Làm dừa kiểng cũng lắm công phu

03/01/2020 - 07:48

PNO - Chị Lê Thị Mỹ Toàn nói: “Giá trị tinh thần là chính. Để có một cây dừa kiểng chưng tết công phu lắm, phải mất một năm.

Đưa tay phủi nhẹ lớp bụi bám trên quả dừa vừa lột vỏ, chị Lê Thị Mỹ Toàn nói: “Giá trị tinh thần là chính. Để có một cây dừa kiểng chưng tết công phu lắm, phải mất một năm. 

Theo đó, dừa khô trên cây hái xuống phải vạt đầu để vào chỗ râm mát ba tháng chờ lên mộng. Sở dĩ phải vạt đầu là để dừa lên mộng đúng chỗ theo ý muốn. Dừa sau khi lên mộng được đặt trên đống cát dày nơi râm mát để ra rễ. Lớp cát xốp sẽ giúp cho bộ rễ mọc dài hơn, dễ tạo hình về sau. Sau ba tháng mọc rễ, từng trái dừa được gỡ ra khỏi cát để chuẩn bị vào chậu. 

Cô Mỹ Toàn và cây dừa kiểng
Cô Mỹ Toàn và cây dừa kiểng

Trước khi vào chậu, trái dừa được lột bỏ lớp vỏ xơ bên ngoài và mài nhẵn vỏ gáo. Lột vỏ và lấy dừa ra khỏi cát là hai khâu phải làm hết sức cẩn thận, bởi nếu để gãy rễ thì xem như hư cả quả dừa. Một số quả, sau khi lột vỏ xong thì bị nổ. Những quả an toàn sẽ được cho vào chậu có bón sẵn phân chuồng để chăm sóc và trang trí cho đến sáu tháng mới có được sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường.

Chị Mỹ Toàn, ngụ ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Vợ chồng họ được thừa hưởng mảnh vườn tạp 4.000m2 từ cha mẹ chồng và biến nó thành vườn dừa xiêm với gần 100 cây. Trái dừa được thương lái vào tận nơi thu hoạch. Nhưng thỉnh thoảng dừa vẫn bị dội chợ, thương lái không hái kịp, để thành dừa khô, rụng xuống. 

Nhìn vườn dừa lủ khủ trái khô lên mộng, chị Toàn tiếc của đem vào nhà, tìm hiểu cách chơi dừa kiểng còn nguyên cả gáo rồi bắt tay vào làm thử. Phải trải qua nhiều lần thất bại chị mới thành công. “Năm 2017-2018 tôi chỉ làm hơn chục trái, chủ yếu tặng bạn bè hàng xóm, cơ quan. Năm 2019 này làm một trăm trái và một thương lái mua hết” - chị Toàn cho biết.

Dự kiến, sang năm sau, vợ chồng chị sẽ làm khoảng 1.000 trái để đáp ứng thị trường, và ngay bây giờ họ đã ngừng bán dừa tươi, để có dừa nguyên liệu. 

Tuy nhiên, trồng dừa kiểng chỉ là công việc phụ của vợ chồng chị Toàn. Công việc chính của họ vẫn là dạy học. Chị là giáo viên dạy hóa, còn chồng là giáo viên dạy toán. Nhà xa trường, lại phải qua một con đò, nên việc đi lại cũng mất khá nhiều thời gian của họ.

Với giá bán 200.000 đồng/cây dừa, trừ tiền nguyên liệu, tiền chậu, phân tro, vợ chồng họ còn được khoảng 140.000 đồng/cây. Rất công phu nhưng cũng có thêm thu nhập. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI