, tim, phổi… có thể chưa phục hồi, chưa kể bệnh nhân có thể đang mắc các bệnh mãn tính khác. Nếu sử dụng các sản phẩm này mà không có ý kiến của bác sĩ, có thể gây nhiều biến chứng, tăng áp lực lên gan, thận. Những vấn đề liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng tốt nhất cần có ý kiến của bác sĩ điều trị

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI