Làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi nhập viện và tử vong vì COVID-19?

19/08/2021 - 07:29

PNO - Biến thể Delta đã khiến số ca nhập viện ở trẻ em tăng đột biến. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do trẻ dưới 12 tuổi không đủ điều kiện để có thể tiêm vắc xin, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh từ biến thể mới, có khả năng lây truyền cao.

Trẻ nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng kỷ lục

Hôm qua 15/8, Mỹ đã báo cáo số trẻ em nhập viện vì COVID-19 đạt mức cao kỷ lục với hơn 1.900 ca. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ, biến thể Delta đang nhanh chóng lây lan trong phần lớn dân số không được tiêm chủng, khiến số ca nhập viện tăng đột biến trong những tuần gần đây, kéo số ca nhập viện ở trẻ em tăng theo.

Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ. Hiện đã có hơn 4,3 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Thống đốc Louisiana - John Bel Edwards - cho biết: “Chúng tôi có nhiều trẻ em bị bệnh COVID-19 hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch”.

Từ ngày 1/8, Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
Từ ngày 1/8, Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

“Đây không phải là COVID-19 của năm ngoái (năm 2020 số trẻ nhiễm trùng rất thấp-PV). Điều này còn tồi tệ hơn và con cái của chúng ta là những người sẽ bị ảnh hưởng bởi virus nhiều nhất”, Sally Goza, cựu Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, cho biết. 

Indonesia hiện đang được xem là tâm chấn của đại dịch, không chỉ là số lượng ca nhiễm và tử vong kỷ lục mà cả về tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 ở trẻ em nước này đang được xem là cao nhất thế giới.

Tính đến nay, Indonesia có hơn 210.000 trẻ em nhiễm COVID-19, chiếm gần 14% tổng số ca nhiễm ở nước này. Theo Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI), quốc gia này đã có hơn 1.100 trẻ chết vì COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Điều đau lòng là số trẻ tử vong tăng nhanh trong hai tháng gần đây và phần lớn là trẻ dưới ba tuổi.

Người lớn tiêm chủng để không lây bệnh cho trẻ em 

Sự gia tăng các trường hợp nhiễm và tử vong mới ở trẻ đã khiến nhiều nước bối rối trong bối cảnh trẻ em sắp quay lại trường. Vì hiện tại chỉ có một số nước có vắc xin dành cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, phần lớn trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa có màn chắn bảo vệ hữu hiệu nào. Đó là lý do nhiều chuyên gia, bác sĩ ở Mỹ đã ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc cho tất cả mọi người trưởng thành, để hạn chế việc người lớn sẽ lây bệnh cho trẻ em.

“Trẻ dưới 12 tuổi không thể tiêm chủng. Vì thế, chúng ta nên tiêm chủng đầy đủ, thực hiện các quy tắc như đeo khẩu trang, rửa tay cũng là một hành động có trách nhiệm để giữ cho trẻ an toàn”, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ, Becky Pringle cho biết.

Hiện tại Mỹ có trung bình khoảng 129.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, tỷ lệ này cao gấp đôi trong vòng hơn hai tuần. Số lượng bệnh nhân nhập viện đang ở mức cao nhất trong sáu tháng và trung bình có đến 600 người chết mỗi ngày do COVID-19.  

Mặc dù so với người lớn, trẻ em mắc bệnh nặng do COVID-19 thấp hơn nhiều nhưng khi đã nhiễm, các em phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Một nghiên cứu của Đại học Gemelli ở Rome (Ý) cho biết, 1/3 trong số các em có một hoặc hai triệu chứng kéo dài bốn tháng hoặc hơn. Ngoài ra, dư chấn tâm lý ở trẻ em sau khi nhiễm bệnh cũng đáng lo ngại với những biểu hiện như tâm lý thay đổi, sức đề kháng kém…

Hiện nhiều nước đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ song song với người trưởng thành. Tại Mỹ có gần tám triệu trẻ em từ 12 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Ở Đông Nam Á, Singapore cũng đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ trên 12 tuổi và mới đây là Campuchia.  Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm chủng. Với trẻ nhỏ, ngoài việc cần người lớn bảo vệ trước dịch bệnh, trẻ còn cần được giữ tránh xa nguồn lây, tăng cường dinh dưỡng, vấn đề vệ sinh, môi trường sống cũng nên đặc biệt chú trọng. 

Khánh Anh (theo Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI