Làm đẹp ở bệnh viện công, bất ngờ bị bác sĩ cho dùng hàng không rõ nguồn gốc

01/09/2019 - 06:30

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM có loạt bài phản ảnh về 'Sai phạm kéo dài tại Bệnh viện Trưng Vương' vào tháng 4/2019, cuối cùng Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều kết luận bất ngờ xảy ra tại bệnh viện này.

Sai phạm kéo dài tại Bệnh viện Trưng Vương

Bài 1: 'Lệch' tiền tỷ từ thực thu của bệnh nhân và chứng từ

Bài 2: Tiền tỷ chênh lệch vào túi ai?

Thanh tra TP.HCM kết luận nhiều sai phạm tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), trong đó có những chuyện kỳ lạ như: chi hoa hồng cho người giới thiệu bệnh nhân; bác sĩ bỏ tiền vào túi riêng khi bệnh nhân đến bệnh viện công làm đẹp.

5 bác sĩ bỏ túi riêng tiền của 144 bệnh nhân đến làm đẹp

Năm 2018, tổng số ca khám và điều trị phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện Trưng Vương là 1.849 ca. Trong đó, 144 ca bệnh có sử dụng vật liệu nhân tạo. Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ trực tiếp thu tiền của 144 bệnh nhân với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Nhưng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ chỉ nộp lại hơn 1 tỷ đồng cho bệnh viện. Sau khi thanh toán tiền vật liệu nhân tạo cho các công ty, còn lại hơn 1,9 tỷ đồng, 5 bác sĩ của khoa Bỏng -  Tạo hình hưởng trọn số tiền này.

Lam dep o benh vien cong, bat ngo bi bac si cho dung hang khong ro nguon goc
Bệnh viện Trưng Vương là bệnh viện hạng 1, được tự chủ tài chính từ năm 2018

Tuy nhiên, 1,9 tỷ đồng này chỉ là con số theo báo cáo ngày 10/4/2019 và văn bản giải trình ngày 9/5/2019 của bác sĩ Lê Thanh Chiến – Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương. Bởi khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ không cung cấp được chứng từ thu tiền thực tế của 144 bệnh nhân cho Thanh tra thành phố; cũng không cung cấp tài liệu, chứng từ, hợp đồng mà họ tự nhận đã mua vật liệu nhân tạo của 8 công ty với số tiền hơn 773 triệu đồng.

Việc các bác sĩ khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương tự thu tiền vật liệu nhân tạo của bệnh nhân để sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ, theo Thanh tra thành phố là chưa đúng chức năng nhiệm vụ.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Sở Y tế TP.HCM quyết định thu hồi số tiền hơn 1,9 tỷ đồng nhưng đến ngày 4/6/2019, chỉ có 4 bác sĩ nộp tiền, còn lại một người chưa nộp.

Giải thích vì sao bệnh viện không tổ chức đấu thầu mua sắm vật liệu nhân tạo mà giao cho khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ tự mua, lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư y tế tiêu hao (trong đó có mặt hàng vật liệu nhân tạo để phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ) nhưng không lựa chọn được nhà thầu hoặc nhà thầu không tham gia dự thầu. Do đó, bệnh viện không có vật liệu nhân tạo sử dụng cho các bệnh nhân và khách hàng thẩm mỹ”.

Lam dep o benh vien cong, bat ngo bi bac si cho dung hang khong ro nguon goc
Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương

Thay vì báo cáo tình hình này cho Sở Y tế, bác sĩ Lê Thanh Chiến - Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương ban hành các quyết định giao cho Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ chịu trách nhiệm  tư vấn, giới thiệu cho bệnh nhân.

Thanh tra Thành phố xác định việc Bệnh viện Trưng Vương không thực hiện mua sắm vật liệu nhân tạo là chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu 2013; Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính; Quyết định số 10/2010 của UBND TP.HCM về phân cấp quản lý nhà nước với tài sản tại cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập…

5 bác sĩ bị Thanh tra thành phố xác định chia nhau hưởng 1,9 tỷ đồng thu được từ bệnh nhân, khách hàng đến Bệnh viện Trưng Vương thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2018 gồm các ông P.T.Q.K; Đ.P.Đ; N.X.T; N.N.N. và bà T.L.H.N..

101 bệnh nhân đóng tiền để được làm đẹp bằng các vật liệu nhân tạo không nguồn gốc xuất xứ

Tuy nhiên, việc các bác sĩ bỏ túi riêng tiền của bệnh nhân chưa đáng sợ bằng việc sử dụng các vật liệu nhân tạo không có nguồn gốc xuất xứ cho khách hàng, bệnh nhân.

Quá trình thanh tra đã phát hiện 101 hồ sơ bệnh án tại khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ không thể hiện tem dán, nhãn hiệu, xuất xứ các loại vật liệu nhân tạo dùng trong phẫu thuật cấy ghép vào cơ thể người.

Thanh tra Thành phố kết luận: “Bệnh viện Trưng Vương không có hồ sơ theo dõi nguồn gốc sản phẩm, chất liệu vật liệu nhân tạo đã sử dụng phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ”.

Lam dep o benh vien cong, bat ngo bi bac si cho dung hang khong ro nguon goc
Khu vực điều trị cho bệnh nhân thuộc khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương

Trong khi đó, theo quy định, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý, phải ghi rõ, đầy đủ các mục, bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám chữa bệnh.

Việc 101 bệnh án không thể hiện nguồn gốc xuất xứ các vật liệu nhân tạo là không đúng quy định tại Điều 59, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.

101 bệnh nhân dùng vật liệu nhân tạo không nguồn gốc xuất xứ đã được các bác sĩ thực hiện cho một số thủ thuật, phẫu thuật như tạo hình mũi một phần; độn cằm; chỉnh sửa biến chứng sau nâng mũi ở các nơi khác; nâng mũi; căng da cổ; căng da mặt bán phần; nâng má hóp; tiêm chất làm đầy xóa nếp nhăn…

Kỳ lạ bệnh viện công chi trả hoa hồng giới thiệu bệnh nhân

Đây là một trong những điều lạ lùng nhất xuất hiện ở Bệnh viện Trưng Vương. Dù là bệnh viện công lập hạng 1 của TP.HCM, lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương vẫn rất “chịu chơi” khi chi hoa hồng giới thiệu bệnh nhân ở mức từ 1% đến 12% trên doanh thu của từng hoạt động khám chữa bệnh.

Thanh tra Thành phố xác định cụ thể số tiền chi hoa hồng này là hơn 158 triệu đồng, trong đó chi cho các cá nhân không phải người của bệnh viện là 34,7 triệu đồng; chi cho người của bệnh viện là 123,4 triệu đồng.

Số tiền chi ngoài quy định được lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương giải thích là: “Chấp nhận giảm một phần lợi nhuận do chi hoa hồng giới thiệu bệnh nhân để tăng nguồn thu, tăng tích lũy bổ sung kinh phí, tăng năng suất lao động, duy trì hoạt động và nâng cao đời sống cho nhân viên bệnh viện”.

Lam dep o benh vien cong, bat ngo bi bac si cho dung hang khong ro nguon goc
Bệnh nhân tại Bệnh nhân Trưng Vương

Thanh tra Thành phố nhận định việc chi hoa hồng này là thực hiện ngoài quy định. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương và các phòng ban, cá nhân có liên quan.

Trong khi “chịu chi” hơn 158 triệu đồng hoa hồng cho môi giới giới thiệu bệnh nhân, Bệnh viện Trưng Vương lại bị mất trắng hơn 6,2 tỷ đồng vì Bảo hiểm xã hội TP.HCM từ chối thanh toán phí khám chữa bệnh trong năm 2017.

Lý do là Bệnh viện Trưng Vương bị phát hiện kê thuốc không phù hợp chẩn đoán; chụp X-quang 2 phim cùng một vị trí; chỉ định xét nghiệm không phù hợp; thống kê dư tiền công khám…

Bệnh viện Trưng Vương còn bị Thanh tra Thành phố phát hiện có nhiều sai phạm trong quyết toán kinh phí không thường xuyên; chi tiền công phẫu thuật, thủ thuật từ khám chữa bệnh dịch vụ cao hơn quy định; không thực hiện đúng nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định; không công khai kết quả chỉ định thầu; tự mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị có giá trị trên 100 triệu đồng; quản lý sử dụng tài sản mặt bằng nhà đất chưa đúng quy định…

Bác sĩ Lê Thanh Chiến - Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương có trách nhiệm trong các sai phạm nói trên. Ngày 14/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu chỉ đạo Sở Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm theo kết luận Thanh tra Thành phố; thành lập Đoàn thanh tra liên ngành tiếp tục thanh tra việc thu chi tại khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương trong quý 4/2019.

Hoàng Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI