Làm du lịch cộng đồng, phụ nữ đã dám “lên tiếng”

27/10/2023 - 06:11

PNO - Du lịch cộng đồng gắn với chuyển đổi phương pháp canh nông chỉ thực sự bắt đầu ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ năm 2020 - khi điện lưới quốc gia được kéo khắp các bản. Chị em các bản học làm du lịch, học canh tác không hóa chất từ số 0, và đến nay, những chuyển đổi ấy đã giúp họ “dám nói” lên tiếng nói của mình.

Thay đổi những thói quen

Xã Chiềng Yên nổi tiếng với dòng suối uốn quanh bản Bướt. 20 năm nay, “lệ bản” quy định cấm đánh bắt cá, hễ ai vi phạm sẽ bị phạt 20kg gạo. Chị Vì Thị Thêu nhớ: “Mười mấy năm trước chúng tôi còn thanh niên, tối tối thường ra bờ suối ngồi hóng mát, kiêm luôn nhiệm vụ canh giữ, để ý xem có ai bắt trộm cá không. Hồi đó lãnh đạo xã đã có ý tưởng “giữ suối cá để sau làm du lịch”. Nhưng 4 năm trước, khi có dự án du lịch về bản, với chúng tôi, “du lịch” vẫn là cái gì đó lạ lẫm, xa vời”.

Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu nông lâm miền núi - ADC, Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc và Doanh nghiệp xã hội TABA đã hợp tác triển khai phát triển chuỗi giá trị gạo tẻ Râu thông qua dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) tại huyện Vân Hồ. Dự án tập trung vào việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ bằng cách tăng cường sự tham gia và hiệu quả của họ trong việc sản xuất và kinh doanh gạo đặc sản.

Các hộ gia đình trong bản Phụ Mẫu đi học sản xuất nông nghiệp hữu cơ - ẢNH: Đ.H.
Các hộ gia đình trong bản Phụ Mẫu đi học sản xuất nông nghiệp hữu cơ - ẢNH: Đ.H.

Năm đó, bản Bướt cùng lúc có 2 sự kiện bước ngoặt: khôi phục giống lúa tẻ Râu bản địa - canh tác không hóa chất và làm du lịch với sự đồng hành của Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc.

Bản Bướt là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Yên. Hơn 90% sinh kế của bà con người Thái, Dao, Mường phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản làm ra không được tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh, nên đời sống của bà con bao năm vẫn khó khăn. Ngày dự án được phổ biến cho bà con bản Bướt, hầu hết mọi người đều tò mò nhưng không dám đi ngược lại thói quen canh tác bao năm.

Chị Đinh Thị Huyền - Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc - đã cam kết bao tiêu đầu ra nông sản cho bà con. Nhưng khởi đầu của hành trình sản xuất hữu cơ cũng như xây dựng du lịch bền vững vẫn đầy gian nan. Vụ sản xuất lúa tẻ Râu theo phương pháp hữu cơ đầu tiên ở bản Bướt, có hộ thu hoạch thuận lợi, có hộ thất bát nên bà con chưa hoàn toàn tin tưởng vào cam kết của nữ giám đốc người Mường.

Chỉ đến khi gạo Râu được thu mua với giá cao gấp 2 lần gạo thường, bà con mới yên tâm về con đường nông nghiệp không hóa chất.

Là tổ trưởng tổ sản xuất Hoa Bưởi, phụ trách 11 hộ, những ngày đầu, chị Thêu phải đến từng nhà vận động bà con tham gia sản xuất lúa tẻ Râu theo tiêu chuẩn của dự án. Chị tâm sự: “Lúc đầu vất vả lắm. Chúng tôi được tập huấn 16 buổi, nhưng bà con chưa có kinh nghiệm sản xuất nên năng suất không cao như những vụ trước.

Bù lại, chi phí đầu vào rất ít vì phân hữu cơ tự sản xuất, thuốc trừ sâu tự làm, giá bán lại cao hơn nên tính tổng thể thì sản xuất không hóa chất có lợi hơn. Cũng phải mất 1 năm để bà con đồng lòng”. 

Chị Đinh Thị Huyền nhớ: “Bà con chưa có khái niệm về du lịch nên chúng tôi phải cầm tay chỉ việc từ những điều nhỏ nhất. Làm du lịch, điều đầu tiên là phải sạch. Tôi và cán bộ dự án người Iceland, mỗi người 1 chiếc kẹp tre, xách xô đi gắp phân trâu, phân bò khắp bản. Rồi chúng tôi hướng dẫn bà con làm vệ sinh công trình phụ; giải thích cho bà con biết cùng là trứng chiên, nhưng đĩa trứng dùng trong dịch vụ du lịch phải khác đĩa trứng dùng trong gia đình…”.

“Khi những vị khách du lịch đầu tiên đến bản cũng là giai đoạn bà con chưa nhìn thấy hiệu quả từ sản xuất hữu cơ, nên họ nản, muốn bỏ. Chúng tôi lại động viên, khó khăn lắm mọi người mới kéo được khách về bản, bà con mình mà không cố gắng là phụ công sức của mọi người. Thế là tất cả cùng xốc lại tinh thần để bước tiếp” - chị Thêu chia sẻ.

Khách du lịch gói bánh cùng phụ nữ bản Bướt - ẢNH: U.N.
Khách du lịch gói bánh cùng phụ nữ bản Bướt - ẢNH: U.N.

Vợ dám lên tiếng, chồng đã chia sẽ công việc

Mất 1 năm làm quen được với canh tác không hóa chất thì vướng đại dịch, nên đến năm 2021, hoạt động du lịch của bà con bản Bướt mới thực sự được vận hành. May mắn là nông sản của bà con, ngay trong mùa dịch vẫn được Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc và doanh nghiệp TABA tiêu thụ, nên cuộc sống của bà con bản Bướt ổn định hơn các bản khác.

Bản Bướt đã hình thành được 4 tổ sản xuất gồm tổ Hoa Bưởi, tổ Chè Xanh, tổ Đồng Xanh và tổ Suối Cá. Sau những năm sản xuất hoàn toàn không hóa chất, nhiều loại côn trùng nay đã hồi sinh. “Tôm là loài không thể sống được trong môi trường nước ô nhiễm, nhưng 2 năm nay, tôm đã trở về, sinh sống và phát triển từng đàn ngoài các con mương. Gặt lúa, thu hoạch rau màu, bắt tôm cá trở thành một trong những sản phẩm du lịch của bản Bướt. Vừa có nguồn thực phẩm sạch bổ sung bữa ăn, vừa phục vụ du lịch, bà con vui lắm” - chị Đinh Thị Huyền phấn khởi.

Chị Vì Thị Thêu vừa là Tổ trưởng tổ Hoa Bưởi, vừa tham gia tổ bếp, vừa trong đội văn nghệ. Anh Hà Văn Khiêm - chồng chị - ở đội chèo thuyền. Một số thành viên khác của bản tham gia nhóm hướng dẫn du khách… Nhóm sản xuất nào cũng trồng lúa, các loại rau xanh, sản xuất đến đâu, Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc, doanh nghiệp TABA và khách du lịch tiêu thụ hết đến đó.

Chị Thêu chia sẻ: “Trước khi làm du lịch và sản xuất hữu cơ, tôi bán tạp hóa, làm ruộng, bán hàng online, nhưng cũng không có đồng ra đồng vào như bây giờ. Khách du lịch không phải lúc nào cũng đông, nhưng những sản phẩm hữu cơ thì luôn mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình”. Song, giá trị lớn nhất mà chị Thêu nhận được là tiếng nói giữa vợ và chồng trong gia đình đã có sự cân bằng. Chị chia sẻ rất thật: “Ngày trước chồng nói bất cứ điều gì tôi cũng không “dám” nói lại. Nhưng từ khi có thu nhập từ việc tham gia tổ bếp, tổ văn nghệ, rồi được ra khỏi xã, khỏi huyện tiếp xúc với nhiều người, tôi bắt đầu chia sẻ với chồng. Thậm chí chị em chúng tôi còn “dám” nói: “Hôm nay chúng em làm bếp phục vụ khách, tối lại diễn văn nghệ, anh không bận gì thì làm việc nhà hộ em”. Người phụ nữ được ra ngoài tiếp xúc, lại tự chủ được kinh tế nên thực sự chị em chúng tôi đã có tiếng nói trong gia đình”.

Cánh mày râu của bản Bướt hỗ trợ chị em phụ nữ việc bếp núc phục vụ khách du lịch - ẢNH: U.N.
Cánh mày râu của bản Bướt hỗ trợ chị em phụ nữ việc bếp núc phục vụ khách du lịch - ẢNH: U.N.

Chị Hà Thị Duyên - thành viên của tổ bếp và cũng là thành viên của tổ Chè Xanh - khoe, hôm nào có khách du lịch, mỗi chị em làm bếp được trả công từ 200.000-250.000 đồng. Chị khẳng định, chính việc chuyển đổi phương pháp canh tác nông nghiệp đã giúp chị em bản Bướt có được sự bình đẳng giới hơn bất cứ tuyên truyền nào. “Ngày trước sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, hầu hết các ông chồng là người đi mua thuốc, mua phân về cho vợ đi bón, đi phun. Phụ nữ phải gánh vác việc nhà, chăm sóc gia đình và hầu như toàn bộ các công việc nặng nhọc ngoài đồng. Nhưng khi chuyển sang sử dụng thuốc trừ sâu từ tỏi ớt, thì các ông chồng nhận nhiệm vụ “sản xuất” thuốc trừ sâu. Khi sử dụng phân hữu cơ, cả 2 vợ chồng cùng đi kiếm phân trâu, phân bò, mang rơm rạ, lá cây về ủ chế phẩm. Các ông chồng không yên tâm để vợ làm tất cả các công đoạn nên 2 vợ chồng đã có những chia sẻ, bàn bạc với nhau về các công việc ngoài đồng áng” - chị Duyên giải thích. 

Từ thành công của bản Bướt, với sự tài trợ kinh phí từ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc bắt đầu triển khai canh tác hữu cơ ở bản Phụ Mẫu.

Hiện các hoạt động đào tạo về nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai tới 31 hộ thành viên. Dự kiến trà xanh và lạc đỏ hữu cơ sẽ là 2 sản phẩm đặc trưng của bản Phụ Mẫu. Đã có 2 doanh nghiệp cam kết đồng hành thu mua sản phẩm cho bà con.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI