PNO - Ham rẻ, muốn đẹp nhanh nhưng ngại đến bệnh viện, các chị tìm đến những cơ sở làm đẹp “chui”, thậm chí… rước “bác sĩ” đến nhà cho tiện, không ít người phải trả giá đắt.
Những năm gần đây, lĩnh vực làm đẹp ngày càng trở nên sôi động với nhiều cơ sở làm đẹp được mở ra. Người có nhu cầu, nhất là chị em phụ nữ càng có thêm cơ hội trong “cuộc chạy đua nhan sắc”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo trước những quảng cáo hấp dẫn, đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn đẹp nhanh và không cần phải đến bệnh viện. Để rồi, khi xảy ra biến chứng, nỗi ám ảnh và di chứng kéo dài nhiều năm trong tự ti, mặc cảm.
Những nạn nhân của… làm đẹp giá rẻ
Hơn bốn năm qua, chị P.T.K.D. (34 tuổi, quê tỉnh Cần Thơ, làm công nhân ở tỉnh Bình Dương) không ít lần vào ra bệnh viện phẫu thuật xử lý các cục silicon “đi lạc”. Theo chị D, bác sĩ điều trị cho chị nói do silicon đã vào máu, không thể loại bỏ hoàn toàn nên chỉ có thể làm tiểu phẫu để xử lý khi chất này vón cục tại một vị trí nào đó. Lúc này, silicon phải được lấy ra, nếu không sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, hoại tử nơi chúng “làm tổ”.
Nhớ lại giai đoạn kinh hoàng, chị D. chia sẻ, khi sinh con thứ hai, không hiểu sao người chị ngày càng gầy gò, hốc hác, bụng có nhiều vết nứt. Nhiều lần chị định đến spa để cải thiện nhan sắc nhưng không có điều kiện. Chị nói: “Cùng dãy nhà trọ với tôi, các chị em thường làm đẹp từ một chị, xưng là bác sĩ. “Bác sĩ” này thường xăm chân mày, xăm môi và nâng ngực, nâng má tại phòng trọ cho mọi người nên tôi cũng hỏi thăm. Nghe “bác sĩ” tư vấn, tôi đồng ý nâng ngực, bụng, eo với giá hơn 5 triệu đồng. Sau đó, tôi được truyền chất lỏng màu vàng nhạt vào các vị trí trên. Một ngày sau, hai ngực của tôi sưng tấy, nơi tiêm đen lại, chất lỏng hai bên ngực dồn vào giữa, rất đáng sợ. Mất nhiều ngày “bác sĩ” này giữ tôi lại chỉnh sửa nhưng không thành. Đến khi cơ thể bị nổi rất nhiều cục u, tôi sợ quá đến Bệnh viện Chợ Rẫy cầu cứu”.
Theo chị D., trong nhiều tháng liền chị phải chịu các đợi phẫu thuật lớn, nhỏ mới có thể qua nguy hiểm. Bác sĩ xác định chất lỏng chị được truyền là silicon dạng lỏng. Silicon cũng đã theo máu đi khắp cơ thể nên bác sĩ không thể giải quyết hậu quả triệt để được mà chỉ theo dõi lượng silicon này vón cục tạo thành u ở nơi nào thì phẫu thuật và giải quyết ở đó. Từ khi chị vào bệnh viện, nữ “bác sĩ” đã bỏ trốn. “Đến bây giờ, các cục u vẫn còn đeo bám, tôi luôn mặc quần áo tay dài để che đi. Chưa kể chi phí vào ra bệnh viện những năm qua cũng đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Hạnh phúc gia đình cũng vì đó gặp nhiều trục trặc, sức khỏe yếu, không thể đi làm như trước đây. Tôi rất hối hận”, chị D. nói.
Chị T. bị biến chứng do làm đẹp không đúng cách được tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, khám điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Phạm An
Nửa năm trước, chị N.T. (30 tuổi, ở TPHCM) đến một tiệm spa ở Q.1 để “đốt mỡ” với giá hơn 13 triệu đồng. Nhìn những vết sẹo dài ở đùi và eo, chị T. cho biết một khi đã bước vào cơ sở làm đẹp, chị em rất khó tránh khỏi lời ngon ngọt của nhân viên tư vấn. Chị chia sẻ: “Tôi chọn tiệm spa lớn, ở trung tâm vì nghĩ đây là nơi uy tín. Tôi cũng kiểm tra trình độ về lĩnh vực làm đẹp của nhân viên tư vấn rồi mới chọn gói làm đẹp được cho rằng thuốc tan mỡ nhập từ châu Âu. Tôi được spa hứa bảo hành cho đến khi như ý. Ban đầu tôi dự định tiêm thuốc tan mỡ ở hông trước, nếu hiệu quả mới làm thêm, nhưng chỉ trong mười phút, người tư vấn vừa nói chuyện, vừa đưa tôi vào một căn phòng, rồi lần lượt tiêm ở hông, bụng, đùi… và tôi cũng ký vào giấy cam kết thực hiện liệu trình lúc nào không hay. Tôi không biết đó là thuốc gì vì bị tiêm quá nhanh, chỉ biết ống tiêm lớn và đó là một dạng chất lỏng”.
Cứ thấy vết sẹo, ám ảnh lại quay về
Về nhà, những vị trí tiêm bị sưng, đau nhức, làm mủ, chị N.T. báo với chủ tiệm spa thì được đưa đến một cơ sở y tế khác để điều trị. Qua nhiều lần làm phẫu thuật, không chịu nổi, chị phải tự đi bệnh viện. “Điều đó có nghĩa là tôi phải ký vào giấy tự kết thúc liệu trình, spa không chịu trách nhiệm về sau. Trong tình huống da tôi đã bong tróc, rách ra từng mảng, tôi phải ký và tự chịu chi phí điều trị”, chị T. kể. Đáng sợ hơn, thuốc tan mỡ phá hủy các tế bào xung quanh, làm cho vết thương của chị T. lở loét rất nhanh, thậm chí làm vô hiệu hóa các tế bào xung quanh, đẩy chị vào nguy hiểm, khủng hoảng nặng nề bởi nhiễm trùng liên tục, ghép da cũng không thành công.
Chị nói: “Trải qua hơn ba tháng nằm viện, sáu lần phẫu thuật lớn, vô số lần tiểu phẫu, tôi mới được điều trị xong. Lúc đó, nếu tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, không vừa điều trị, vừa nhờ bác sĩ hỗ trợ tâm lý cho tôi, có lẽ tôi đã không thể vượt qua sự đau đớn, mệt mỏi, sợ hãi đến vậy. Đến bây giờ, tôi luôn có cảm giác xấu hổ mỗi lần ai đó nhìn mình, dù thường xuyên mặc đồ thật kín để che đi các vết sẹo”.
Theo bác sĩ Hiệp, trước khi quyết định làm đẹp, mọi người nên lựa chọn cơ sở uy tín, các thủ thuật, thuốc sử dụng được Bộ Y tế cấp phép. Khách hàng cũng có thể yêu cầu cơ sở xuất trình giấy phép, bác sĩ được phép thực hiện làm đẹp ở hạng mục nào rồi hãy cân nhắc, quyết định, đừng quá nóng vội dễ mắc bẫy các cơ sở tự phát. Nếu xảy ra biến chứng, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra sớm, càng kéo dài nguy cơ di chứng càng lớn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, Phó khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết nhiều người làm đẹp thường chủ quan nghĩ các thủ thuật như xăm môi, chân mày, nâng ngực, cắt mí mắt… là đơn giản, không có rủi ro nên đã đến các dịch vụ làm đẹp mà không tìm hiểu về uy tín của cơ sở thẩm mỹ hay trình độ chuyên môn của người thực hiện. Tuy nhiên, các phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: sốc thuốc, chảy máu, nhiễm trùng, sẹo lồi… thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được tư vấn, kiểm tra sức khỏe đầy đủ và thực hiện tại các cơ sở y tế không uy tín. Đặc biệt, người có nhu cầu làm đẹp trước khi chấp nhận bơm, cấy các vật liệu thẩm mỹ khác vào cơ thể phải kiểm tra nguồn gốc thật kỹ để đảm bảo an toàn.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM thông tin, thời gian qua, sở đã lập nhiều đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở thẩm mỹ, phát hiện nhiều nơi không có giấy phép, người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc… Tùy mức độ vi phạm, các cơ sở này bị phạt tiền, buộc đóng cửa, đình chỉ hoạt động… Hiện trên trang thông tin của Sở Y tế, Bộ Y tế có danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép, thông tin cảnh báo, xử lý những phòng khám, cơ sở hoạt động “chui”. Vì vậy, trước khi làm đẹp, người dân nên tra soát để biết được cơ sở mình chọn lựa đã được cấp phép chưa, hạng mục cấp phép hoạt động, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề ở hạng mục phù hợp với nhu cầu làm đẹp, tránh tiền mất tật mang.
Mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận từ 4.300-4.600 lượt bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn khiến bệnh nhân trầm cảm...