Làm gì cũng không quên 'gốc' Hội

07/04/2017 - 16:03

PNO - Năm 1990, sau khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, dì Nguyễn Thị Thanh Hà (thường gọi dì Tám Hà, nguyên Hiệu phó Trường cao đẳng Sư phạm Tiền Giang) nghỉ hưu, theo các con về khu phố 2, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM sống.

Hòa nhập với cuộc sống mới, dì Tám Hà tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ (PN) tại địa phương. Dì nói: “Trong kháng chiến, dù được đào tạo nghề sư phạm nhưng hình như tôi rất có duyên với Hội PN. Sau khi vượt Trường Sơn vào Nam, nhiều lần tôi được phân công làm trong ban chấp hành Hội PN tại các đơn vị, địa phương nơi công tác”.

Lam gi cung khong quen 'goc' Hoi

Dì Tám Hà và bà Nguyễn Thị Lan, người phụ nữ 70 tuổi được dì giúp đỡ làm lại toàn bộ giấy tờ tùy thân

 

Năm 1992, dì Tám Hà được bầu làm bí thư chi bộ khu phố 2, P.An Phú Đông. Sống giản dị và chân thành, dì Tám Hà đã thuyết phục được nhiều người cùng dì giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, động viên nhau hoàn thành những nhiệm vụ của khu phố.

Nhờ những người dân nhiệt tình ủng hộ, chi bộ khu phố 2 nơi dì Tám Hà lãnh đạo đã đạt những thành tích đáng tự hào: giúp đỡ và đưa 125 hộ nghèo (trên tổng số 141 hộ) thoát nghèo bền vững; mỗi năm, giúp hơn 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường; vận động 220 lượt chủ nhà trọ ở khu phố không tăng giá phòng, giá điện nước; vận động nhân dân cùng đóng góp trải nhựa hơn 1.150m đường…

Nguồn quỹ huy động của khu phố 2 cho các phong trào chung lên đến vài tỷ đồng trong vòng vài năm cho thấy nỗ lực của người “đầu tàu”. Thế nhưng, khi hỏi bí quyết vận động, dì Tám Hà cười hồn hậu: “Có gì đâu, đó là tình cảm của người dân này dành cho người dân khác, là tiền của, công lao động của người hảo tâm này đã đến với cảnh đời kia. Tôi chỉ là chiếc cầu nối, làm tốt công việc của mình là nối nhịp cho những tấm lòng, vậy thôi”.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như dì nói. Ví như chỉ hơn 250m đường đi ngang khu di tích văn hóa - lịch sử chùa Tường Quang ra bến đò An Phú Đông, hàng chục năm vẫn không có vốn đầu tư khiến con đường cứ “mưa lầy nắng bụi”, dì vận động ngay nhóm sinh viên Trường đại học Hồng Bàng, chỉ qua hai ngày, con đường lẫn sân chùa đều sạch sẽ, khang trang.

Ba năm gần đây, dì Tám Hà bận bịu với mảng công việc mới: tìm lại nhân thân cho người dân ở khu phố. Đó là anh Dương Phách, người bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, không có tiền mua thẻ bảo hiểm y tế; là cụ bà lượm ve chai Nguyễn Thị Lan, do tâm thần, hơn 40 năm sống không giấy tờ tùy thân; là những đứa trẻ không có khai sinh do cha mẹ thất lạc, không đăng ký kết hôn.

Hơn 10 cảnh đời như vậy, với trường hợp nào, dì cũng phải vừa lặng lẽ thảo đơn, làm giấy tờ ủy quyền, thay mặt những người già, người bệnh, em nhỏ neo đơn chạy ngược xuôi các quận huyện trích lục giấy tờ. Dì nói: “Gốc cán bộ Hội, lính vượt Trường Sơn mà, thấy người khó, sao nỡ đứng nhìn”.

Ông Mã Huy Tân - Phó chủ tịch UBND P.An Phú Đông - tự hào khẳng định: “Dì Tám Hà luôn là vậy, dù làm bất cứ việc lớn nhỏ nào, dân không biết thì thôi, biết là xắn tay vào phụ dì ngay tức khắc. Khu phố có cán bộ năng nổ, nhiệt tình như dì, chúng tôi rất an tâm. Dì là tấm gương cho nhiều cán bộ noi theo”.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI