Từ làm mặt…
Trang điểm cho búp bê hay còn gọi repaint hoặc face-up, là một trong những công việc lạ chỉ mới du nhập vào Việt Nam hai - ba năm gần đây.
Giống như việc make-up cho người, face-up cũng trải qua các bước như đánh mặt tạo khối, kẻ mắt, vẽ lông mày, gắn mi giả... Nếu màu tóc, kiểu tóc không phù hợp, thợ sẽ cắt tóc, bôi thuốc uốn, nhuộm, duỗi để tạo ra mẫu ưng ý nhất.
Tuy nhiên, công việc này không được thực hiện bằng phấn sáp mà bằng màu và cọ vẽ. Người thợ trang điểm cho búp bê, trước khi thể hiện sự sáng tạo của mình, phải “tẩy trang” sạch lớp trang điểm cũ của các hãng sản xuất búp bê, sau đó tự do sáng tạo, vẽ lại một gương mặt mới với biểu cảm, ánh nhìn, sắc mặt hoàn toàn khác.
Chính vì sự công phu này, mỗi gương mặt búp bê cần ba - bốn giờ để hoàn thành. Những tác phẩm búp bê được trang điểm xuất sắc có thể trở thành quà tặng hay những món trang trí đắt tiền.
|
Thiết kế thời trang cho búp bê. |
Phan Ngọc Sang (27 tuổi) - quản lý PinkDoll là chàng trai “đình đám” trong lĩnh vực này cho biết, sở dĩ nảy sinh nghề trang điểm búp bê vì sản phẩm do các công ty sản xuất thường có chung một kiểu gương mặt, cách trang điểm.
“Những người thực sự yêu thích búp bê cảm thấy nhàm chán và muốn sở hữu những gương mặt độc đáo hơn. Vì thế, họ tìm tới bọn mình. Nhiều người nghĩ, búp bê chỉ dành cho trẻ em nhưng đối tượng khách hàng của mình lại chủ yếu là người lớn, đi làm và có thu nhập cao” - Sang chia sẻ.
|
Dù face-up búp bê mới du nhập vào Việt Nam, nhưng được rất nhiều bạn trẻ theo nghề. |
Nguyễn Trà Mi (20 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) theo nghề trang điểm búp bê được gần nửa năm kể, do không hài lòng với nàng búp bê nên Mi tẩy hết mặt mũi rồi vẽ lại theo ý. Sau đó cô đăng lên mạng xã hội khoe với bạn bè, không ngờ nhiều người rất thích và đặt hàng Mi thường xuyên.
“Hồi đầu vẽ cực lắm, bị hỏng liên tục. Vẽ hỏng phải trầy trật xóa đi, thậm chí có con bị xóa nhiều quá hư cả mặt, đành bỏ. Sau một thời gian quen tay, mình vẽ búp bê dần đẹp hơn, tinh tế và có hồn, được nhiều người thích. Người này đặt vẽ ưng ý lại giới thiệu cho người kia. Búp bê sau khi face-up sẽ được phủ một loại keo chuyên dụng lên mặt. Nếu người chơi giữ gìn, lớp face-up có thể giữ được ba - bốn năm hoặc lâu hơn” - Mi cho hay.
|
Trò chơi ngày bé trở thành nghề cho thu nhập khá của người lớn. |
Theo các bạn trẻ này, búp bê của khách gửi để face-up không phải là dòng búp bê rẻ tiền mà là dòng cao cấp như BJD, Animator và fashion royalty... với mức giá tiền triệu, thậm chí đến hàng chục triệu đồng/con.
Giá face-up từ 400.000-600.000 đồng/1 mặt búp bê và ma-nơ-canh từ 600.000-9000.000 đồng/1 mặt. Sang tiết lộ, trung bình anh làm khoảng ba mặt/ngày, thu nhập một tháng đạt khoảng trên 30 triệu đồng. Dù không phải là công việc sáng tạo cao nhưng nghề face-up luôn đòi hỏi cần cập nhật các xu hướng thời trang mới và có khiếu thẩm mỹ tốt.
“Phải thật sự yêu nghề, đam mê thì mới làm được. Như mình, phải có hứng mới ngồi vào bàn, vẽ mặt cho búp bê được. Nghề nào cũng có cái khó, không dễ dàng để kiếm được cả chục triệu đồng từ nghề này” - Sang tâm sự.
|
Cô Ba Sài Gòn với áo dài, giày dép, túi xách sành điệu. |
… đến thời trang
Phạm Nguyễn Phước Điền (25 tuổi) từng là sinh viên ngành thiết kế thời trang trường đại học Hoa Sen, hiện đang sở hữu một bộ sưu tập thời trang búp bê đẹp mê ly. Điền chia sẻ: “Ý tưởng thiết kế trang phục cho búp bê bắt nguồn từ việc mình theo dõi các cuộc thi hoa hậu. Những con búp bê như một bản sao thu nhỏ hoàn hảo từ những cô gái xinh đẹp này. Tuy nhiên, mình muốn thể hiện cái tôi riêng từ những bản sao thu nhỏ đó”.
Bằng kiến thức và vốn hiểu biết về thời trang, Điền bắt đầu thiết kế ra một style riêng dành cho búp bê. Ban đầu chỉ là những mẫu đơn giản, trang phục dạo phố... Dần dần chàng trai bắt tay vào thiết kế những mẫu có tính nghệ thuật hơn như áo dài, dạ hội... Thậm chí có những bộ trang phục đắt như hàng hiệu, các mẫu có tính nghệ thuật cao, được đính kết công phu có giá cao hơn nhiều lần đồ dành cho người mặc.
“Xưởng” may của cô bạn Đặng Thị Hương (19 tuổi) đặt ngay trong phòng trọ. Vốn có năng khiếu thiết kế thời trang, lại rất mê búp bê nên Hương được bạn bè tín nhiệm, gửi gắm “may đo” áo quần cho “bé cưng” của họ. “May trang phục cho búp bê khó hơn đồ cho người, có nhiều chi tiết rất nhỏ, đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn ngay từ khâu ra rập” - Hương cho biết.
|
Anh Phan Ngọc Sang có thu nhập 30 triệu đồng/tháng từ nghề “làm chơi, ăn thiệt”. |
Ở Việt Nam có những hội, nhóm chơi búp bê rất nổi tiếng, với nhiều lứa tuổi. Nhưng vì phong trào không phát triển mạnh mẽ như ở nước ngoài nên ít người biết đến. Hầu hết người Việt Nam quan niệm búp bê là một món đồ chơi trẻ em.
Tuy nhiên, với người sưu tập và chơi búp bê, đó không chỉ là một người mẫu “dễ chịu” có thể mặc bất cứ loại trang phục nào chủ nhân yêu cầu, mà còn là người bạn, cộng sự đắc lực trong đam mê thời trang.
|
Những búp bê được face-up trở nên sống động, có hồn. |
Dù không phải dân thiết kế nhưng chị Võ Thị Minh Thu (27 tuổi, giáo viên một trường mầm non ở Q. Bình Tân, TP.HCM) đã làm ra nhiều bộ trang phục búp bê bán cho khách hàng, vừa có thêm thu nhập từ nghề tay trái, vừa thỏa sở thích may vá.
Chị Thu tâm sự, từ nhỏ cô đã thích, “ăn, ngủ cùng búp bê”. Khi Thu có gia đình, cô con gái nhỏ cũng thích và đòi mua nhiều quần áo cho búp bê để chơi trò thay đồ. Tìm mua không được, chị Thu lấy vải vụn khâu khâu, vá vá… Bạn của con đến nhà chơi rất thích, thế là chị nghĩ ngay đến việc mình có thể kinh doanh từ trò chơi này.
“Tôi đã làm nghề được gần hai năm. May quần áo cho búp bê nghe có vẻ dễ nhưng thực sự rất “khó nhằn” - Thu chia sẻ. Do búp bê có kích thước rất nhỏ, nên để có thể khâu từng mũi thật chính xác, đều đặn, Thu mất rất nhiều thời gian.
Mỗi ngày, chị dành từ hai - ba giờ để may. Mỗi bộ quần áo có giá từ 20 - 50.000 đồng (tùy loại). Không chỉ quần áo, Thu còn thiết kế thêm phụ kiện như túi xách, mũ nón, giày dép… cho búp bê. Trung bình chị có thêm thu nhập khoảng chục triệu đồng/tháng từ nghề này.
Phúc Hưng