|
Nhiều phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng lại không hiểu gì mấy về thuốc này |
Thuốc tránh thai khẩn cấp tiện lợi vì sử dụng được sau khi đã quan hệ tình dục, được các chị em rất chuộng. Cứ ngỡ chỉ các cặp đôi có quan hệ trước hôn nhân mới cần tới thuốc trên, vậy mà theo ghi nhận tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), có không ít phụ nữ đã lập gia đình vẫn dùng thuốc này như cách tránh thai thường quy, không tìm hiểu kỹ về các khuyến cáo, chống chỉ định của thuốc.
Uống rồi vẫn… “dính bầu”
Gần đây, bác sĩ Võ Thị Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Khám A Bệnh viện Hùng Vương, đã khám và tư vấn cho nhiều phụ nữ phải gánh hậu quả do lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Từ đầu năm tới nay, bác sĩ Hạnh gặp khoảng mười trường hợp bị những vấn đề sức khỏe liên quan tới việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sai cách.
Nghiêm trọng nhất là trường hợp chị P.B.V., 34 tuổi, ngụ Q.Tân Bình. Chị V. đến Bệnh viện Hùng Vương khám trong tình trạng đau bụng quằn quại, ra huyết âm đạo. Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện có phôi thai ngoài tử cung, máu trong ổ bụng. Bệnh nhân kể, gần đây sau một lần quan hệ không an toàn chị đã ra tiệm thuốc mua thuốc tránh thai khẩn cấp uống.
Đây không phải lần đầu tiên chị sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, khoảng ba tuần sau chị đau bụng dữ dội. Cứ nghĩ mình đau bụng kinh nên trì hoãn đi khám nhưng cơn đau lần này rất kỳ lạ, chị đành phải đến bệnh viện. Ngay khi phát hiện bệnh nhân có thai ngoài tử cung, bác sĩ Hạnh lập tức chỉ định cho mổ cấp cứu. Chị V. may mắn tới khám kịp thời, nếu không thai ngoài tử cung bị vỡ, máu sẽ ồ ạt vào trong ổ bụng, bệnh nhân có thể ngất xỉu và nguy cơ bị sốc mất máu, trụy mạch, đe dọa tính mạng.
Ngoài chị V., còn có nhiều phụ nữ gặp phải các tình huống không mong muốn do thuốc tránh thai khẩn cấp gây ra. Điển hình như trường hợp chị Đ.T.T., 30 tuổi, ngụ Q.10. Sau lần quan hệ cùng chồng, chị T. đã mua thuốc tránh thai khẩn cấp về uống. Lý do chị không muốn có thai vì sinh con vào thời điểm này không hợp tuổi với vợ chồng chị.
Trớ trêu thay, dù đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng sau đó vài tuần chị T. phát hiện mình mang thai. Không muốn phải bỏ thai nhưng lại lỡ uống thuốc tránh thai khẩn cấp, chị lo sợ sẽ ảnh hưởng tới em bé nên đến bệnh viện tìm bác sĩ tư vấn. Những trường hợp uống thuốc khẩn cấp vẫn “dính” bầu không hiếm. Điều các thai phụ suy tư là: thai có bị dị tật hay không? Tại sao đã uống thuốc mà vẫn có bầu?
Bên cạnh các tình huống ngoài ý muốn xảy ra sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vừa kể thì còn một tác dụng phụ nữa dễ gặp phải là rong kinh, rối loạn kinh nguyệt.
Đa số mù mờ về chống chỉ định của thuốc
Bác sĩ Hạnh vô cùng ngạc nhiên khi đa số chị em xài thuốc tránh thai khẩn cấp mà chẳng hiểu mấy về loại thuốc này. Họ chỉ nghĩ đơn giản uống thuốc này sau khi quan hệ thì sẽ không có thai. Thậm chí, có chị còn sai lầm tới mức không dùng biện pháp tránh thai thông thường mà thay thế bằng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Ngay trong chiều 15/10, tại phòng khám của Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Hạnh hỏi ngẫu nhiên vài phụ nữ tới khám thì các chị này đều nói từng dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Thế nhưng tên thuốc là gì, ai không nên dùng, liều dùng ra sao thì họ đều cười trừ. Các chị trả lời, hiệu thuốc bán sao thì uống vậy, chỉ uống một viên, còn các thông tin khác đều… không biết.
Vì những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, bác sĩ Hạnh khuyến cáo, người có bệnh lý nội khoa, suy tuyến thượng thận, đang điều trị bằng corticoid không được dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Thuốc tránh thai khẩn cấp có hai loại là progesterone và mifepristone hàm lượng 10mg (đề kháng progesterone).
Cơ chế chung của thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ khiến nhu động của vòi trứng giảm đi, làm chậm quá trình di chuyển của trứng với tinh trùng vào trong tử cung. Tuy nhiên, cũng vì thế mà trong một số tình huống hy hữu đã làm phôi thay vì đi vào tử cung thì di chuyển chậm và dừng ngay ở vòi trứng (có thai ngoài tử cung).
Tiếp đến, tại sao đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp mà vẫn “dính” bầu, bác sĩ Hạnh giải thích do phần lớn chị em uống không đủ liều. Loại mifepristone hàm lượng 10mg thì chỉ cần uống một viên sau quan hệ nhưng loại progesterone thì phải uống hai viên (một viên sau khi giao hợp, 12 tiếng tiếp theo uống thêm viên nữa). Tuy nhiên, khi mua thuốc, người bán không rành điều này, chỉ bán cho họ một viên.
Các trường hợp uống thuốc tránh thai khẩn cấp vẫn mang thai, nếu là uống loại progesterone vẫn giữ thai được (chưa ghi nhận ảnh hưởng trên thai nhi), nhưng thuốc mifepristone thì đã có khuyến cáo gây dị tật thai nhi. Dù là uống tránh thai khẩn cấp loại nào, nếu thai phụ muốn giữ thai vẫn cần được theo dõi theo quy trình tiền sản thật chặt chẽ, bác sĩ phải tư vấn tất cả các nguy cơ, tình huống xấu có thể xảy đến để họ tự quyết định chọn lựa nên giữ hay bỏ thai.
Ngoài ra, bác sĩ Hạnh cũng lưu ý những phụ nữ quan hệ tình dục thường xuyên, đã lập gia đình nên chọn một biện pháp tránh thai khác an toàn hơn như đặt vòng, cấy que, thuốc tránh thai (loại thông thường), bao cao su. Thuốc tránh thai khẩn cấp được khuyến cáo chỉ nên dùng tối đa hai lần/tháng, hạn chế sử dụng thường xuyên vì có nguy cơ gây ung thư nội mạc tử cung nếu lạm dụng quá đà.
Thanh Huyền