“Làm đẹp” cho mạng xã hội

20/09/2015 - 13:42

PNO - Mạng xã hội là phương tiện kết nối vô cùng hữu dụng nhưng không phải ai cũng sử dụng nó một cách thông minh.

“Lam dep” cho mang xa hoi
Kêu gọi lan truyền suy nghĩ tích cực trong mạng xã hội - Ảnh: Star TV 

Nhiều người chạy theo đám đông, không ngại đưa ra những lời bình luận, chỉ trích đầy tiêu cực. Nạn nhân bị “đánh hội đồng” trên mạng có thể là bất cứ ai, như câu chuyện của nam diễn viên Bollywood Abhishek Bachchan mới đây.

Abhishek Bachchan không may trở thành nhân vật chính của những chủ đề bình luận, soi mói từ cư dân mạng. Họ dùng từ ngữ vô cùng nặng nề, chê bai diễn xuất của anh.

Nhiều khán giả đòi tẩy chay phim có anh tham gia. Thế nhưng, bất luận khán giả “ném đá” kiểu gì, Abhishek vẫn trả lời một cách lịch sự và chẳng làm to chuyện.

Một lần, khán giả có tên Mayank Tiwari sau khi đem con gái ba tuổi của Abhishek ra trêu chọc thì lại tiếp tục bài xích: “Điều tốt nhất trong cuộc đời tôi là dừng xem phim anh đóng”.

Abhishek đáp: “Nghĩa là bạn từng xem phim tôi đóng. Cảm ơn bạn nhé!”. Chính lúc này, Mayank nhận ra mình đùa quá lố và sự kiên nhẫn của Abhishek giúp anh nhận ra nam diễn viên không muốn gây hấn, dù đã bị người khác làm tổn thương.

Thế nên Mayank thay đổi thái độ: “Có lẽ tôi đã sai. Thành thật xin lỗi. Anh có thể xóa những dòng bình luận của tôi được không?”. Với Abhishek, điều này không mấy khó khăn: “Tôi sẵn sàng nhưng lần sau, đừng mang con gái tôi vào trò này, chẳng vui vẻ gì đâu bạn ạ!”.

“Lam dep” cho mang xa hoi
Nam diễn viên Abhishek Bachchan - Ảnh: Bolly Spice

Là người của công chúng, Abhishek Bachchan ý thức việc mình được yêu mến hay ghét bỏ nhưng luôn tự nhủ rằng, dù thế nào cũng không để cho những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm mình.

Viết ra những câu chữ không kiềm chế, dựng chuyện, moi móc nhằm hạ gục đối phương dường như đang trở thành “căn bệnh” của người dùng mạng xã hội. Từ chính câu chuyện của mình, Abhishek quyết tâm thay đổi, anh kêu gọi mọi người cùng tham gia chiến dịch suy nghĩ tích cực và lan truyền sự vui vẻ trên mạng xã hội.

Anh khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả hãy viết những câu bình luận lạc quan, dí dỏm, lịch sự thay vì dùng sự giận dữ đáp lại bằng câu từ không hay.

Mỗi khi như vậy, mọi người gắn thẻ #BePositive, giúp ý tưởng này lan rộng đến cộng đồng nhiều hơn, giúp “đổi màu” tâm trạng của người dùng mạng xã hội vốn đã quá ngán ngẩm với những cách hành xử, lời lẽ thiếu văn hóa.

Cùng chung suy nghĩ với Abhishek Bachchan, người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất người Malaysia Rina Omar phát động phong trào #thisisourmalaysia. Với từ khóa này, cô kêu gọi mọi người cùng đăng ảnh, giới thiệu câu chuyện tươi vui về gia đình, người thân, bạn bè hay bất cứ ai, điều gì mang lại sự hứng khởi trong cuộc sống của bạn.

Bằng cách này, mọi người sẽ hiểu hơn rằ ng mạng xã hội nên là nơi ấm áp, thay vì nhuốm màu u ám, với đối đáp nhát gừng, chỉ trích thẳng “tưng”, hay tự do thể hiện xúc cảm cá nhân một cách thái quá.

Rina Omar chia sẻ: “Có hôm, tôi tạm ngưng dùng mạng xã hội vì nó cứ rối beng: Người ta chuyền tay nhau những đường link tin tức giật gân, hay dè bỉu ai đó. Thật kinh khủng vì điều đó khiến suy nghĩ chúng ta u tối hơn. Chẳng lẽ mạng xã hội không có gì hay hơn những điều xấu xí ấy sao?”.

Ở Malaysia từng có vụ nữ sinh 15 tuổi Amanda Todd phải tự tử vì những bức ảnh riêng tư của cô bé bị đánh cắp và trở thành đề tài cho mọi người nhiếc móc.

“Lam dep” cho mang xa hoi
Mạng xã hội không phải là nơi buông lời tiêu cực và trút bực dọc - Ảnh: Cvent

Chuyên gia xã hội học Kevan Lee nhắc đến một cuộc khảo sát thực hiện năm 2013 ở Mỹ, thông qua phân tích ba triệu dòng trạng thái của người dùng mạng xã hội.

Một phần mềm ngôn ngữ được dùng hỗ trợ và cho kết quả rằng, dòng trạng thái tích cực sẽ kéo theo những câu bình luận tích cực tương tự và ngược lại. Nếu muốn mạng xã hội bớt sự hằn học thì chính chúng ta hãy bồi đắp bằng tư duy tích cực của mình.

Thiên Như (Theo Daily Mail, Straits Times, Buffer, Bolly Spice)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI