Tiêm corticoid, bé 5 tuổi mọc ria
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn T.D. (5 tuổi, sống ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt sưng nề, mọc lông và rậm lông vùng mặt và mép. Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 4 tháng, bé D. ho sốt và được bệnh viện huyện chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản nhưng chưa khỏi hoàn toàn.
Gia đình đã đưa bé tới phòng khám tư tại địa phương để tiếp tục chữa trị. Tại đây, bé được tiêm corticoid 2 lần/ngày, kéo dài 4 ngày liên tục để trị ho. Sau khi tiêm, bé D. giảm bệnh rất nhanh. Nhưng sau khoảng một tháng bé bắt đầu có dấu hiệu tích nước vùng mặt, trông bụ bẫm, ăn khỏe hơn bình thường (4 chén cơm/bữa), tăng 3-4kg, xuất hiện ria mép. Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương chẩn đoán bé D. bị hội chứng giả cushing - suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận định, tình trạng lạm dụng corticoid đang diễn ra phổ biến ở không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước.
|
Các bác sĩ cảnh báo lạm dụng corticoid sẽ ảnh hưởng tới thần kinh, trí não của trẻ |
Tháng nào, bác sĩ chuyên khoa II Phan Ngọc Duy Cần - Phó khoa Điều trị trong ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cũng ghi nhận vài trường hợp bệnh nhi bị kê toa có corticoid khi chưa cần thiết. Theo bác sĩ Cần, tình trạng sử dụng corticoid bừa bãi còn nhiều hơn thế, vì không phải phụ huynh nào khi đưa con vào viện khám cũng nhớ mang toa thuốc theo cho bác sĩ xem.
Điển hình nhất, gần đây có bé trai P.Đ.V. (5 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), đến khám vì bệnh lý hẹp da quy đầu. Khi bác sĩ hỏi phụ huynh bé có đang dùng thuốc gì không. Mẹ bé V. đưa ra toa thuốc của một phòng mạch tư gần nhà. Toa thuốc chỉ ghi viêm họng, thuốc chỉ định không chỉ có giảm đau, hạ sốt mà có cả corticoid. Theo bác sĩ Cần, bé chưa đến mức phải dùng corticoid. “Tôi có kiểm tra lại họng cho bé thì thấy không đến nỗi nghiêm trọng. Tôi đã yêu cầu phụ huynh ngưng cho bé dùng corticoid, chỉ cần uống vitamin C nâng cao đề kháng là đủ”, bác sĩ Cần kể.
Lầm tưởng là “thần dược”
Trong quá trình khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bác sĩ Cần nhận thấy việc lạm dụng corticoid chủ yếu trong điều trị viêm họng và biếng ăn. Corticoid là thuốc kháng viêm nên có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng ho, sốt, khò khè. Với những bé biếng ăn, corticoid gây phù nề, giữ nước dễ làm phụ huynh lầm tưởng trẻ mập mạp, tăng cân.
Theo bác sĩ Cần, khi bác sĩ quyết định kê toa có corticoid cần phải hội chẩn liên chuyên khoa (cụ thể là với khoa nội tiết) để đánh giá tình trạng bệnh nhân. Liều lượng và thời gian cho bệnh nhân sử dụng corticoid cũng phải theo dõi sát sao (không dùng dài ngày, chỉ dùng trong 1-2 ngày với liều lượng cực nhỏ). Trên toa thuốc cũng phải thể hiện rõ lý do tại sao phải dùng corticoid.
Theo ThS-BS Đỗ Gia Nam - Bệnh viện Nội tiết Trung ương - các thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng rải rác… Tác dụng của corticoid rất nhanh, khiến nhiều người lầm tưởng đây là “thần dược” trị được nhiều ca bệnh khó.
|
|
Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Cụ thể, bệnh nhân sẽ gặp những hậu quả nghiêm trọng như: suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội… “Đặc biệt, trẻ em lạm dụng corticoid sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ”, bác sĩ Nam cảnh báo.
Viêm da do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi có corticoid
Vốn sở hữu làn da trắng sáng, nhưng khi bạn bè “rỉ tai” về công dụng của một loại kem trộn, chị B.T.H. (38 tuổi, ngụ Hưng Yên) vẫn quyết định sử dụng vì tin vào khả năng làm đẹp và chống lão hóa của sản phẩm. Sau hai tuần bôi kem, da mặt chị H. sáng hồng và mịn màng lên trông thấy. Những lời khen của bạn bè, đồng nghiệp khiến chị càng hào hứng sử dụng sản phẩm này đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, sau 2 năm, da mặt chị bắt đầu xuất hiện hàng loạt biểu hiện bất thường.
Những cơn bốc hỏa tại vùng mặt thường xuyên xuất hiện. Mỗi lần như vậy, làn da đỏ bừng và nóng rát như bị bỏng khiến chị phải dùng nước mát, xịt khoáng để làm dịu bớt cảm giác khó chịu. Những vùng nám nhỏ và mụn nước li ti cũng xuất hiện rồi lan rất nhanh ở hai bên má… Khi tới Bệnh viện Da liễu Trung ương, gương mặt của chị B.T.H. đã ở trạng thái đỏ lừ, vùng da hai bên má, mũi, cằm xuất hiện những mạch máu màu đỏ tươi do bị giãn mạch. Các bác sĩ chẩn đoán, da mặt chị bị mụn và tăng sắc tố do sử dụng mỹ phẩm có chứa corticoid trong thời gian dài.
Tương tự, chị N.A. (35 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng làm đẹp bằng kem trộn. Sau tám tháng sử dụng, da mặt chị cũng bắt đầu giãn mạch, tăng sắc tố, bốc hỏa… Đặc biệt, toàn bộ vùng da mặt kéo dài tới cổ chị đều phủ dày bởi các nốt mụn nhỏ li ti. Khuôn mặt sần sùi như… “bánh đa kê” khiến chị N.A. tự ti và phải đeo khẩu trang cả ngày.
ThS-BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho biết, trường hợp của chị B.T.H. và chị N.A. chỉ là hai trong số rất nhiều ca bệnh phải nhập viện vì viêm da do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi có chứa corticoid. Thời gian đầu sử dụng corticoid, làn da của người dùng sẽ trắng đẹp rất nhanh, nhưng đó chỉ là tác dụng nhất thời. Nếu duy trì lâu dài sẽ gây giãn mạch, nám, mụn hay tăng sắc tố da… Đây là những triệu chứng điển hình do corticoid gây ra.
Cũng theo các chuyên gia, nhiều bệnh nhân khi vào bệnh viện điều trị đã mắc phải chứng “nghiện corticoid” - tức làn da bị phụ thuộc vào loại thuốc này, chỉ cần ngừng bôi sẽ xuất hiện mụn, sạm đen khiến người sử dụng dù biết độc hại nhưng vẫn phải duy trì… Điều trị viêm da do corticoid gây ra cũng là vấn đề nan giải mà bệnh nhân phải kiên trì theo đuổi. Hầu hết bệnh nhân phải dùng kháng sinh để làm giảm các triệu chứng viêm da, sau đó mới sử dụng các liệu pháp phục hồi sắc tố da… Thời gian điều trị có thể kéo dài 1 - 2 năm.
|
Huyền Anh - Trâm Anh